Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (XHHGD) nhằm phát huy mọi nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên các cấp đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, đảm bảo về phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề nghiệp.
GD Lâm Đồng trong những năm qua đã đạt được những thành quả tốt đẹp: hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và THCS, chất lượng GD được củng cố và ổn định, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao, tỷ lệ học sinh đậu đại học hàng năm vào loại khá của cả nước. Tuy nhiên, để GD Lâm Đồng tiếp tục được củng cố và phát triển bền vững, xin nêu một số giải pháp giai đoạn 2011-2015 như sau:
1. Quy hoạch mạng lưới trường lớp 5 năm 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trên cơ sở đánh giá thực trạng mạng lưới trường học hiện nay, từng huyện và thành phố rà soát lại hệ thống trường học của địa phương mình để quy hoạch lại nhằm đảm bảo đủ trường lớp cho học sinh học theo quy định Điều lệ trường học từ Mầm non đến THPT và Hướng nghiệp - dạy nghề. Xây dựng kế hoạch chiến lược 5 năm và dài hạn của ngành và các cơ sở GD.
2. Thực hiện phổ cập GD bắt buộc 10 năm. Hiện nay tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và THCS, đang tiến hành phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đã là phổ cập thì tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường để học tập; trách nhiệm của mỗi gia đình là phải tạo mọi điều kiện cho con em đến trường học; trách nhiệm của nhà trường là phải thực hiện được mục tiêu dạy học; trách nhiệm của xã hội là phải xây dựng môi trường GD lành mạnh, thân thiện. Kết hợp chặt chẽ ba môi trường GD: nhà trường, gia đình và xã hội. Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền là đảm bảo đủ trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và xây dựng cơ chế để thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho GD phát triển.
3. Đa dạng hóa các loại hình trường lớp để tạo điều kiện cho người dân cần gì học nấy, học thường xuyên và học tập suốt đời. Đa dạng hóa các loại hình trường lớp theo quan điểm: GD là của mọi người, vì mọi người, cho mỗi người; trường học là nơi đem lại hạnh phúc đi học cho trẻ em, nơi tạo điều kiện để mọi người đều có thể học tập; học để biết, để phát triển, để hoàn thiện nhân cách, để có được những giá trị làm người, làm một công dân tốt của xã hội.
4. Về học phí của người học. Hiện nay nhà nước đang thực hiện phổ cập GD 10 năm bắt buộc từ mẫu giáo 5 tuổi đến trung học cơ sở, đối với tiểu học không phải đóng học phí, đối với THCS và mẫu giáo 5 tuổi còn có thu một khoản nhất định. Tuy nhiên, đến khi nền kinh tế nước ta phát triển khá thì Nhà nước cũng sẽ không thu học phí ở các cấp học này như nhiều nước phát triển đang làm. Vì vậy, mức thu học phí hiện nay phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng: Nhà nước sẽ cân đối được bao nhiêu, xã hội (nhất là các doanh nghiệp) sẽ đóng góp bao nhiêu, còn lại gia đình học sinh sẽ đóng góp; việc đóng góp của gia đình học sinh phải trên cơ sở nguồn thu nhập của từng gia đình.
5. Phân luồng học sinh sau THCS. Đây là vấn đề mà ngành GD cần phân tích và tuyên truyền cho các gia đình học sinh và toàn xã hội hiểu và thấy được mục đích của việc phân luồng sau THCS; bởi, suy cho cùng việc học là để biết, học để tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống. Việc phân luồng học sinh sau THCS được nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang thực hiện, chẳng hạn như ở Hàn Quốc và Singapore, số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chỉ học lên THPT từ 40% đến 60%, số còn lại vào học ở các trường dạy nghề (trung học và cao đẳng nghề), thời gian học từ 2 đến 3 năm. Đa số những học sinh học ở các trường nghề đều xếp loại học lực trung bình ở năm cuối cấp THCS. Cần khắc phục tâm lý của các bậc phụ huynh hiện nay là: con cái học xong THCS phải học lên THPT và thi vào đại học; trong lúc chưa biết được sức học của con mình đến đâu và chưa ý thức được nghề nghiệp tương lai của con mình như thế nào. Cái có lợi ở phân luồng sau THCS sẽ giúp học sinh tiết kiệm được thời gian, nếu sau khi học nghề dù đi làm hoặc nếu có điều kiện các em vẫn có thể học lên bậc cao hơn bằng nhiều loại hình học tập khác nhau theo quan điểm học thường xuyên, học suốt đời.
6. Nâng cao chất lượng GD toàn diện cho học sinh bằng việc tổ chức học 2 buổi/ngày ở các cấp học, những nơi có điều kiện cần tổ chức lớp học bán trú cho học sinh. Nếu tổ chức tốt lớp học 2 buổi/ ngày sẽ hạn chế được việc học thêm tràn lan hiện nay mà chúng ta không thể kiểm soát được; hạn chế được các tiêu cực khác mà gia đình không kiểm soát được khi học sinh chỉ học một buổi ở nhà trường.
7. Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhà trường có đủ phòng học cho học sinh học 2 buổi/ngày, đảm bảo các phòng bộ môn, phòng hiệu bộ và các phòng chức năng theo quy định của Điều lệ trường học.
8. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho từng trường học và từng giáo viên; phân quyền, phân cấp mạnh đến từng trường học và cơ sở giáo dục là một trong những nội dung đổi mới tư duy GD hiện nay. Muốn vậy, cơ chế quản lí phải được công khai, dân chủ.
9. Phải xây dựng một đội ngũ CBQLGD, đội ngũ nhà giáo tâm huyết và có đủ năng lực thực hiện đổi mới GD toàn diện.
10. Tiếp tục đẩy mạnh XHHGD: phải hiểu và nhận thức đầy đủ về khái niệm và nội dung của XHH GD. Bản chất của nền GD cách mạng Việt Nam là nền giáo dục của dân, do dân và vì dân, GD là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. XHH GD là thuộc tính vốn có của GD, chủ trương này cần được hiểu đầy đủ và triển khai thực hiện theo bài bản. Nền GD với mục tiêu và chương trình GD nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện là nền GD được đổi mới và phát triển theo ba định hướng lớn: chuẩn hóa - hiện đại hóa - xã hội hóa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài “Đổi mới có tính cách mạng nền GD-ĐT nước nhà” đã khẳng định “GD và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới”. Muốn có một nền GD tiên tiến chúng ta phải áp dụng một cơ chế QLGD tiên tiến theo đúng quy luật của kinh tế thị trường và khoa học về phát triển con người.