Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Hiệu quả và những khó khăn, tồn tại

03:10, 23/10/2011

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư TW Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL)…” năm 2011; các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức và đầu tư công tác TTPBGDPL...

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư TW Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL)…” năm 2011; các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức và đầu tư công tác TTPBGDPL. Để đánh giá hiệu quả mang lại, cũng như những khó khăn, tồn tại cần phải có biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác quan trọng nói trên, từ ngày 5/10 đến ngày 21/10/2011, UBND tỉnh quyết định thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra, đánh giá công tác TTPBGDPL tại 12 huyện, thành phố của tỉnh.

HIỆU QUẢ MANG LẠI TỪ VIỆC QUAN TÂM VÀ ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC TTPBGDPL Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Cũng như ở cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đều thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPHCTPBGDPL) với các thành viên là các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội do đồng chí chủ tịch, hoặc phó chủ tịch UBND làm chủ tịch Hội đồng và hội đồng này luôn được củng cố, kiện toàn do sự biến động về công tác tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở. Nhờ có sự kịp thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn này, cộng với sự quan tâm đầu tư kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, nên các Hội đồng đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác TTPBGDPL một cách bài bản, đồng bộ và khá hiệu quả. Ở hầu hết các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đều có các hình thức TTPBGDPL hết sức đa dạng, phong phú và hiệu quả như: phát tờ rơi, tài liệu có nội dung TTPBGDPL, tuyên truyền miệng thông qua tuyên truyền, vận động của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, hội thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa thông qua hoạt động của các CLB, hòa giải cơ sở thông qua hoạt động của các tổ hòa giải, truyền thanh không dây, xây dựng tủ sách pháp luật ở huyện, xã, phường, thị trấn, trường học; tổ chức giáo dục pháp luật công dân chính khóa, ngoại khóa trong các trường học, với sự tham gia của hàng chục, hàng trăm ngàn cán bộ, quần chúng nhân dân và học sinh. Một số nơi có cách TTPBGDPL phù hợp với đặc điểm có nhiều đồng bào DTTS như Cát Tiên, Đam Rông…, bằng việc dịch các tờ rơi, các văn bản pháp luật và truyền thanh không dây ra hai thứ tiếng: Kinh và K’Ho, Châu Mạ. Một số nơi khác như Lâm Hà, Lạc Dương… lại chọn nội dung TTPBGDPL phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ phục vụ phát triển KT-XH từng thời điểm, từng vùng, từng địa bàn, đặc điểm dân cư,… Chẳng hạn như thời điểm bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, TTPBGDPL Luật Bầu cử Quốc hội, trước mùa khô TTPBGDPL Luật Phòng chống cháy, Luật BV-PT rừng; trước, trong năm học tuyên truyền Luật ATGTĐB, Đề án “Phòng chống bạo lực học đường”; vùng đồng bào DTTS TTPBGDPL Luật Hôn nhân gia đình, Chính sách Dân tộc… Đặc biệt, tại các huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh và các TP Đà Lạt, Bảo Lộc, các câu lạc bộ hoạt động rất mạnh, thu hút được đông đảo người đến xem như CLB “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật” “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, “Phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực học đường”… Để duy trì được hoạt động TTPBGDPL nói trên, các huyện, TP đều phải xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và cấp kinh phí hàng năm cho các HĐPHCTTTPBGDPL cấp huyện, cấp xã bình quân 40-50 triệu đồng/năm cấp huyện, 3-5 triệu đồng/năm cấp xã. Cá biệt có HĐ được cấp kinh phí hoạt động hàng năm lên tới trên 200 triệu đồng như ở huyện Lâm Hà. Đây không chỉ là sự quan tâm đầu tư về con người, về lãnh, chỉ đạo, mà còn cả về kinh phí nên việc TTPBGDPL mang lại hiệu quả cao trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật, khiếu kiện đông người, vượt cấp…

NHỮNG KHÓ KHĂN, TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC TTPBGDPL

Nhìn chung, trong những tháng đầu năm 2011, hoạt động TTPBGDPL trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả khá khả quan như đã nói, nhưng hiện công tác này vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại sau: Kinh phí đầu tư cho các HĐPHCTTTPBGDPL nhìn chung quá hạn chế, không đủ đầu tư cho hoạt động, ngay cả ở những TP lớn như Bảo Lộc, Đà Lạt cũng chỉ dừng ở mức 40-50 triệu đồng/năm, các huyện còn lại đều từ 30-40 triệu đồng/năm, nhất là ở HĐ cấp xã chỉ được cấp kinh phí 3-4 triệu đồng/năm, không đủ để TTPBGDPL một buổi sân khấu hóa, nên nhìn chung các xã không duy trì được hình thức sân khấu hóa, chỉ xã, phường, thị trấn nào năng động vận động quyên góp mới duy trì được, trong lúc đây là hình thức TTPBGDPL thu hút được cán bộ, nhân dân đến xem nhất. Cũng do tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, nên tủ sách pháp luật ở cấp huyện, cấp xã chậm được bổ sung các đầu sách, các văn bản pháp luật mới, hầu hết đều có nội dung cũ, lạc hậu, lại không được đặt ở vị trí hợp lý nên cán bộ, nhân dân ngại đến đọc, tìm hiểu, tra cứu các văn bản pháp luật. Cá biệt có trường hợp như ở xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tủ sách pháp để chung với hồ sơ, chứng từ của 4 -5 cơ quan đoàn thể trong một phòng làm việc chật hẹp đến mức “không còn lối đi”, thì lấy đâu ra không gian cho cán bộ, nhân dân đến khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật. Một số HĐPHCTPBGDPL ở cấp xã, phường, thị trấn chậm được củng cố, kiện toàn, có nơi do sự biến động của bộ máy chính quyền, đoàn thể 2, 3 năm, nhưng HĐ không được củng cố, kiện toàn và hầu như không hoạt động gì, mãi đến khi có đoàn kiểm tra đến làm việc mới vội vàng triệu tập, nhưng thiếu ngược, thiếu xuôi. Mặt khác, các thành viên trong HĐPHCTPBGDPL đều kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động TTPBGDPL bị hạn chế, phụ thuộc đến tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên, nên tình trạng hoạt động không đều tay, hiệu quả không cao là điều không tránh khỏi.

Từ thực tế, những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại trong công tác phối hợp TTPBGDPL thời gian qua, các trưởng đoàn kiểm tra: Nguyễn Đức Hưng - TUV, Chánh Thanh tra nhà nước tỉnh, Vũ Văn Sê - Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng đề nghị các huyện, TP, các xã, phường, thị trấn cần quan tâm hơn nữa công tác PHPBGDPL bằng việc nhanh chóng củng cố, kiện toàn HĐPHCTPBGDPL, đầu tư kinh phí thỏa đáng, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đồng bộ, thiết thực. Về phía đoàn kiểm tra, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, HĐPHCTPBGDPL tỉnh có cơ chế phối hợp hoạt động chặt chẽ hơn, hợp lý hơn, nhằm đạt được hiệu quả công tác TTPBGDPL cao hơn trong thời gian tới.
 
HOÀNG KIẾN GIANG