Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một đề án mang tầm vĩ mô với rất nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và tỉnh đã dành sự quan tâm đối với người lao động.
Học nghề để có kỹ năng làm nghề giỏi |
Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên với đa phần người dân sinh sống bằng nghề nông nghiệp vì thế khi triển khai đề án cũng tạo sự khác biệt so với nhiều địa phương khác. Các huyện đã vào cuộc khá mạnh mẽ, các trung tâm dạy nghề dù chưa được đầu tư kịp thời, giáo viên còn thiếu, trang thiết bị còn nghèo nàn nhưng đã huy động được các cán bộ kỹ thuật từ trung tâm nông nghiệp, vận động những lao động giỏi tại chỗ tham gia dạy nghề. Không những thế, đội ngũ cán bộ tham gia công tác đào tạo nghề còn rất năng động trong việc tìm kiếm thị trường nhằm tạo việc làm cho học viên ngay khi học xong mặc dù kinh phí còn rất eo hẹp.Theo thống kê, sau gần hai năm triển khai đến thời điểm này đã có 101/118 xã của 12 huyện, thành phố tổ chức được lớp học nghề. Đây là kết quả của sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, đặc biệt, vai trò tích cực trong tư vấn chọn nghề của các cán bộ làm công tác xã hội.
Kết quả khảo sát do Sở LĐ - TB & XH phối hợp với Sở Nông nghiệp, Sở Công thương triển khai cho thấy cứ 100 hộ dân nông thôn thì có 53 người đăng ký học nghề với 56 nghề khác nhau. Trong đó học nghề nông nghiệp thu hút 50% nông dân đăng ký. Nội dung học nghề gắn với nhu cầu của nông dân, theo đúng định hướng các chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, huyện. Bà con nông dân sau khi học các nghề như: chăm sóc cà phê, trồng rau, hoa, nuôi cá nước ngọt, trồng nấm… đều áp dụng được kiến thức, kỹ năng được học để giảm chi phí vật tư, phân bón, nước tưới, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, bà con dám mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhà lưới theo quy trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Đối với một số ngành nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn như: sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa điện gia đình, sửa chữa xe máy, ô tô… cũng đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm thanh niên tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Các chương trình học nghề đan mây tre, thêu, móc áo len, mũ len, khăn len… đã thu hút hàng ngàn phụ nữ tham gia, chủ yếu tập trung tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, Đạ Huoai, ĐạTẻh, Lạc Dương… góp phần tăng thêm thu nhập cho chị em bình quân mỗi ngày từ 30 - 40 ngàn đồng từ các hợp đồng nhận hàng gia công của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 50 cơ sở dạy nghề, trong đó có 21 cơ sở công lập, 29 cơ sở tư thục, 26 cơ sở tham gia tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã còn được gọi theo hình thức dạy nghề lưu động. Ngoài ra còn có 4 Trung tâm hướng nghiệp, 5 trung tâm nông nghiệp, 2 doanh nghiệp của người khuyết tật và 4 doanh nghiệp khác cùng tham gia dạy nghề … các cơ sở này đã tạo nên một hiệu ứng rõ nét trong công tác đào tạo nghề tại Lâm Đồng trong thời điểm hiện nay.Từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức được 205 lớp dạy nghề cho 6.566 lao động nông thôn, trong đó, lao động là người DTTS, người thuộc hộ nghèo, xã nghèo, thôn nghèo là 3.480 học viên, chiếm 53,0%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động, một số nghề đào tạo như sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, may gia đình,… chỉ dừng ở quy mô nhỏ để đáp ứng việc làm cho người lao động hoặc đáp ứng dịch vụ cho một bộ phận khu vực dân cư. Các nghề thủ công, nghề truyền thống như thêu, móc, dệt, đan mây tre… đang có xu hướng bão hòa hoặc hạn chế do ảnh hưởng khâu tiêu thụ hàng hóa và thu nhập của người lao động. Các nghề như trồng nấm, trồng rau, hoa theo hướng hàng hóa quy mô lớn hơn trước cũng đang gặp khó khăn về giá cả, thị trường tiêu thụ nên khó mở rộng quy mô đào tạo. Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu về chất lượng, trang thiết bị cũng chưa được đầu tư thích đáng, chưa đáp ứng yêu cầu của người học nghề. Rất đông người dân đăng ký học nghề nhưng chưa mở lớp được do thiếu kinh phí.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp, định hướng trong thời gian tới, ông Ngô Hữu Hay - Phó Giám đốc sở LĐ - TB & XH cho biết: Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền mục đích Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh tư vấn học nghề đến tận các thôn, xã nhằm gắn dạy nghề với nâng chất lượng việc làm, tăng thu nhập, giảm thời gian nông nhàn, gắn với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát các lớp học nghề, phối hợp với doanh nghiệp trong kiểm tra cuối khóa, giới thiệu việc làm, tổ chức giao hàng gia công nhằm nâng chất lượng đào tạo và bảo đảm hiệu quả sau học nghề là tăng thu nhập và có việc làm ổn định từ nghề đã học. Tổ chức điều tra người học nghề về tình hình việc làm, thu nhập sau học nghề để đánh giá hiệu quả triển khai Đề án trong thời gian qua và tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Đề án, tiến tới thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.