Báo động về tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở xã Tà Nung

04:11, 16/11/2011

Không chỉ người dân sinh sống tại chỗ mà cả những khách du lịch trong nước, quốc tế hành trình trên con đường du lịch sinh thái Đà Lạt - Tà Nung - Thác Voi - Nam Ban cũng hết sức bất bình, phản ứng.

Xã Tà Nung cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20 km, người dân sinh sống trong 6 thôn có tổng diện tích tự nhiên trên 4.581 ha, đời sống của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó canh tác cây cà phê là chủ yếu. Sản lượng cà phê trên địa bàn không ngừng tăng qua hàng năm, cộng thêm một phần sản lượng của người dân tại vùng giáp ranh với xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đưa sang, khiến nhu cầu thu mua, chế biến cà phê tại Tà Nung khá lớn. Vì vậy, các cơ sở thu mua, chế biến cà phê tại đây những năm qua không ngừng tăng với hàng chục điểm thu mua và 10 cơ sở chế biến nằm ngay trong các khu dân cư của 6 thôn trên địa bàn xã. Có cung là có cầu, điều đó là tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là các cơ sở chế biến vì lợi ích cục bộ của bản thân đã bất chấp các quy định có tính bắt buộc của nhà nước về quy trình xử lý nước thải, chất thải (vỏ cà phê) sau khi chế biến, gây những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và kinh tế của người dân, nhưng vẫn “vô tư” hoạt động từ nhiều năm qua. Tình trạng xay xát cà phê khô gây bụi mù mịt, vừa do chất thải của cà phê, vừa do công nghệ đốt lò thô sơ bằng củi, hoặc bằng than đá gây nên, khiến người dân nghẹt thở mọi lúc, mọi nơi gây tổn hại sức khỏe và trăm sự phiền toái trong sinh hoạt. Ngược lại, khi các cơ sở chế biến xay xát cà phê tươi, thì nguồn nước thải chảy trực tiếp ra môi trường, tạo thành những dòng chảy đen ngòm dọc các trục đường liên thôn, liên xóm, hoặc lênh láng trên mặt đất, ao hồ… bốc mùi hôi thối dữ dội. Cùng với đó, toàn bộ vỏ cà phê sau chế biến được các cơ sở hợp đồng chở ra đổ dọc đường nối xã Tà Nung với xã Mê Linh (Lâm Hà), hoặc tập kết tại những điểm gần các khu dân cư cũng gây nên sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến không chỉ người dân sinh sống tại chỗ mà cả những khách du lịch trong nước, quốc tế hành trình trên con đường du lịch sinh thái Đà Lạt - Tà Nung - Thác Voi - Nam Ban cũng hết sức bất bình, phản ứng. Đó là chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước chưa được khắc phục, thì vào vụ cà phê năm nay, ngoài việc tổ chức xay xát cà phê ban đêm xả khói mù mịt, nhiều cơ sở chế biến tại xã Tà Nung đã sử dụng phương thức: Bắc đường ống xả nước thải sau chế biến cà phê trực tiếp ra suối Cam Ly, hồ Cam Ly Thượng, hoặc hợp đồng xe bồn nhỏ, xe tải nhỏ chở từng phuy nước thải đêm đêm đổ ra hồ Cam Ly Thượng, hoặc hồ bà Đảm, khiến nguồn nước tại đây ô nhiễm nghiêm trọng đen ngòm, váng đục, gây chết cá, chết cây ven hồ hàng loạt.
 
Cá chết trên hồ Mê Linh được vớt lên để đưa đi chôn
Cá chết trên hồ Mê Linh được vớt lên để đưa đi chôn

Ông Nguyễn Văn Giáp - Người hợp đồng nuôi thả cá với công ty khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng tại hồ Cam Ly Thượng cho biết: Tháng 9-2007, ông nhận hợp đồng thuê mặt nước hồ Cam Ly Thượng với công ty khai thác công trình thủy lợi Lâm Đồng để nuôi thả cá trong thời hạn 5 năm, với số tiền 37 triệu đồng. Sau khi hợp đồng, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua cá giống thả 3 đợt, quy hoạch lại mặt hồ, xây bờ đăng chắn cá… và với hy vọng cuối năm 2011 này sẽ thu hoạch được khoảng 30 tấn cá. Nhưng thật bất ngờ, vào niên vụ cà phê 2011-2012, các cơ sở chế biến cà phê ở xã Tà Nung từ ngày 13/10 đến nay liên tục xả nước thải sau chế biến cà phê trực tiếp ra hồ, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, dẫn đến cá chết hàng loạt ước tính lên đến 10 tấn. Trước nguy cơ bị “phá sản”, ông nhiều lần kêu cứu chính quyền xã Tà Nung, xã Mê Linh và đến từng cơ sở chế biến cà phê “van xin” đừng xả nước thải trực tiếp vào hồ Cam Ly Thượng, nhưng sự việc chưa được chấm dứt hoàn toàn.

Ngày 1/11/2011 làm việc với chúng tôi lãnh đạo hai xã Tà Nung và Mê Linh đều thừa nhận việc các cơ sở chế biến cà phê ở Tà Nung xả nước thải trực tiếp vào hồ Cam Ly Thượng và các ngành chức năng của hai xã đã tiến hành lập biện bản hiện trường với số lượng cá bị chết hàng loạt. Ông Kră Jăn Ha Diệp - Phó chủ tịch UBND xã Tà Nung cho biết: Sau khi có phản ánh của người dân, xã đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, lập biên bản tại 10 cơ sở chế biến cà phê. Qua kiểm tra, chỉ có cơ sở Thúy Thuận đầu tư hệ thống xử lý môi trường theo sự hướng dẫn của Sở TN-MT, các cơ sở còn lại đều chỉ có(hoặc chưa có) bể chứa nước thải, không có nắp đậy(chỉ là hình thức gom nước), rồi xả nước thải trực tiếp từ bể ra môi trường, mà không hề qua bất cứ quy trình xử lý gì. Điều đáng nói là: Tình trạng này xảy ra từ nhiều năm và qua nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở của xã, các ngành chức năng TP đề nghị khắc phục, thậm chí đề nghị phải di dời cơ sở ra địa điểm quy hoạch điểm công nghiệp-TTCN của xã ở thôn I, nhưng đến nay chỉ mới có cơ sở Thúy Thuận di dời, các cơ sở còn lại vẫn tồn tại ngay trong các khu dân cư và cũng chẳng có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường gì. Thực tế cho thấy: Vì “siêu lợi nhuận”, các cơ sở chế biến cà phê ở xã Tà Nung không ngừng phát triển trong tình trạng bất chấp các quy định của nhà nước về xử lý môi trường và sự thiếu kiên quyết xử lý của chính quyền địa phương sở tại , cũng như của các ngành chức năng TP Đà Lạt, đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế, sức khỏe của người dân nơi đây lên mức báo động.

Được biết, sau khi gây ra chết cá hàng loạt ở hồ Cam Ly Thượng, các cơ sở chế biến cà phê ở xã Tà Nung đã cam kết bồi thường thiệt hại cho người nhận khoán nuôi thả cá tại đây 165 triệu đồng và cam kết vào vụ thu hoạch cà phê hàng năm cũng sẽ chi thiệt hại cho người nuôi cá số tiền như vậy. Nhưng đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời và chỉ bù đắp thiệt hại cho một nhóm người, còn thiệt hại của người dân và môi trường khi họ xả chất thải thoải mái trực tiếp ra ao, hồ, sông, suối, đồi núi, đường đi, địa bàn dân cư, gây thiệt hại không thể tính được thì bù đắp kiểu gì? Từ suy nghĩ có tính pháp lý đó, chúng tôi thiết nghĩ: Biện pháp khắc phục có tính bền vững lâu dài là buộc các cơ sở chế biến cà phê ở xã Tà Nung phải di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư và phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường đúng quy trình kỹ thuật mà nhà nước đã quy định, nếu không chấp hành thì rút giấy phép, đóng cửa không cho hành nghề.

HOÀNG KIẾN GIANG