Trải nghiệm cùng con

09:10, 13/10/2011

(LĐ online) - “Tôi muốn các con có được những cảm giác thú vị như mình đã từng có. Các bé được trải nghiệm cuộc sống xa thành phố, hòa mình vào thiên nhiên, đêm không có đèn điện…”.

(LĐ online) - “Tôi muốn các con có được những cảm giác thú vị như mình đã từng có. Các bé được trải nghiệm cuộc sống xa thành phố, hòa mình vào thiên nhiên, đêm không có đèn điện…”.

Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc – ở Tp.HCM. Chúng tôi không hẹn mà gặp cả gia đình chị tại Khu du lịch sinh thái Núi Voi và rất ngạc nhiên vì 3 cháu nhà chị còn khá nhỏ (Khánh Trân – 10 tuổi, Minh Khang – 8 tuổi, Bảo Trân – 6 tuổi) mà tối mịt cũng theo ba mẹ vào rừng.

Chị Ngọc kể: Cách đây 15 năm, khi còn là sinh viên, chị đã cùng bạn đi dã ngoại vào Khu du lịch sinh thái Núi Voi này và đã có những cảm xúc không thể nào quên. Từ đó, ý nghĩ quay trở lại luôn thôi thúc chị. Khi có gia đình, chị rất muốn được đi cùng chồng và các con, nhưng mãi đến nay, khi các con lớn lên chị mới thực hiện được ý định của mình.
 
Gia đình anh chị Khánh - Ngọc trong không gian KDL sinh thái Núi Voi.
Gia đình anh chị Khánh - Ngọc trong không gian KDL sinh thái Núi Voi.

Các con chị rất thích thú khi cả nhà cùng quây quần quanh bếp lửa, nướng khoai lang, nghe ba và các cô chú mới quen đàn, hát như đã thân từ lâu. Đặc biệt, cậu bé Minh Khang suốt buổi tối như bị hút vào đống lửa, lúc cầm que chọc lửa, lúc đẩy củi, lúc lại bắt chước ba thổi phù phù cho lửa bùng lên… Bé cứ lòng vòng quanh bếp, hí hoáy với cây tời than cho đến khi phải về ngủ. Bé hồn nhiên trả lời đồng nghiệp chúng tôi ở đài PTTH Lâm Đồng: “Con thích bếp lửa, con thích chơi với lửa!”.

Gia đình chị Ngọc ở Tp.HCM. Chị bận rộn quản lý một nhà hàng. Anh Khánh – chồng chị là “dân IT”. Dù rất bận rộn, nhưng anh chị có quan điểm giáo dục con cái rất thoáng và hiện đại. Các con anh chị từ nhỏ được học ở Trường quốc tế Anh ngữ. Chị chia sẻ: “Không phải vì có điều kiện mà mình cho con vào học trường quốc tế. Mình thấy các cháu nhỏ đi học bị nhiều áp lực quá, cặp sách rất nặng, nhiều em bị cận thị… Mình muốn các con được phát triển tự nhiên, được hưởng tuổi thơ học – chơi trong sáng, hồn nhiên…”.

Khi có thời gian, anh Khánh thường đưa các con đi chơi thể thao, bơi lội, đặc biệt là leo… “núi giả”. Hèn gì, dù leo trèo, bơi thuyền… suốt một ngày ở Khu du lịch Đá Tiên, vào Khu du lịch Núi Voi, các bé vẫn vui vẻ ngắm nghía cuộc sống dân dã với nhà mái tranh, vách tre, sàn mộc, cửa không khóa… “Con rất thích sống ở trong rừng!” - Cô con gái 10 tuổi Khánh Trân bật cười vui vẻ. Suốt cả buổi tối, ba chị em nói chuyện với nhau và với ba mẹ bằng tiếng Anh những cảm giác có được, những thắc mắc về cuộc sống mới lạ…, từ nào không nói được các bé hỏi ba mẹ…

Chúng tôi tò mò về mục đích đầu tư học hành cho con cái, kỳ vọng, mong muốn của anh chị về các con sau này…? Thật bất ngờ, chị Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi không đặt kỳ vọng gì cả, không đưa ra định hướng con phải làm kỹ sư, bác sĩ…; mà chỉ muốn con được phát huy hết khả năng, sau này làm gì là do các con tự lựa chọn. Các cháu có thể làm nghề mà các cháu muốn”.

Chính quan điểm như vậy, mà trong cuộc sống hằng ngày, anh chị luôn để cho các bé tự lập. Em bé nhỏ nhất – Bảo Trân, sáng sớm đòi theo ba với anh chị xem vượn. Đường đất, cỏ còn sương đêm, ướt trơn, bé trượt chân, bị xước nhẹ. Anh Khánh lo lắng chăm con, chị kiểm tra thấy vết thương không có gì đã khuyến khích bé: “Bôi thuốc chút xíu đề phòng nhiễm trùng thôi!”. Thế là bé yên tâm chơi tiếp!

Những gia đình có điều kiện như anh chị Khánh – Ngọc trong xã hội Việt Nam hiện nay rất nhiều, nhưng không phải ai cũng có quan điểm về giáo dục con cái như anh chị. Nhiều gia đình điều kiện kém hơn, nhưng cha mẹ vẫn thích cho con trải nghiệm những điều mình muốn, như cùng con chơi thể thao, đi dã ngoại, tắm biển, xem triển lãm, học nhạc – họa… Bích Nghi – bà mẹ trẻ của cậu con trai 4 tuổi than thở: “Em rất bận, em ước mỗi tuần có thêm ba buổi rảnh nữa”. Hỏi để làm gì? Cô trả lời: “Một tuần mẹ con em mất 3 buổi học bơi, 3 buổi học đàn, em còn muốn hai mẹ con cùng đi học vẽ…”.

Những gia đình không có điều kiện, những gia đình khó khăn, con cái lại được trải nghiệm bằng chính cuộc sống của cha mẹ. Từ đó, các em biết chia sẻ, đỡ đần, thậm chí là gánh vác trách nhiệm mưu sinh. Nhưng chính sự “trải nghiệm” từ cuộc sống đó, có biết bao tấm gương vượt khó, bao thủ khoa “chân đất”… sau mỗi mùa thi.

Trải nghiệm cùng con là một cách để con trẻ học yêu thương và chia sẻ!

Lê Hoa