Báo động Di sản văn hoá phi vật thể Lâm Đồng

10:11, 28/11/2011

(LĐ online) - Vùng đất Lâm Đồng có nhiều di sản văn hoá, thì hiện tượng các di sản văn hoá phi vật thể đang ngày càng ít dần và có nguy cơ thất truyền là điều đáng báo động.

(LĐ online) - Ngày 23/11, ngành Văn hoá thông tin tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hoá Việt Nam. Trong niềm vui chung cùng cả nước, và niềm tự hào của vùng đất Lâm Đồng có nhiều di sản văn hoá, thì hiện tượng các di sản văn hoá phi vật thể đang ngày càng ít dần và có nguy cơ thất truyền là điều đáng báo động.
 
Bà Ma Sinh – nghệ nhân làm gốm ở buôn Krănggọ
Bà Ma Sinh – nghệ nhân làm gốm ở buôn Krănggọ

Lâm Đồng hơn 40 dân tộc với các lễ hội, âm nhạc và nghề truyền thống mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc, tạo nên một nền di sản văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú… Đặc biệt, văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên không những là di sản vănhoáa quốc gia, mà còn được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại", là loại hình văn hoá không thể thiếu trong các lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng.

Trước đây, sau buổi lên rẫy, ra đồng sản xuất, nhất là sau khi thu hoạch mùa màng… bà con trong mỗi gia đình, trong các buôn làng quây quần cùng nhau ca hát, đan lát, thêu thùa, rèn, dệt… để đáp ứng nhu cầu tinh thần và vật chất trong cuộc sống. Theo lẽ tự nhiên và đơn giản, các giá trị văn hoá này được truyền từ ông bà, cha mẹ sang con cháu… nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác.

Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.
                           (Theo Luật Di sản)
Hiện nay, ở Lâm Đồng còn tồn tại khoảng 20 loại hình nghề truyền thống như trồng rau, trồng hoa, đan mây tre, dệt, rèn, rượu cần, điêu khắc, gốm, làm nhẫn, chỉnh chiêng… Có những nghề truyền thống đã từng làm cho buôn làng họ trở nên hưng thịnh và có tiếng. Như làng gốm ở Krănggọ được người dân chở đi các vùng lân cận đổi thức ăn và đồ dùng; thậm chí các đoàn thương nhân từ Campuchia và Lào mang chiêng, ché, vải vóc, váy khố, đồ gia dụng bằng sắt đến đổi lấy đồ gốm.

Nhưng, giao thông thuận tiện, hàng hoá thông thương dễ dàng, rẻ, bền và đa dạng… khiến người dân không còn mặn mà với nghề như trước. Sự phát triển, của dân trí và quá trình giao lưu - hội nhập, các sản phẩm văn hoá truyền thông hiện đại đến với đồng bào nhanh, đơn giản và nhiều… nên các thành viên trẻ trong các gia đình không còn chung những sở thích của ông cha…; hoặc không đủ thời gian và kiên nhẫn để ngồi học các nghề truyền thống, khiến nhiều nghề truyền thống bị mai một, có nghề thất truyền như nghề tạc tượng trên gỗ.

Số lượng đồng bào có thể sử dụng được nhạc cụ truyền thống, số người biết hát dân ca, kể chuyện dân gian bằng tiếng dân tộc mình… rất hiếm hoi và không còn phổ biến trong mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, mỗi lễ hội… như ngày xưa. Xã Rô Men, huyện Đam Rông là nơi có đông đồng bào M’Nông sinh sống. Chúng tôi đã đến từng nhà ở thôn trung tâm xã và đi đến những gia đình có người già ở các thôn khác hỏi thăm, thì chỉ còn một nhóm người làm nghề rèn, một hai người đan gùi; rất ít người kể được các câu chuyện dân gian, hát ru, hát dân ca bằng tiếng M’Nông… May mắn có Già làng Y Phơi sưu tầm và dịch được 8 trang tiếng Việt về các câu chuyện dân gian của người M’Nông.

Nghề rèn ở Rô Men – Đam Rông
Nghề rèn ở Rô Men – Đam Rông
Ở buôn Krănggọ (xã Proh, huyện Đơn Dương) là nơi có nghề gốm truyền thống, hiện vẫn còn một nhóm nghệ nhân thường xuyên làm gốm, sản phẩm được thu gom cho các quầy hàng lưu niệm bán cho khách du lịch. Xã cũng tổ chức cho chị em được đến làng gốm Bàu Trúc tham quan, học nghề. Vợ anh Tou Brong Cường (thôn P’roh Trong) cho biết: Chị em ở đây đang cố gắng làm nghề và giữ nghề. Tuy nhiên, do nguồn đất sét và các loại cây, hạt là phụ gia làm gốm ngày càng khó khai thác, cộng với tiêu thụ sản phẩm chậm, không ổn định… nên việc làm gốm hiện nay, thực chất chỉ mang tính tự phát.

Hoặc, chỉ còn vợ chồng Ya Tuất làm nhẫn bạc truyền thống ở thôn Ma Đanh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương). Sản phẩm là những cặp nhẫn cưới truyền thống của đồng bào Churu. Dù rất có giá trị bản sắc, nhưng không thể so sánh với các sản phẩm bạc do thợ kim hoàn bình thường chế tác…

Nguyên nhân của sự mai một các giá trị di sản này được chính bà con khẳng định, một phần do họ phải dành nhiều thời gian làm việc và tham gia sản xuất tạo nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình; một phần, do cuộc sống ngày càng văn minh và bận rộn, nên lễ hội của bà con ít hơn và giản lược hơn…; trong khi đồ gia dụng lại tiện nghi và hiện đại hơn…

Hơn nữa, nguyên liệu để làm các nghề truyền thống ngày một ít và khó khai thác. Mọi người lại có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp để tạo được thu nhập tốt hơn, nên việc học các loại nghề truyền thống hầu như chỉ là sở thích… Mặc dù, có nhiều dự án về việc xây dựng các làng nghề truyền thống, nhưng cơ chế để nghề tồn tại và truyền được nghề cho các thế hệ kế cận chưa tạo được sức hút để người dạy nghề nhiệt tình truyền dạy, còn người học có đam mê theo nghề. Vì thế, những người nắm giữ giá trị di sản phi vật thể như bà Narakia (xã Proh, huyện Đơn Dương), anh Ya Tuất (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), già làng Y Phơi (xã Rô Men, huyện Đam Rông)… của Lâm Đồng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Vì vậy, hiện trạng các giá trị di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại nói chung và của Lâm Đồng nói riêng đang ngày càng mai một là thách thức lớn cho những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam; cũng là thách thức của cả dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hoá của toàn dân.

Lê Hoa