Tuyệt chủng tê giác một sừng tại Việt Nam

10:10, 25/10/2011

(LĐ online) - WWF và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) công bố Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Ông Trần Văn Thành-Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQGCT) cũng đã xác nhận thông tin này.  

(LĐ online) - Ngày 25/10, bà Nguyễn Phương Ngân, Cán bộ Truyền thông WWF-Greater Mekong Chương trình Việt Nam cho LamDong Online biết: Hôm nay, WWF và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) công bố Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Ông Trần Văn Thành-Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQGCT) cũng đã xác nhận thông tin này.  

Tháng 5-1999, lần đầu tiên phát hiện được cá thể tê giác Java ở Cát Tiên qua bẫy ảnh
Tháng 5/1999, lần đầu tiên phát hiện được cá thể tê giác Java ở Cát Tiên qua bẫy ảnh.
Theo ông Vũ Ngọc Lân-Phó Giám đốc VQQGCT, năm 2004, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Queen’s (Canada) khảo sát tại VQGCT cho biết, tại Vườn, số lượng cá thể tê giác Java không thống nhất, có thể 3-4 cá thể. Nhưng, từ sau cái chết của con tê giác được phát hiện tại tiểu khu 513, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, vào ngày 29/4/2010, bà Trần Thị Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam khẳng định: “Cá thể tê giác Java cuối cùng đã tử vong. Thật đau lòng khi mà những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam”.

Theo Tổ chức WWF, kết quả phân tích di truyền học 22 mẫu phân thu thập tại VQGCT trong hai năm 2009 – 2010 đều thuộc một con tê giác đã bị chết nói trên. Báo cáo của WWF cũng cho biết, nạn săn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể tê giác Java ở VQGCT bởi khi tìm thấy, trong chân của nó đã bị găm một viên đạn và sừng tê giác đã bị cưa lấy mất.

Loài tê giác Java từng cho là đã bị tuyệt chủng ở châu Á, nhưng năm 1988, khi người ta săn được một cá thể trong khu vực VQGCT mới khẳng định có một quần thể tê giác nhỏ đang tồn tại. Theo đó, nhiều tổ chức đã tích cực tham gia bảo tồn quần thể tê giác cuối cùng còn sót lại, nhưng rốt cuộc, chính hoạt động bảo vệ kém hiệu quả của Vườn đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng. Đây cũng là vấn đề chung ở hầu hết các khu bảo tồn tại Việt Nam, và là nguyên nhân đe dọa sự sống còn của rất nhiều loài khác, WWF nhận định.

Việc săn bắt động vật hoang dã trái phép gây suy giảm và cô lập nhiều quần thể loài ở Việt Nam. Hổ, voi châu Á và các loài đặc hữu như sao la, voọc mũi hếch và cá sấu Xiêm cũng đang bị đẩy vào bờ vực tuyệt chủng.

Bộ xương tê giác Java cuối cùng thu gom được tại xã Gia Viễn, Cát Tiên ngày 24-10-2010
Bộ xương tê giác Java cuối cùng thu gom được tại xã Gia Viễn, Cát Tiên ngày 24/10/2010.
“Thảm kịch của tê giác Java Việt Nam là một minh chứng đáng buồn cho cuộc khủng hoảng tuyệt chủng này. Bảo vệ môi trường sống tự nhiên và ngăn chặn nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ các loài này khỏi sự tuyệt chủng. Và nếu tình trạng này không được cải thiện, nhiều loài nữa tại Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi. Các khu bảo tồn tại Việt Nam cần phải có nhiều kiểm lâm hơn, họ cần được đào tạo và giám sát tốt hơn nữa, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình cao hơn”, ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF-Greater Mekong đánh giá.

WWF cho rằng mất sinh cảnh sống là yếu tố then chốt dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam, đồng thời cảnh báo rằng việc thực thi pháp luật không thỏa đáng, quản lý thiếu hiệu quả, xâm lấn đất và xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong và gần các khu vực được bảo vệ chỉ làm tăng thêm áp lực cho các quần thể loài vốn đã dễ bị tổn thương trong các khu vực này.

Ông Christy Williams, điều phối viên Chương trình Voi và Tê giác châu Á của WWF cho biết: “Đưa tê giác trở lại Việt Nam là một việc làm tốn kém và không khả thi. Loài này đã vĩnh viễn mất khỏi Việt Nam”.

Hiện nay, chỉ còn lại một quần thể tê giác Java duy nhất tại một vườn quốc gia nhỏ của In-đô-nê-xi-a với số lượng chưa đến 50 cá thể. Loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi nhu cầu đối với sừng tê giác dùng cho các loại thuốc cổ truyền ở châu Á gia tăng mỗi năm khiến cho hoạt động bảo vệ và mở rộng quần thể tê giác tại In-đô-nê-xi-a trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu.

Bà Susie Ellis, Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế cho biết: “Sự kiện này khiến cho hoạt động của chúng tôi ở Indonesia càng trở nên cấp thiết. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng kết cục đáng buồn của tê giác Java tại Việt Nam sẽ không được phép lặp lại đối với quần thể tê giác tại In-đô-nê-xia.”

MINH ĐẠO