Bám trường “gieo” con chữ

03:11, 17/11/2011

Qua bao thế hệ học trò, những thầy giáo, cô giáo vẫn bám trường, bám lớp để “gieo” con chữ. Dẫu nơi vùng sâu ấy còn khó khăn trăm bề, nhưng họ vẫn lặng lẽ theo thời gian...

Qua bao thế hệ học trò, những thầy giáo, cô giáo vẫn bám trường, bám lớp để “gieo” con chữ. Dẫu nơi vùng sâu ấy còn khó khăn trăm bề, nhưng họ vẫn lặng lẽ theo thời gian...

Con đường độc đạo nối liền xã anh hùng Lộc Lâm với trung tâm huyện Bảo Lâm dài khoảng 20 km. Con đường đất đến Lộc Lâm mưa lầy, nắng bụi “ổ voi”, “ổ gà” và những con dốc cao vợi.

Trước đây, Lộc Lâm chỉ có một trường học với cả 3 cấp học. Đến năm 2005, bậc mầm non được tách riêng và Trường THCS cấp I, II Lộc Lâm được duy trì từ đó cho đến nay. Thầy Trương Thăng Long - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ban đầu, ở cả 3 bậc học có khoảng 350 - 400 học sinh, nhưng toàn trường chỉ có 10 phòng học. Mãi đến năm 2008, nhà trường mới xây thêm 4 phòng học; rồi sau đó, tiếp tục xây 6 phòng làm nhà công vụ cho giáo viên và 4 nhà vệ sinh”. Mặc dù đã được xây thêm phòng học, nhà công vụ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học của thầy và trò. Nhưng, sự thiếu thốn và khó khăn đã không cản ngăn thầy, cô giáo trẻ nhiệt huyết với nghề, với con trẻ. Bản thân thầy hiệu trưởng Trương Thăng Long cũng đã gần 10 năm bám trụ với xã vùng sâu này. Sự heo hút, vắng vẻ của những ngày đầu về đây công tác đã không làm nản lòng người thầy giáo trẻ. Thầy Long nhớ lại: “Lúc mới về, đường đi lại còn khó khăn hơn bây giờ, sân trường còn chưa làm, nhà công vụ chỉ là mấy căn phòng bằng gỗ. Thế nhưng, chúng tôi vẫn ở lại nội trú để ngày ngày gần gũi học trò, vận động các em đến trường. Từ khi tách trường đến nay, nhà trường đã cùng với địa phương tổ chức hơn 10 lớp phổ cập cho nhân dân. Có lẽ nhờ vậy mà Lộc Lâm được công nhận là địa phương làm tốt nhất công tác phổ cập giáo dục trong toàn tỉnh. Năm 2006, xã Lộc Lâm đã được công nhận hoàn thành phổ cập THCS và UBND tỉnh tặng bằng khen cho xã, vì đã đạt chuẩn phổ cập vào năm 2008”. Trong tổng số 38 cán bộ, giáo viên của Trường THCS cấp I, II Lộc Lâm, hiện tại có đến 28 giáo viên ở nội trú để công tác; trong đó, có đến 2/3 là giáo viên nữ.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi mới nắm bắt được tâm tư của nhiều giáo viên do điều kiện khó khăn đã xin chuyển ra một số trường khác. Những giáo viên ở lại, có cái khó là chế độ ưu đãi về tiền lương chỉ thực hiện trong 5 năm đầu. Giáo viên ở lâu thì lương lại thấp hơn giáo viên mới vào. Chính điều đó mà nhiều giáo viên cũng muốn chuyển ra các trường ngoài. Hiện tại, mỗi phòng nội trú có từ 3 đến 5 giáo viên ở chung. Phòng mới xây còn tạm ổn, còn những phòng gỗ xập xệ, chật hẹp đã làm vài chục năm nay khiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giáo viên còn nhiều khó khăn.
 
Tạm quên đi những khó khăn mà tập thể giáo viên nơi đây đang phải đối mặt, niềm vui trở lại khi chúng tôi biết rằng công tác duy trì sĩ số của nhà trường hàng năm luôn ở mức cao. Với đặc thù trường học vùng dân tộc thiểu số, việc duy trì tốt sĩ số học sinh là một thành công lớn của nhà trường; trong đó, có những thầy, cô luôn tận tâm đến từng gia đình để vận động các em bỏ học trở lại trường.

HỮU SANG