Hạn chế cả số lượng lẫn chất lượng

03:10, 27/10/2011

Bảo Lâm là một trong 4 địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thế nhưng, trong những năm qua, việc thu hút đầu tư trên địa bàn huyện còn rất nhiều hạn chế. Số lượng các dự án đầu tư ít, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng triển khai chậm hoặc không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết.

Bảo Lâm là một trong 4 địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thế nhưng, trong những năm qua, việc thu hút đầu tư trên địa bàn huyện còn rất nhiều hạn chế. Số lượng các dự án đầu tư ít, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng triển khai chậm hoặc không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết.

Từ đầu năm 2011 đến nay, dù giá trị sản xuất công nghiệp (CN) trên địa bàn huyện Bảo Lâm tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước, nhưng việc thu hút đầu tư vào 2 cụm CN Lộc An và Lộc Thắng của huyện rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Sau 5 năm chính thức đi vào hoạt động, cụm CN Lộc Thắng chỉ thu hút được 3 doanh nghiệp (DN) vào đầu tư và trong 10 tháng qua, không có thêm DN nào đăng ký xin đầu tư. Trong khi đó, cụm CN Lộc An hiện vẫn đang kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng.
 
 Sau hơn 2 năm giao cho Công ty Bảo Tân đầu tư xây dựng hạ tầng, Cụm CN Lộc Thắng vẫn còn ngổn ngang
Sau hơn 2 năm giao cho Công ty Bảo Tân đầu tư xây dựng hạ tầng, Cụm CN Lộc Thắng vẫn còn ngổn ngang

Ba DN đầu tư tại cụm CN Lộc Thắng là DNTN Hùng Anh (sản xuất vật liệu xây dựng) và 2 DN sản xuất chè là Công ty TNHH Phước Thái và DNTN Kim Dung. DN mới nhất đã hoạt động chỉ được 1 năm, “thâm niên” thì cũng chỉ mới 4 năm. Thế nhưng, hiện tại, 2/3 DN vẫn chưa có “đất sạch” để yên tâm đầu tư sản xuất. Ông Đồng Kim Hùng - DNTN Kim Dung, phản ánh: “DN chúng tôi vào đây đã được 4 năm, nhưng hiện vẫn còn một đường dân sinh cắt giữa lô đất. Khi kiến nghị với huyện thì huyện trả lời DN cứ rào. Trong khi đó, con đường này đã có từ lâu, nếu mình tự ý rào thì không thể được. Do đó, DN kiến nghị với huyện cần sớm làm đường dân sinh khác để DN có thể rào lại khu đất”. Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Sơn - đại diện Công ty Phước Thái, cho biết: “Khi đến đầu tư, lô đất của công ty được huyện giao là 3 ha. Trên thực tế, chúng tôi mới chỉ nhận khoảng 2,5 ha. Phần còn lại do chưa thỏa thuận đền bù xong, nên huyện chưa giao. Dù đã kiến nghị với huyện nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn huyện sớm giao hết số đất để đơn vị mở rộng sản xuất trong tương lai.

Lý do để các DN vào đầu tư tại cụm CN Lộc Thắng nói riêng và huyện Bảo Lâm nói chung là do địa phương có lợi thế về nguồn nguyên liệu và một số chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi. Tuy nhiên, cái vướng nhất khiến các DN có ý định đầu tư, nhưng còn “ngại” chính là do hạ tầng điểm CN (hệ thống điện, cấp thoát nước, đường giao thông, hệ thống xử lý chất thải…). Hiện nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng do Công ty Cổ phần Thủy điện Bảo Tân (Đà Lạt) đảm nhiệm. Theo ghi nhận thực tế, từ khi được nhận đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm CN Lộc Thắng đến nay, Công ty Bảo Tân vẫn chưa đầu tư được bao nhiêu hạng mục.

Ông Vương Khả Kim – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Hai năm trở lại đây, cụm CN Lộc Thắng không thu hút được DN nào. Lý do, cụm CN này được giao cho một đơn vị là Công ty Bảo Tân để xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Trong khi đó, hầu hết các DN muốn đầu tư vào đây lại không muốn qua trung gian một DN khác, mà mong muốn làm việc trực tiếp với huyện hoặc tỉnh. Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này với tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư để có hướng tháo gỡ. Mục tiêu của chúng tôi là “lấp đầy” cụm CN Lộc Thắng trong vài năm, nhưng đến nay chỉ có rất ít DN đầu tư”.

Ngoài 2 cụm CN nói trên, trong thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã thu hút trên 60 dự án đầu tư; trong đó, có đến 48 DN đầu tư các dự án liên quan đến rừng và đất rừng với tổng diện tích đất rừng được giao gần 15.500 ha. Điều đáng lưu ý là qua kiểm tra 35/48 DN nhận rừng thì có đến 22 DN chưa thực hiện đúng phương án sản xuất - kinh doanh; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, khiến rừng bị phá trên 65 ha và bị lấn chiếm trái phép gần 150 ha. Đến nay, các DN mới chỉ triển khai trồng hơn 3.000 ha rừng. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, diện tích trồng rừng của các DN chỉ đạt ở mức 20 - 25% là quá thấp. Ông Vương Khả Kim - PCT UBND huyện Bảo Lâm, lý giải: “Khi giao đất cho các DN, là thường xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm đất rừng. Do đó, các DN triển khai dự án kém hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay huyện đã ngưng thu hút các dự án đầu tư có liên quan đến rừng và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai chậm và tập trung hỗ trợ những DN đang triển khai dự án”.

Thu hút đầu tư được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của huyện Bảo Lâm. Việc thu hút đầu tư của huyện hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giải quyết những vướng mắc, huyện đã thành lập các ban để giúp đỡ DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ đến với Bảo Lâm để đầu tư dự án.

HỮU SANG