Chào nông thôn mới Tân Hội

04:11, 24/11/2011

Xã Tân Hội vinh dự được chọn là 1 trong 11 xã điểm của cả nước “lãnh ấn” tiên phong xây dựng mô hình nông thôn mới.

Tân Hội có diện tích tự nhiên là 2.297 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 78%, tương đương 1.998 ha. Dân số 2.339 hộ với trên 11 ngàn nhân khẩu bao gồm 11 dân tộc anh em sống quần cư ở 26 xóm, 8 thôn trong xã.
 
Đ/c Trương Tấn Sang về thăm mô hình trồng ớt công nghệ cao tại xã Nông thôn mới Tân Hội
Đ/c Trương Tấn Sang (giữa) về thăm mô hình trồng ớt công nghệ cao tại xã Nông thôn mới Tân Hội

Trước khi được chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, điểm xuất phát của Tân Hội ở mức trung bình của huyện Đức Trọng. Có thể nêu ra một vài con số: mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2008 là 14,7 triệu đồng/năm, năm 2009 là 16,8 triệu đồng/năm - thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh ở khu vực nông thôn và tỷ lệ hộ nghèo còn tới 5,8% . Đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, xã Tân Hội mới cơ bản đạt 9/19 tiêu chí trước khi bắt tay vào triển khai xây dựng.

Nhà nước hỗ trợ, dân thực hiện

Theo UBND xã Tân Hội, sau hơn 2 năm thực hiện, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cùng với sự tham gia đóng góp tích cực của người dân cơ sở hạ tầng của xã đã có bước phát triển nhanh, mạnh. Qua đối chiếu với 19 tiêu chí, đến nay, Tân Hội đã đạt được 16/19 tiêu chí Quốc gia, 2 tiêu chí về môi trường và thủy lợi cơ bản đạt, dự kiến đến cuối năm 2011 hoàn thành. Duy nhất về tiêu chí cơ cấu lao động chưa đạt bởi không phù hợp với đặc điểm của xã chủ yếu sản xuất cây cà phê hay rau, hoa như ở Tân Hội.

Mục tiêu của Chương trình Xây dựng nông thôn mới mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra cũng như Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Chính phủ ban hành đó là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Để có được “gương mặt” mới này, đến tổng nguồn vốn huy động đầu tư trên địa bàn xã hơn 409 tỷ đồng (các số liệu được làm tròn). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã đầu tư hơn 5 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu 20,5 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động trong dân, vốn vay tín dụng và do doanh nghiệp đầu tư. Nhìn tổng thể bức tranh đầu tư xây dựng mô hình thí điểm nông thôn Tân Hội đến thời điển này có thể nhận ra rằng, chỉ với 60% vốn đầu tư trong hai năm qua, so với đề án được phê duyệt với tổng nhu cầu về nguồn vốn xây dựng nông thôn mới Tân Hội gần 679 tỷ đồng, thành quả mang lại từ chương trình này là không nhỏ. Nếu phân tích cơ cấu trên vốn, bóc tách nguồn vốn vay tín dụng phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất ra, bởi vốn đầu tư sản xuất được thu hồi sau thời kỳ canh tác thu hoạch nên nguồn vốn nhà nước hỗ trợ sẽ không cao, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư vào Tân Hội. Điều đó cho thấy, người dân đã được đặt vào trung tâm của công cuộc xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước, mà cụ thể ở đây Tân Hội đã huy động vốn lên tới 190  tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư.

Mục tiêu cuối cùng việc xây dựng nông thôn mới là thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao mức sống cho người dân, kiến tạo hướng phát triển bền vững. Do đó công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là khâu đột phá, thu hút cộng đồng dân cư cùng tham gia xây dựng và trực tiếp thụ hưởng thành quả đó. Vì vậy, người dân được coi như là “trung tâm” trong quá trình đầu tư xây dựng, có dân liệu việc khó cũng xong.

Thực tế, Tân Hội cho thấy, người dân tham gia hầu hết vào việc kiến tạo hạ tầng kinh tế xã hội, xây dựng nên những mô hình sản xuất cho thu nhập cao. Nhờ vậy sau hai năm triển khai Tân Hội mới hoàn thành nhiều hạng mục đầu tư xây dựng, duy tu sửa chữa nhiều công trình - hạng mục có sự đóng góp từ tiền của, sức lực của người dân. Chỉ tính riêng hạ tầng giao thông Tân Hội đã kiên cố hóa và nâng cấp xây dựng mới 37,7 km đường trục xã, trục thôn, đường xóm, đạt tỷ lệ 80% đường nông thôn trong xã với tổng đầu tư gần 30 tỷ đồng từ các nguồn vốn.

Ông Nguyễn Hữu Mành (thôn Tân Phú) cho hay: Ban đầu khi nghe xây dựng nông thôn mới, nhiều người trong thôn chưa hiểu nên tham gia cầm chừng. Khi đã thông việc xây dựng này là cho người dân trong thôn được hưởng thì nhiều người hối thúc đề nghị nhà nước hỗ trợ để gây góp vốn làm đường. Qua đầu tư xây dựng đã làm đổi thay toàn diện bộ mặt của xã, từ kinh tế, văn hóa đến môi trường sinh sống nên người dân bây gờ còn tự nguyện hiến đất, góp công cùng xã xây dựng nông thôn mới.

Còn ông Trương Năm - Tổ trưởng Tổ giám sát công trình đường xóm 3 cho hay: Người dân trong xóm đóng góp đối ứng đầu tư, ngoài góp đất, ngày công, hộ góp nhiều nhất lên tới 19 triệu đồng.

So với tiêu chí của Chính phủ về xây dựng đường trục thôn, xã nông thôn mới thì với quy cách đầu tư ở đây vượt quy định. Bên cạnh đó, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Tân Hội còn bỏ vốn đầu tư xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao được nhiều hộ dân đồng tình, hưởng ứng.

Theo Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới xã, nguồn vốn huy động trong dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt 190 tỷ đồng (chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư) bao gồm các khoản đóng góp tiền mặt, ngày công lao động  phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, trong đó phát triển sản xuất chiếm 170 tỷ đồng.
 
Nông thôn mới Tân Hội
Nông thôn mới Tân Hội

Bài học từ Tân Hội

Chỉ sau 2 năm triển khai, Tân Hội đã có cơ sở hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ, tốc độ tăng trưởng ở mức 19%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng (so với năm 2009 là 16,7 triệu/người/năm), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,8%, thu nhập bình quân trên đơn vị đất canh tác đạt 74 triệu đồng/ha/năm.

Xã Tân Hội vinh dự được chọn là 1 trong 11 xã điểm của cả nước “lãnh ấn” tiên phong xây dựng mô hình nông thôn mới.
Bên cạnh những thành công về quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tân Hội cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác trong tỉnh và cả vùng Tây Nguyên. Đó là từ chỗ người dân khi chưa được tuyên truyền sâu rộng ít quan tâm đến chường trình và khi đã nhận thức đầy đủ đã tích cực hưởng ứng, tham gia bởi tính thiết thực của chương trình nên đóng góp công sức, tiền của, đất đai góp phần xây dựng nông thôn mới. Do đó, công tác vận động quần chúng được coi là chìa khóa thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, người dân được “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên mức độ hài lòng, tin tưởng cao vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là thay đổi phương thức sản xuất góp phần nâng cao đời sống, xây dựng các tiêu chí về thiết chế văn hóa để hoạt động văn hóa, thể thao của người dân ngày một phong phú.

Tuy nhiên, qua đó cũng còn một số bất cập như địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là đối với xã đồng bào dân tộc cần xem lại tỷ lệ đối ứng vốn cho phù hợp điều kiện của người dân. Đặc biệt tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khó thực hiện bởi người dân chủ yếu sản xuất cà phề, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhất là khó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.

XUÂN TRUNG - TUẤN LINH