Đến nay, 100% đồng bào dân tộc thiểu số xã Ka Đô (thuộc huyện Đơn Dương) với 550 hộ dân đã biết đến sản xuất rau hoa thương phẩm; trong đó, tỷ lệ hộ sản xuất theo nông nghiệp công nghệ cao chiếm đáng kể.
Người DTTS ở Ta Ly I (Ka Đô, Đơn Dương) sản xuất rau thương phẩm |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương – cho biết: “Với Lạc Dương, đã từ nhiều năm qua, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai tại khu vực xã Đạ Sar – khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch của tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của địa phương tiếp cận với cách sản xuất mới theo hướng hàng hóa và mang tính cạnh tranh cao”. Không chỉ đối với đồng bào DTTS ở huyện Lạc Dương mà nhiều năm qua, việc triển khai các dự án chuyển giao khoa học công nghệ ở nhiều vùng đồng bào thiểu số tại các huyện khác của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng cũng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Theo Trung tâm, điển hình trong chương trình này là các dự án về sản xuất rau, hoa công nghệ cao, trồng nấm, trồng các loại cây đặc sản thế mạnh của Lâm Đồng; bên cạnh đó là các dự án về bảo tồn gen, nuôi cấy tế bào, xử lý phế phẩm… Nhiều mô hình cũng đã được hình thành trong vùng DTTS của tỉnh như mô hình rau hoa ở Lạc Dương; mô hình sản xuất đậu cô ve, su hào ở Đức Trọng, Đơn Dương; mô hình thâm canh cà phê, chè ở Bảo Lâm, chuối Laba Đức Trọng… Các dự án thuộc chương trình chuyển giao khoa học công nghệ này đã giúp bà con DTTS của tỉnh có thu nhập cao, vươn lên làm giàu. UBND huyện Đơn Dương cho biết, tại xã Ka Đô hiện nay, trong 1.900ha đất canh tác nông nghiệp đã có đến 1.800ha được đưa vào sản xuất rau, hoa thương phẩm. Nếu trước đây, với tập quán sản xuất theo truyền thống (tự cung tự cấp) gây không ít khó khăn cho cán bộ nông nghiệp của huyện Đơn Dương trong vận động bà con chuyển đổi sản xuất thì nay, bằng hiệu quả “nhìn rõ ngay trước mắt”, không chỉ tập quán “truyền thống” tự cung tự cấp đó đã được thay đổi mà tính cạnh tranh, thi đua trong sản xuất hàng hóa của bà con người Churu, Cơho… ở xã Ka Đô cũng đã trở nên “quyết liệt” hơn. Theo cán bộ Hội Nông dân xã Ka Đô, vùng đất này rất thích hợp với việc trồng rau thương phẩm nhưng nhiều năm trước, do tính “cạnh tranh” không có (bà con chủ yếu chỉ sản xuất tự cung tự cấp) nên phải nói là “đã lãng phí một cách đáng tiếc”. Còn nay thì hoàn toàn khác: Nhiều hộ dân ở Ta Ly I, Ta Ly II…, cứ sau mỗi một mùa vụ lại ngồi với nhau để “nhẩm tính” rằng vụ cà chua này, vụ rau vừa qua thu nhập được bao nhiêu; và như vậy còn thua người hàng xóm bao nhiêu triệu đồng.
Còn tại Lạc Dương, trong mấy năm qua, Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng đã triển khai hẳn một chương trình dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trồng rau – hoa thương phẩm trong vùng đồng bào DTTS”. “Hơn 700ha đất nông nghiệp tại xã Đạ Sar được quy hoạch để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh là điều kiện thuận lợi để Trung tâm triển khai dự án nói trên” – ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, thực hiện chương trình này, với kinh phí 200 triệu đồng, Trung tâm đã chọn ra 4 hộ nông dân hội đủ các điều kiện cần thiết để triển khai 2 mô hình trồng rau xanh và 2 mô hình trồng hoa cúc. Điều đáng lưu ý: Diện tích đất nông nghiệp được đưa vào xây dựng 4 mô hình này trước đây chủ yếu chỉ được canh tác cây ngô, thu nhập khá bấp bênh. Từ khi được xây dựng mô hình điểm, 1ha hoa cúc đã cho thu nhập mỗi vụ hơn 35 triệu đồng và 1ha rau xanh có con số không dưới 25 triệu đồng mỗi vụ. Như vậy, nếu tính cả năm, 1ha được canh tác theo mô hình ứng dụng này đạt được trên dưới 100 triệu đồng – cao hơn 24 triệu đồng so với mức bình quân chung của cả tỉnh. Điều đáng nói nữa, từ mô hình, nhiều hộ nông dân là người DTTS của địa phương đã học tập để về triển khai trên diện tích đất của gia đình mình, tạo nên một phong trào cần thiết trong canh tác nông nghiệp để bà con vượt qua đói nghèo.
Giúp bà con DTTS tiếp cận và ứng dụng quy trình sản xuất mới, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; huấn luyện, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ KHKT trong vùng đồng bào DTTS có đủ khả năng để giúp bà con có thu nhập cao trong canh tác nông nghiệp… là những điều đáng ghi nhận trong chương trình chuyển giao tiến bộ KHKT trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây. Và, điều quan trọng hơn, thành quả này chính là điều kiện căn bản để người DTTS Lâm Đồng phát huy được tiềm năng đất đai, vươn lên làm giàu.