Cuộc sống của người mẹ trẻ có HIV

03:11, 29/11/2011

Không như nhiều cảnh đời bất hạnh khác, câu chuyện buồn của người mẹ trẻ sinh năm 1986 bị nhiễm HIV này đã không làm em khóc, bởi nó đã qua và em không gục ngã. 

Vận động thanh niên tham gia vào công cuộc phòng chống HIV. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Vận động thanh niên tham gia vào công cuộc phòng chống HIV. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ngày em chuyển dạ chưa kịp vui mừng đón đứa con đầu lòng ra đời, thì em biết mình bị nhiễm HIV. Bị chồng và gia đình chồng ruồng bỏ, một mình bên con ngày nào em cũng cầu nguyện cho con mình không bị nhiễm HIV.

Đôi vợ chồng trẻ làm nghề hớt tóc với một tiệm nhỏ được gầy dựng có thể nuôi sống cho 2 người và một đứa trẻ sắp chào đời. Vậy mà chỉ một kết quả xét nghiệm có dấu cộng (HIV dương tính) lại chia ly mỗi người một ngả. Họ bỏ nghề, người chồng trở lại sống với bố mẹ và công việc làm vườn, người vợ thuê nhà trọ làm tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS để có động lực sống nuôi con.

Không như nhiều cảnh đời bất hạnh mà tôi gặp, với người mẹ trẻ này (sinh năm 1986) câu chuyện buồn không làm em khóc, bởi nó đã qua và em không gục ngã. Tháng 9 năm 2010, vừa sinh con được vài ngày, em bồng con về nhà mẹ đẻ - nơi mái nhà từ lâu không còn là tổ ấm, vì mẹ em bỏ đi biệt không biết nơi nào đã 5 năm rồi, cha em lấy vợ khác. Sinh con được 1 tháng, em tình nguyện tham gia vào nhóm đồng đẳng ở Đức Trọng, làm trưởng nhóm đồng đẳng. Ba tháng sau, em kết nối được với Ban điều hành mạng lưới “Tự lực của những người có H” ở khu vực phía Nam, được tham gia tập huấn tại Tp.HCM, Đà Nẵng và em thành lập nhóm tự lực người có H ở Lâm Đồng mang tên “Khát vọng” do em làm trưởng nhóm.

15 lần gia đình chồng đưa con trai ra tận Hà Nội để xét nghiệm, nhưng kết quả vẫn âm tính. Con gái của em khi mới sinh ra tại Bệnh viện tỉnh được đưa vào chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cả hai mẹ con đều được uống thuốc và bé được hỗ trợ 6 tháng uống sữa ngoài. Kết quả xét nghiệm báo tin mừng là bé không bị nhiễm HIV. Bây giờ bé đã 14 tháng, mỗi lần tiếp cận gặp gỡ đối tượng ở quán cà phê hay sinh hoạt nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực em đều mang bé theo. Em cho biết: “Con là động lực sống của em. Đi làm em thấy vui, mỗi lần đi giao lưu, tập huấn trong các chương trình phòng chống AIDS về em cảm thấy tinh thần vui vẻ. Em mong muốn có nhiều sức khỏe, sống thoải mái, không nghĩ mình có bệnh và dám nói trước đám đông rằng: “Tôi có H và tôi sống tốt, sống khỏe”.

Dẫu vậy, tôi vẫn muốn giữ nguyên tắc bí mật cho người nhiễm. Em không biết mình nhiễm HIV từ đâu. Nhớ lại mối tình vụng dại lúc tuổi vừa mới lớn, em quen một người con trai ở Tân Văn (Lâm Hà), khi biết anh này bị nghiện hút em đã từ bỏ anh ta. Rồi em lập gia đình có công ăn việc làm ổn định, chuẩn bị sinh con, đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà người phụ nữ nào cũng trải qua. Vậy mà, khi biết mình bị nhiễm HIV, em tìm hiểu ra thì biết được người con trai một thời vụng dại ấy sử dụng ma túy và bị nhiễm HIV từ lâu rồi, nhưng không cho em biết. Em nghĩ mình bị nhiễm HIV đã mang đến tai họa cho cả dòng họ nhà chồng, nên chủ động làm đơn ly hôn nhưng đến giờ chồng em vẫn chưa đồng ý chia tay. Để cho gia đình có thời gian suy nghĩ, em tự thuê nhà sống nuôi con và có công việc niềm vui cho riêng mình. Những chuyến đi tập huấn, gặp gỡ, giao lưu trong nhóm em gởi bé về cho nhà nội chăm 1 tuần đến nửa tháng. Em rất cứng cỏi: “Không phải một mình mình bất hạnh, không phải một mình mình bị gia đình chồng ruồng bỏ, vẫn có nhiều phụ nữ một mình nuôi con, có công việc làm ổn định. Đó là động lực cho mình không gục ngã”.

Công việc của một đồng đẳng viên và là trưởng nhóm đồng đẳng, em thường tìm cách tiếp cận với các đối tượng ma túy và mại dâm để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và cung cấp các dụng cụ can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm. Mỗi tháng em vận động 5-6 trường hợp đi xét nghiệm, có tháng em thuyết phục được 20 người đi xét nghiệm máu. Em cho biết công việc cũng vất vả. Ít nhất 2 tháng đầu mới tiếp cận được đối tượng nguy cơ cao, tạo mối quan hệ, hỗ trợ tâm lý, trò chuyện chia sẻ về công việc, hoàn cảnh, khi đã có sự tin cậy thì mới vận động thuyết phục đối tượng đi xét nghiệm HIV tự nguyện. Điều đáng buồn là khi đối tượng nhận được kết quả dương tính thì không còn liên lạc với em nữa, mất dấu tích. Trong nhóm đồng đẳng ở Đức Trọng, em đã giới thiệu 10 người cùng cảnh ngộ tham gia vào hoạt động này, với thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng.

Với nhóm “Khát vọng” em đã kết nối được 10 người ở Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà tham gia vào mạng lưới. Phần lớn ở độ tuổi 26-37 tuổi, trong đó có 9 người có gia đình. Mục đích chính của nhóm là tìm kiếm thành viên mới, cùng giúp nhau, chăm sóc, hỗ trợ, xem nhau như một gia đình, sống đúng ý nghĩa “tự lực của người có H”. May mắn là 9 trẻ em con của các thành viên đều sinh ra không bị nhiễm HIV. Các thành viên tự động viên nhau, hỗ trợ cai nghiện thành công cho 4 trường hợp, trong đó có một anh 12 năm nghiện ma túy đã từ bỏ được 3 tháng để chuẩn bị lấy vợ.

Trông em còn quá trẻ, khá xinh xắn, hoạt bát, lanh lợi. Em bảo năm 2012 có tổ chức cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” em sẽ tham gia. “Vì mình là nạn nhân của HIV, mình phải giành được quyền của người có H. Những người có H mà em biết đều bị kỳ thị nhiều. Mình tiếp cận tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Bạn bè không xa lánh do cách sống của mình, em biết cách giữ cho bạn. Càng kỳ thị, HIV càng lây lan nhanh” - Em chia sẻ và mong muốn: “Cần phải có người nhiễm HIV được đào tạo, tập huấn để làm công việc tư vấn cho người nhiễm HIV, thì họ mới biết cảm giác của người nhiễm HIV như thế nào, thấy được nhu cầu cần tạo công ăn việc làm cho người nhiễm để giúp người nhiễm HIV sống tốt trong cộng đồng”.
AN NHIÊN