Thư viện Lâm Đồng góp phần giữ gìn văn hóa đọc

03:10, 25/10/2011

Văn hóa đọc và sách là một phần rất quan trọng trong hình thành nhân cách của con người. Nhưng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hôm nay, nhiều loại hình giải trí khác như tivi, internet đã chiếm nhiều sự quan tâm khiến sách ít nhiều cũng mất bớt độc giả.

Văn hóa đọc và sách là một phần rất quan trọng trong hình thành nhân cách của con người. Nhưng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hôm nay, nhiều loại hình giải trí khác như tivi, internet đã chiếm nhiều sự quan tâm khiến sách ít nhiều cũng mất bớt độc giả. Làm thế nào để văn hóa đọc được duy trì, để sách giữ được vai trò trong đời sống tinh thần của đông đảo công chúng là nhiệm vụ chính của Thư viện Lâm Đồng, “ngôi nhà sách” xinh đẹp nằm trên đường Trần Phú rợp màu ban trắng.

Hoạt động từ năm 1975 với sự sát nhập của hai thư viện có sẵn - thư viện thị xã Đà Lạt và thư viện Abraham Lincold - Thư viện Lâm Đồng đã có trên 30 năm phục vụ bạn đọc mọi lứa tuổi. Từ dãy nhà trệt cũ kỹ, sách, báo cũ nát, hôm nay thư viện đã được xây dựng đẹp đẽ với lượng sách trên 200 ngàn bản và liên tục được bổ sung. Lượng bạn đọc tới thư viện cũng ngày càng tăng với trên 1.300 số thẻ được cấp, trong đó rất đáng mừng là có gần 800 bạn đọc thiếu nhi, lứa tuổi đang hình thành nhân cách sống. Không chỉ có thế, thư viện tỉnh còn là đầu mối bổ sung, cấp phát sách tới các thư viện huyện, thị và 111 điểm bưu điện văn hóa xã, giúp bà con vùng sâu tiếp cận sách, báo dễ dàng hơn. Bạn đọc đã tìm đến với thư viện như một địa chỉ giúp họ tiếp cận sách mới, sách quý hiếm, đắt tiền không dễ mua và nhất là, họ dần lấy lại thói quen đọc sách vốn đã bị mai một ít nhiều.

Bà Đào Thị Duyên, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng là người đã gắn bó với sách hàng mấy chục năm. Bà tâm sự, chưa bao giờ sách phải chịu sự cạnh tranh lớn như bây giờ, đặc biệt là internet với những tiện ích không thể so sánh. Tuy nhiên, theo bà Duyên, văn hóa đọc vẫn là điều vô cùng cần thiết trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, nhất là với trẻ em. Bà Duyên cho biết: “Để thu hút độc giả tới thư viện, chúng tôi đã đơn giản hóa mọi thủ tục như làm thẻ, không hạn chế lựa chọn sách, sách mới được bổ sung liên tục, đa dạng và phong phú. Và thái độ của nhân viên thư viện luôn niềm nở, giúp bạn đọc nhiệt tình để bạn đọc thấy thoải mái khi sinh hoạt tại thư viện. Bạn đọc thiếu nhi cũng là đối tượng được quan tâm nhất và chúng tôi mong muốn thu hút các em tới thư viện”. Thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động như quản lý tư liệu, quản lý bạn đọc nên việc chọn lựa sách nhanh gọn và chính xác. Vì cuối tuần là thời gian nghỉ làm, nghỉ học  nên thư viện phục vụ cả thứ 7 để bạn đọc có thời gian tham gia đọc và mượn sách. Bởi vậy, bạn đọc rất thoải mái khi tới sinh hoạt tại Thư viện Lâm Đồng và đây cũng là nguyên nhân chính giúp thư viện hoàn thành nhiệm vụ.

 Bà Duyên cũng khẳng định, nếu được đầu tư đúng mức, thư viện là một phần không thể thiếu để xây dựng một xã hội học tập suốt đời. Tới thư viện, cả gia đình sẽ được lựa chọn những hoạt động phù hợp như cha mẹ, trẻ lớn đọc sách, trẻ nhỏ vui chơi. Còn hiện nay, ngoài cơ sở vật chất được xây dựng rộng rãi, Thư viện Lâm Đồng vẫn còn thiếu rất nhiều bàn ghế dành cho độc giả, kệ dùng xếp sách báo. Nhiều kho sách rất quý như ngoại văn, địa chí phải đóng cửa, sách đóng chặt xếp dưới sàn nhà vì không có kệ, không có bàn ghế cho người đọc gây ra sự lãng phí lớn. “Chúng tôi mong muốn được cung cấp đủ trang thiết bị cần thiết để phục vụ tốt hơn, để sách đến gần hơn với bạn đọc mọi lứa tuổi, để tiếp tục góp phần duy trì văn hóa đọc cho người dân thành phố chúng ta”.
Diệp Quỳnh