Tâm tình nơi “ nhà băng”

03:10, 19/10/2011

Nơi làm việc bề thế, mức thu nhập cao, bề ngoài thanh lịch…, nhưng phía sau những đặc điểm dễ nhận diện đó, những nữ cán bộ, nhân viên hoạt động trong môi trường này phải chịu nhiều áp lực bởi những con số, chỉ tiêu kinh doanh, quan hệ khách hàng…

Với sự phát triển của lĩnh vực tài chính - tiền tệ, làm việc tại ngân hàng đang được xem là nghề hấp dẫn, thời thượng. Nơi làm việc bề thế, mức thu nhập cao, bề ngoài thanh lịch…, nhưng phía sau những đặc điểm dễ nhận diện đó, những nữ cán bộ, nhân viên hoạt động trong môi trường này phải chịu nhiều áp lực bởi những con số, chỉ tiêu kinh doanh, quan hệ khách hàng…
 
Nữ giao dịch viên đảm nhận khối lượng công việc lớn bên trong ngân hàng
Nữ giao dịch viên đảm nhận khối lượng công việc lớn bên trong ngân hàng

Trong môi trường tài chính - tiền tệ, những con số chi phối cả quá trình làm việc, đòi hỏi sự tỉnh táo, quyết đoán, ứng xử nhẹ nhàng mà linh hoạt, mỗi thao tác gắn liền với cả guồng máy công việc, đặc biệt là với bộ phận giao dịch viên một cửa. Phía sau ô cửa kính, mỗi giao dịch viên đảm nhận nghiệp vụ của người kế toán, tín dụng và kiểm ngân. Từ việc giao dịch theo nhu cầu của khách hàng, nhận và kiểm đếm tiền chính xác, tiếp nhận rồi kiểm tra tính hợp lý của chứng từ, thực hiện sổ sách, hạch toán trên máy, chi trả..., cả một chuỗi thao tác liên tiếp, vừa hết khách hàng này, tiếp nối khách hàng khác. Có những lúc cao điểm tập trung đông khách hàng, khách hàng lại có nhiều lựa chọn và muốn tiết kiệm thời gian nhất, áp lực rút ngắn thời gian, làm việc hiệu quả, không lơ đễnh bởi qua câu hỏi của những vị khách xung quanh, người giao dịch viên tập trung toàn bộ tâm trí, sức lực cho công việc. Nhìn vào bề ngoài chỉnh chu của một nghề mang tính dịch vụ, dù tất bật, căng thẳng nhưng đòi hỏi của bộ phận này là luôn chừng mực, chu đáo, không để những lo nghĩ, cảm xúc căng thẳng của những con số ảnh hưởng đến thái độ vì “khách hàng luôn đúng”. Giao dịch viên được xem như bộ mặt của ngân hàng và cũng là bộ phận chịu khá nhiều trách nhiệm, sau giờ đóng cửa giao dịch, các bộ phận ngồi lại làm việc lập bảng cân đối trong ngày, lên bảng kê, giao tiền cho thủ quỹ… Khi mọi chứng từ đều khớp, tiền đủ, nếu phát hiện ra bất cứ sai sót nào, thiếu hay thừa ra một món tiền, tất cả đều phải kiểm tra lại từ đầu. Công việc chỉ thực sự kết thúc sau khi đã khóa sổ xong, ngày mai là ngày mới với nhiều công việc tiếp nối. Đã 6 năm làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, chị Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết, khi bắt đầu công việc, mỗi giao dịch viên phải hội tụ sự chính xác, tập trung cao, vui vẻ, hoạt bát ngày qua ngày. Dù đặc thù công việc chỉ làm việc tại một nơi và nhìn qua có vẻ an nhàn nhưng thực tế, trong giờ làm việc, giao dịch viên hầu như chỉ biết đến các nghiệp vụ, không có thời gian rảnh rỗi, kể cả khi có đông khách đến giao dịch và cả khi vắng khách, mỗi giao dịch viên tập trung cho việc đánh số, xử lý chứng từ để giao nộp. Phía sau công việc xã hội, công việc riêng tư của mỗi gia đình riêng của người giao dịch viên đều cần đến sự chia sẻ, giúp sức của người thân vì đặc tính công việc là giờ giấc không cố định, chỉ kết thúc ngày làm việc khi mọi nghiệp vụ đã hoàn thành, thông suốt. Đưa đón con đi học, chuẩn bị bữa cơm tối đúng giờ, xem những chương trình giải trí yêu thích… đôi khi là những điều “xa xỉ” đối với nữ giao dịch viên không thể chủ động xếp lịch sinh hoạt mỗi ngày.

Nếu bộ phận giao dịch là bộ mặt của ngân hàng, làm việc cố định tại trụ sở thì bộ phận tín dụng là bộ phận nghiệp vụ quan trọng vì ngân hàng hoạt động trên cơ sở “đi vay để cho vay”, bộ phận tín dụng đi đến nhiều địa bàn, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Giải ngân một món vay, cán bộ tín dụng chịu trách nhiệm với món tiền đó, khách hàng đó, áp lực về chỉ tiêu kinh doanh, quay vòng vốn, thu nợ… luôn đi cùng người cán bộ tín dụng. Khâu thẩm tra kỹ lưỡng, giám sát khoản vay chặt chẽ, đốc thúc khách hàng khi đến kỳ hạn trả lãi, trả tiền gốc…, những nữ cán bộ tín dụng cần cả sự quyết đoán, thận trọng, mềm mỏng, khéo léo, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Công tác tín dụng đi đến với nhiều nẻo đường, để thực hiện việc thẩm định dự án ở cả những nơi thuận lợi và cả vùng xa xôi trong điều kiện đi lại khó khăn. Mối quan hệ ngân hàng - khách hàng là mối quan hệ qua lại cần thiết lẫn nhau nên cán bộ tín dụng như gánh trên vai cả trách nhiệm với khoản vay. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, để khách hàng có thể trả nợ đúng hạn, mỗi nữ cán bộ nhân viên ở bộ phận này đối diện với rất nhiều áp lực công việc mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hoạt động trong môi trường cạnh tranh cao như hiện nay, không chỉ nhân viên mà mỗi nữ cán bộ lãnh đạo cũng không ngừng nỗ lực hàng ngày để chỉ đạo cải tiến nghiệp vụ, đối nội, đối ngoại, tập trung cùng đội ngũ nhân viên xây dựng và thể hiện hình ảnh riêng, vừa đảm bảo theo nguyên tắc quy định chung nhưng cũng tạo thuận lợi cho khách hàng, giữ chân khách hàng truyền thống và thu hút khách hàng mới đến với ngân hàng. Giao dịch khéo léo, tinh thần nhiệt tình, xử lý tình huống tốt; mỗi nữ cán bộ, nhân viên còn phải đề cao tinh thần liêm khiết với từng món tiền, không để khách thiếu tiền và cũng không an tâm khi phát hiện ra tiền thừa bởi điều đó ảnh hưởng đến uy tín hoạt động của nơi giao dịch.

Hiện tại, tỷ lệ nữ cán bộ, nhân viên chiếm 55,4% tổng số cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ở Lâm Đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Linh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng, Trưởng Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” ngành Ngân hàng Lâm Đồng cho biết, khác với suy nghĩ, đánh giá ban đầu rằng làm việc tại ngân hàng là môi trường rất nhiều thuận lợi, nhiều ưu đãi, ít khó khăn…, nhưng kỳ thực nữ cán bộ nhân viên đối mặt với không ít áp lực, chịu trách nhiệm cao với mỗi thao tác và quyết định của mình. Từ tính chất nghề nghiệp đó, phía sau những nụ cười là cả khối lượng công việc lớn, căng thẳng; nữ cán bộ, nhân viên càng phải cố gắng nhiều hơn để hoàn thành “nhiệm vụ kép” của một người phụ nữ: hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và đảm đang trong xây dựng tổ ấm.

HẢI YẾN