Trả lại sự trong lành cho sông Đồng Nai

04:10, 30/10/2011

Sông Đồng Nai cần sự trong lành như trước đây để Cát Tiên thực hiện chương trình kết nối du lịch vào sau năm 2020 là lời đề nghị của lãnh đạo huyện Cát Tiên tại một số văn bản vừa chuyển đến cơ quan chức năng cấp tỉnh.

Sông Đồng Nai cần sự trong lành như trước đây để Cát Tiên thực hiện chương trình kết nối du lịch vào sau năm 2020 là lời đề nghị của lãnh đạo huyện Cát Tiên tại một số văn bản vừa chuyển đến cơ quan chức năng cấp tỉnh. Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu cho biết: “Đây là một chương trình khá táo bạo của huyện nhưng qua phân tích, chương trình này rất mang tính sáng tạo và hoàn toàn khả thi”.
 
Nạn khai thác cát làm ảnh hưởng không tốt đến sông Đồng Nai
Nạn khai thác cát làm ảnh hưởng không tốt đến sông Đồng Nai

Bí thư Huyện ủy Cát Tiên nói tiếp: “Ngày chúng tôi mới vào đây (những năm đầu 80 của thế kỷ trước), dòng sông Đồng Nai trong xanh và còn hoang vu lắm. Còn bây giờ, bởi bị xâm hại nhiều nên con sông quanh năm đục ngầu. Bằng mọi cách, chúng ta phải trả lại sự trong lành cho dòng sông này; trong đó, dừng các hoạt động khai thác cát là việc đầu tiên và rất cần thiết mà chúng ta phải thực hiện”.

Phát nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, đi qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM rồi đổ ra biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ, sông Đồng Nai có chiều dài lên đến 586km; trong đó, đoạn qua huyện Cát Tiên dài hơn 60km. Đây là con sông lớn thứ hai ở khu vực Nam Bộ, chỉ sau sông Cửu Long. Đoạn dài hơn 60km qua huyện Cát Tiên, dòng sông gần như ôm trọn vùng đất này với nhiều thắng cảnh rất nên thơ, độc đáo và chứa đầy tiềm năng du lịch. Trên dòng sông chính và các hợp lưu, hệ thống sông Đồng Nai có khá nhiều công trình thủy điện đã và sẽ xây dựng như Trị An, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A (dòng chính); Thác Mơ, Cần Đơn (hợp lưu sông Bé), Hồ Dầu Tiếng (sông Sài Gòn), Đa Nhim, Đại Ninh (sông Đa Nhim), Hàm Thuận Đa Mi (sông La Ngà)… Ở khu vực huyện Cát Tiên và hai địa phương lân cận là Đồng Nai và Bình Phước, sông Đồng Nai là một trong những yếu tố cấu thành của sự độc đáo về môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên và kế đến là Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu. Riêng ở huyện Cát Tiên, sông Đồng Nai đã góp phần quan trọng trong việc hình thành tiềm năng du lịch cho địa phương từ những thắng cảnh, di tích như hang Thoát Y Vũ, thánh địa Cát Tiên, làng văn hóa dân tộc bản địa, VQG Cát Tiên, hệ thống thác ghềnh, khu căn cứ Khu ủy khu VI…

Ông Nguyễn Văn Minh - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên (VQG Cát Tiên) – cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hạt đã xử lý 2 vụ khai thác cát có quy mô lớn với 4 đương sự, phạt tiền trên 19 triệu đồng và tịch thu 2 tàu hút cát. Còn theo Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu thì hiện trên địa bàn huyện này có đến khoảng 30 tàu khai thác cát của hơn 10 tổ chức và cá nhân đang hoạt động theo giấy phép. Ở huyện Đạ Tẻh, riêng khu vực xã Đạ Kho cũng đã có đến 2 doanh nghiệp và 4 cá nhân được cấp phép khai thác cát với thời hạn 10 – 15 năm. “Hầu hết các tổ chức và cá nhân khai thác cát trên sông Đồng Nai đều khai thác vượt quá công suất cho phép, khai thác sai quy trình, sai vị trí… Việc làm này không những khiến cho dòng sông bị biến đổi dòng chảy mà môi trường sinh thái nơi này cũng bị xâm hại nghiêm trọng” - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên thẳng thắn thừa nhận. Còn ông Nguyễn Văn Minh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cát Tiên, thì nêu thực trạng: “Sự đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên nói chung và lưu vực sông Đồng Nai nói riêng đang bị đe dọa bởi nhiều tác động tiêu cực, trong đó có hoạt động khai thác cát (kể cả hoạt động có giấy phép). Hiện có hàng chục điểm trên bờ sông đi qua Vườn bị sạt lở do các ông chủ cát khi thấy vắng bóng kiểm lâm thì cho tàu chạy vào tận khu vực cấm của Vườn để hút cát. Đó là chưa nói đến chuyện đã từng xảy ra trước đây tại Vườn là chính các ông chủ cát này còn lén lút khai thác gỗ trái phép và tiến hành một số hoạt động trái pháp luật khác…”.

Bí thư Huyện ủy Cát Tiên nói: “Trả lại sự trong lành cho dòng sông Đồng Nai đã đến lúc trở thành một mệnh lệnh của lương tâm. Riêng với huyện Cát Tiên, chúng tôi đã có văn bản đề nghị tỉnh không cấp giấy phép mới trong khai thác cát, không cho sang nhượng giấy phép khai thác cát; đồng thời, huyện cũng đề nghị tỉnh và ngành chức năng xem xét lại thời hạn của các giấy phép đã cấp… Mục tiêu được đặt ra là đến hết năm 2015, dòng sông Đồng Nai sẽ cơ bản được trả lại sự trong lành để đến sau năm 2020, Cát Tiên chính thức bắt tay vào thực hiện chương trình phát triển du lịch theo kiểu “du lịch kết nối” của riêng huyện Cát Tiên”.

KHẮC DŨNG