Ngày 18/11, Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng tổ chức hội nghị bàn giải pháp trong công tác tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Kỷ lục không mong đợi “thừa nam, thiếu nữ” đã được cảnh báo từ nhiều năm qua của dân số Lâm Đồng, nhưng chưa có “thuốc đặc hiệu” để kéo giảm về mức cân bằng. Tình hình chênh lệch giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng và bùng nổ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tỉ lệ giới tính khi sinh trung bình ở mức 105 bé trai/100 bé gái. Kể từ năm 2005 đến nay, tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng. Theo đánh giá của UNPFA (thực trạng dân số Việt Nam năm 2007), Lâm Đồng là 1 trong 29 tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh 111/100 trở lên và là tỉnh đứng đầu khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên về chênh lệch giới tính khi sinh.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ sơ sinh vùng đồng bào DTTS Đam Rông. |
Thông tin mới từ hội nghị này, tỉ số giới tính khi sinh của 12 huyện, thành phố trong tỉnh giai đoạn từ năm 2009 đến 9 tháng năm 2011 càng đáng báo động. Toàn tỉnh ở mức 116/100 (năm 2010) và 109/100 (9 tháng năm 2011). Hai năm gần đây sự chênh lệch giới tính khi sinh cao xảy ra tại hầu hết các địa phương: Lạc Dương (111-112), Đà Lạt (116-118), Đơn Dương (115), Đức Trọng (111-119), Lâm Hà (114-116), Di Linh (122-117), Bảo Lộc (112-110), Bảo Lâm (111-118), Đạ Huoai (125-117), Đạ Tẻh (112-116), Cát Tiên (112), Đam Rông (120).
Theo BS Đinh Đức Thọ - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Lâm Đồng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh là do tư tưởng: “Trọng nam khinh nữ” ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Quan niệm có con trai mới được xem là có con: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” còn nặng nề. Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1-2 con nhưng lại muốn sinh được con trai, vì vậy các cặp vợ chồng đã sử dụng dịch vụ lựa chọn giới tính như một cứu cánh để đáp ứng 2 mục tiêu: Ổn định kinh tế gia đình (con trai là trụ cột) và chăm sóc phụng dưỡng (trách nhiệm của con trai) theo quan niệm xã hội hiện nay.
Bà Phan Thị Hà - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Bảo Lâm cho rằng có mấy nguyên nhân xảy ra mất cân bằng giới tính khi sinh phổ biến hiện nay đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Nhiều cán bộ vi phạm sinh con thứ 3, thứ 4, nhưng chưa nghiêm túc kiểm điểm, kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Nhận thức một bộ phận người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ chưa hoàn thiện, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên liên tục thay đổi, thiếu kinh nghiệm, hạn chế về năng lực quản lý điều hành. Số gia đình sinh con một bề, nhất là 2 gái rất nhiều nên có nhu cầu sinh thêm con trai rất cao. Việc lạm dụng kỹ thuật siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính xảy ra phổ biến nhưng chưa được quản lý kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm. Trung tâm DS-KHHGĐ Bảo Lâm đã cử cán bộ truyền thông trực tiếp xuống hỗ trợ chuyên môn cho các xã về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh. Triển khai một số đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các xã Tân Lạc, Lộc An, Lộc Thành, Lộc Bắc, Lộc Thắng.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lâm Hà cho rằng yếu tố ảnh hưởng lớn đến chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh là do biến động của bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, bộ máy liên tục thay đổi chưa tạo động lực cho đội ngũ yên tâm công tác. Hai năm gần đây, đội ngũ cán bộ lãnh đạo là Trưởng ban dân số các địa phương biến động trên 50%, thành viên trong Ban chỉ đạo cũng thay đổi, đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở thay mới với 90% là cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm, kỹ năng vận động đối tượng còn yếu. Có thôn không tìm được người làm cộng tác viên dân số, phải nhờ trưởng thôn làm giúp để nắm bắt tình hình dân số. Chúng tôi đang phân nhóm các xã theo tỉ lệ chênh lệch giới tính từ thấp đến cao để có biện pháp can thiệp phù hợp.
BS Trần Văn Thi - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Bảo Lộc lo ngại về tình hình “thừa nam, thiếu nữ” ở thành phố trẻ này: “Tình hình chênh lệch giới tính đang gia tăng, do năng lực tuyên truyền dân số còn khô khan khó đi vào lòng người, chưa thay đổi nhận thức của cộng đồng. Tài liệu truyền thông ít, nghèo nàn”.
Nguyên nhân cũ nhưng hậu quả mới. Tương lai không xa sẽ dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn, dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình. Một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. Hậu quả khó lường về mặt xã hội khi thay đổi cơ cấu giới tính, thiếu hụt phụ nữ lập gia đình, trẻ em gái có nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán và lạm dụng tình dục… Các biện pháp can thiệp chậm triển khai và hoạt động của bộ máy chuyên ngành dân số chưa hiệu quả, nặng về dịch vụ KHHGĐ mà xem nhẹ truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng.