Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) có chững lại so với những năm trước. Nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các ngành, các cấp liên quan, Lâm Đồng đã gần đạt chỉ tiêu XKLĐ năm 2011 (tính đến tháng 9/ 2011 đã đạt 70% kế hoạch năm).
Lao động tìm hiểu thông tin XKLĐ tại các phiên giao dịch việc làm |
Theo số liệu thống kê của Phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH, kết quả XKLĐ đạt được tính đến tháng 9/2011 với tổng số lao động đã đăng ký XKLĐ trên 800 người. Trong đó, số lao động hiện đang đào tạo 203 người, số lao động đã xuất cảnh gần 500 người, đạt 70% kế hoạch năm. Thị trường thu hút đông lao động của tỉnh đi xuất khẩu như Malaysia với 104 người, Nga 96 người, Nhật Bản 72 người, Đài Loan 72 người, Hàn Quốc 24 người… Hiện tại, có 16 doanh nghiệp XKLĐ đăng ký tuyển dụng lao động tại Lâm Đồng, trong đó, có một số doanh nghiệp hoạt động khá tích cực và hiệu quả như Công ty TNHH Một thành viên Sovilaco, Công ty Emico, Công ty Tracimexco…
Đối với một số thị trường cao cấp được người lao động ưa chuộng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… tuy mức lương cao nhưng đòi hỏi những điều kiện khắt khe nên số lao động tham gia XKLĐ tại những thị trường này còn ít. Nhật Bản là thị trường tương đối “khó tính”, với nhu cầu tuyển dụng lao động nữ trong nghề may mặc rất lớn nhưng chỉ giới hạn từ 20 – 28 tuổi. Tuy mức phí đóng để đi XKLĐ tương đối thấp so với một số thị trường khác (khoảng 3.000 đô la), nhưng lại có mức thu nhập hấp dẫn là trên 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường này rất khắt khe, bắt buộc lao động phải tốt nghiệp lớp 12, phải đáp ứng chỉ số IQ, có tay nghề cần thiết theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản, tỷ lệ sơ tuyển khoảng 2 - 3/10 người. Còn một số thị trường khác cũng hấp dẫn người lao động mà yêu cầu lại không cao, thu nhập tương đối như Dubai đang có nhu cầu tuyển dụng các nghề bán hàng, thu ngân trong các hệ thống siêu thị… mức phí chỉ khoảng 1.500 đô la nhưng lương cơ bản 500 đô la/tháng mà công việc lại nhàn hạ. Còn đối với thị trường Nga tuyển dụng trong ngành may, xây dựng… mức phí gần 2.000 đô la nhưng thu nhập khoảng 700 đô la/tháng, sau khi trừ các chi phí người lao động có thể gởi về cho gia đình ít nhất là 10 triệu đồng/tháng. Riêng thị trường Malaysia lại tạo điều kiện tối đa cho người lao động có cơ hội được làm việc tại đây. Trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường này rất ổn định số lao động đi xuất khẩu, cứ mỗi năm ở Lâm Đồng có khoảng 100 người đi XKLĐ tại nước này. Với mức phí chỉ từ 20 - 22 triệu đồng, nhiều đơn vị không bắt đóng phí trước mà sẽ trừ dần vào lương. Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng tiền của Malaysia và Việt Nam là khá cao, thu nhập của lao động sau khi trừ chi phí ít nhất là 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Với những “phép tính” như trên, hiện nay, XKLĐ đã giúp nhiều gia đình có con em đi XKLĐ tìm được công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập tương đối cao. Từ đó, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và bắt đầu có cuộc sống khá giả, sung túc. Không chỉ dừng lại ở đó, XKLĐ tại các thị trường có uy tín còn mang lại một số lợi ích cho bản thân người lao động. Sau khi hết thời hạn XKLĐ, người lao động trở về nước với trình độ ngoại ngữ được nâng cao, chuyên môn tay nghề cũng như văn hóa cũng có những thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, qua XKLĐ, người lao động có cơ hội tiếp thu KHCN của những nước tiên tiến, từ đó, khi trở về làm việc trong nước, năng suất và hiệu quả lao động được nâng cao, người lao động khi trở về vẫn đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, đối với lao động sau khi từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản trở về đã học được tính kỷ luật, nghiêm khắc và tay nghề cũng được nâng cao nên dễ dàng tìm được việc làm khi các doanh nghiệp đang rất ưa chuộng những lao động này. Nhưng trên hết, XKLĐ góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ khâu đột phá là chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội nông thôn, giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp và dịch vụ, chuyển dần một bộ phận lao động nông nghiệp, đưa sang đào tạo nghề để chuyển sang tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và XKLĐ, đó là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới hiện nay. “Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ từ nay đến cuối năm để tạo nguồn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm 2011 và các năm tới nhằm đem lại hiệu quả cao nhất từ XKLĐ. Khả năng năm nay sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu của UBND tỉnh đề ra”, ông Nguyễn Khánh Long - Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH lạc quan.