Đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực

04:11, 13/11/2011

Thời kỳ đầu, trường chỉ đào tạo hệ CĐSP hệ 2 năm, sau đó, từ 1980 trở đi chính thức đào tạo chính quy CĐSP đạt chuẩn 3 năm.

Với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục ( GD) và một số ngành nghề khác, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Trường CĐSP Đà Lạt luôn lấy việc đào tạo sư phạm làm nòng cốt, đồng thời đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo sư phạm chất lượng cao và ổn định.
 
Sinh viên trong giờ thực hành
Sinh viên trong giờ thực hành

Ngay khi mới được thành lập (năm 1976), trường đã mở được 12 lớp với 527 sinh viên, trong đó có một số lượng lớn sinh viên đang theo học các năm 1, năm 2 của các trường đại học miền Nam trước ngày giải phóng. Những năm tiếp theo, trường tuyển sinh tại tỉnh Lâm Đồng và tiếp tục đào tạo hỗ trợ cho ngành GD các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, đồng thời mở rộng địa bàn tuyển sinh ra phạm vi cả nước, nhất là tuyển sinh từ Nghệ Tĩnh trở ra đến Thủ đô Hà Nội. Thời kỳ đầu, trường chỉ đào tạo hệ CĐSP hệ 2 năm, sau đó, từ 1980 trở đi chính thức đào tạo chính quy CĐSP đạt chuẩn 3 năm.

Từ tháng 8 năm 1992, khi hợp nhất ba Trường CĐSP Đà Lạt, THSP Lâm Đồng và Sư phạm Mầm non Lâm Đồng, với tên gọi CĐSP Đà Lạt, trường đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho Lâm Đồng đội ngũ giáo viên các bậc học từ Mầm non, Tiểu học, THCS và bồi dưỡng CBQL. Từ đó đến nay, số lượng sinh viên chính quy không ngừng ổn định và tăng trưởng. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, hằng năm tuyển sinh hệ CĐSP chính quy trên dưới 1.000 sinh viên, nâng tổng số sinh viên trong trường gần 3.000 sinh viên, cao nhất từ trước đến nay. Ngoài các ngành đào tạo chính quy tập trung: Sư phạm Mầm non, Tiểu học, THCS; từ năm 2006 CĐSP Đà Lạt mở thêm các ngành đào tạo ngoài sư phạm như Thư viện - Thông tin, Tiếng Anh Thương mại – Du lịch, Văn hóa - Du lịch, Công nghệ Sinh học, Tin học ứng dụng, Công nghệ - Thiết bị trường học, Mỹ thuật công nghiệp (ngành trang trí nội thất), nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác.

Nhà trường đã liên kết với các Trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Thể dục Thể thao Hà Nội, ĐHSP Kỹ thuật TP HCM, ĐHSP TP HCM,  Đại học Mỹ thuật TP HCM, ĐH Văn Hóa, ĐH Đồng Tháp để đào tạo đạt trình độ đại học cho giáo viên từ Mầm non, Tiểu học đến THCS. Đến nay, nhà trường đã được phép đào tạo 27 mã ngành, và đã đào tạo được 21.172 giáo viên các cấp từ Mầm non, Tiểu học đến THCS và các ngành nghề khác với trình độ từ cao đẳng đến đại học. Đặc biệt, trong đó nhà trường đã đào tạo ra hàng nghìn GV là người dân tộc bản địa cho tỉnh nhà.

 Bên cạnh công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng cũng đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Cho đến hiện nay, nhà trường đã bồi dưỡng cho 1.197 học viên là cán bộ quản lý các trường THCS, Tiểu học và Mầm non; cấp hơn 3.000 chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ sư phạm cho các học viên các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Nhà trường đã thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ, có gần 29000 lượt giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS đã  tham dự và được cấp giấy chứng nhận.

Để phục vụ công tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường CĐSP Đà Lạt chủ trương phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học. Cán bộ, giảng viên của trường đã thực hiện 129 đề tài từ cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ và đặc biệt là một số đề tài của TS. Trịnh Đức Tài đã được nghiên cứu và công bố ở Pháp như “Tính đơn của không điểm của bội Stokes”, đăng ở Tạp chí J. Differential Equations năm 2006; đề tài của NCS. Trần Gia Lộc “Kỳ dị Lagrange và ứng dụng” năm 2008; đề tài “Hàm Gamma tổng quát” đồng tác giả (Trịnh Đức Tài và  Trần Gia Lộc) đăng Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica năm 2011… Phần lớn các công trình khoa học của trường là khoa học ứng dụng, đã có những đóng góp lớn cho nhiệm vụ đào tạo của nhà trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Sau 35 năm, nguồn nhân lực sư phạm do CĐSP Đà Lạt đào tạo đã có trình độ đào tạo vượt chuẩn quốc gia (Mầm non vượt trên 30%, Tiểu học  và THCS vượt trên 60%). Đội ngũ giáo viên này đã có mặt tận những buôn làng xa xôi nhất, góp phần đắc lực trong việc nâng cao dân trí và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Lâm Đồng.

Trong những năm tới và hướng đến năm 2020, công tác đào tạo của nhà trường vẫn lấy việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sư phạm làm nòng cốt nhưng tiếp tục mở rộng việc đào tạo các ngành nghề khác trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước và xu thế phát triển của khoa học công nghệ của nước ta và thế giới.

Ths. Nguyễn Tử Minh