Phước Cát I trở thành đô thị loại V

03:10, 06/10/2011

Sau gần 25 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, tại kỳ họp lần thứ II, khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2015, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết công nhận xã Phước Cát là đô thị loại V.

Sau gần 25 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, Phước Cát từ một xã vùng sâu, vùng xa, nghèo nàn, lạc hậu đã từng bước phát triển, hội đủ các tiêu chuẩn của một đô thị và tại kỳ họp lần thứ II, khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2015, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết công nhận xã Phước Cát là đô thị loại V.
 
Năm 1986, xã Phước Cát I, huyện cát Tiên được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Phước Cát, thuộc huyện Đạ Huoai cũ.

Xã Phước Cát I cách trung tâm huyện Cát Tiên 11 km về phía tây nam, với vị trí địa lý: Phía đông giáp xã Đức Phổ, phía tây giáp xã Đăng Hàm, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, phía nam giáp xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, phía bắc giáp xã Phước Cát 2 và xã Gia Viễn, có tổng diện tích tự nhiên 1.698,92 ha với 7.500 nhân khẩu sinh sống trên 10 thôn. Từ một xã chủ yếu sản xuất thuần nông, thuộc diện nghèo, nhưng sau gần 25 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, xã Phước Cát I trở thành trung tâm tiểu vùng kinh tế, hành chính, văn hóa - xã hội, dịch vụ - thương mại của các xã phía tây nam huyện Cát Tiên và các xã giáp ranh của các địa phương bạn và đã hội đủ các tiêu chí của một đô thị loại V.
 
Một nét Phước Cát I (Cát Tiên). Ảnh Ngọc Minh
Một nét Phước Cát I (Cát Tiên). Ảnh Ngọc Minh

Cụ thể, về quy mô dân số, toàn xã hiện có 7.500 nhân khẩu, trong đó dân số ở trung tâm xã 4.192 nhân khẩu, đạt tỷ lệ đô thị hóa 55,9%. Quy mô sử dụng đất, tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã 1.698,92 ha, trong đó diện tích đất sử dụng ở trung tâm đô thị 200 ha, với đất công cộng đạt 35,066m2/người, đất ở 226,62 m2/người, đất giao thông 63,454 m2/người, đất cây xanh 42,93 m2/người, đất tiểu thủ công nghiệp 13,6m2/người, đất dự phòng 89,69 m2/người… 

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, từ một huyện sản xuất thuần nông, với trên 90% người dân sống bằng nghề nông nghiệp, đến nay, trong tổng số 4.050 lao động có 1.807 lao động phi nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 44,6%, trong đó lao động khu vực trung tâm xã 1.228 người, chiếm 68% lao động phi nông nghiệp.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,94% năm 2006, đến cuối năm 2010 giảm xuống còn 12,83%, trong đó hộ nghèo khu vực trung tâm chỉ còn 74 hộ, chiếm 6,9%. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng qua hàng năm từ 6.814.000 đồng năm 2008, hiện nay tăng lên trên 14 triệu đồng, kéo theo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng tăng từ gần 852 triệu đồng năm 2008, lên trên 1 tỷ đồng năm 2010.

Các công trình hạ tầng cơ sở đô thị, tuyến đường ĐT 721 từ quốc lộ 20 qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên vào xã Phước Cát I và nối với huyện Bù Đăng, Bình Phước qua cầu treo Phước Cát như là trục xương sống nối với 2 tuyến đường huyện là ĐH 93, ĐH 98 dài 7,5 km, đường liên xã dài 11 km và các tuyến đường liên thôn dài 18,5 km, (trong đó tỷ lệ nhựa hóa ở khu vực trung tâm đạt trên 80%), tạo nên một hệ thống giao thông liền mạch, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân địa phương, cũng như các vùng lân cận.

Cùng với đó, hệ thống điện chiếu sáng, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, chợ nông thôn, trường học, trạm y tế, trạm kinh doanh xăng dầu khá hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh của người dân.

Hiện nay số hộ dùng điện toàn xã đạt 98% (trong đó khu vực trung tâm đạt 100%), mạng lưới đường dây điện thoại đã đến 10/10 thôn, có 5 trạm dịch vụ internet, 1 chi nhánh bưu cục, 1 trạm truyền thanh không dây với 17 cụm loa phóng thanh, 1 chợ đầu mối đạt quy mô chợ loại II miền núi, 1 trường THPT gồm 17 lớp với 628 học sinh, 1 trường THCS gồm 22 lớp với 684 học sinh, 2 trường tiểu học gồm 27 lớp với 779 học sinh, 1 trường mẫu giáo và 5 phân hiệu gồm 9 lớp với 207 cháu (ngoài ra còn có 300 con em của xã đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp), 1 phòng khám đa khoa khu vực  và 1 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 1 trạm kinh doanh xăng dầu và 1 trạm bơm nước phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân địa phương.

Ngoài ra, theo đồ án quy hoạch xây dựng thị trấn, hiện nay ở Phước Cát đang triển khai xây dựng 1 nhà văn hóa đa năng diện tích 1.500 m2 và 1 sân vận động diện tích 15.000 m2, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Cảnh quan đô thị, hệ thống cây xanh trên các trục đường, các khu vực công cộng cũng đang từng bước được đầu tư, chỉnh trang theo hướng đạt chuẩn đô thị loại V.

Về tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, Đảng bộ xã Phước Cát hiện có 120 đảng viên, đang sinh hoạt trong 17 Chi bộ. Nhiệm kỳ 2004-2010, HĐND xã Phước Cát có 20 đại biểu và 5 đại biểu HĐND huyện tại đơn vị bầu cử xã Phước Cát. Chính quyền thôn có 10 thôn với 20 cán bộ thôn trưởng, thôn phó đang hoạt động khá hiệu quả, góp phần vào việc lãnh chỉ đạo, điều hành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH tại địa phương.
    
Đối chiếu với tiêu chuẩn đô thị loại V do Nhà nước quy định thì KT-XH, quy mô dân số, đất sự dụng, lao động phi nông nghiệp, kết cấu hạ tầng cơ sở nói trên của xã Phước Cát đạt điểm chuẩn 75,9/100 điểm, đủ tiêu chuẩn đô thị loại V.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Hiển - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết: “Để xứng với tầm vóc của một thị trấn và vươn cao hơn trong tương lai, xã Phước Cát còn phải nỗ lực xây dựng, phát triển nhiều hơn nữa trên mọi lĩnh vực, nhất là bộ mặt, cảnh quan và các thiết chế đô thị. Nhưng một khi đã có niềm vui, lòng tự hào được công nhận đô thị loại V, tôi tin rằng: Phước Cát sẽ làm được điều đó, vì rằng Phước Cát vốn có truyền thống đoàn kết, tinh thần vượt khó và một quyết tâm lớn luôn hướng về tương lai!”.
HOÀNG KIẾN GIANG