Dấu ấn Tân Hội

04:11, 15/11/2011

Tân Hội hiện tại như một bức tranh sinh động với những sắc màu tươi sáng.

Đã hơn hai năm kể từ ngày Tân Hội (huyện Đức Trọng) được chọn là một trong số 11 xã điểm của Trung ương, là xã đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên để triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên toàn quốc. Quãng thời gian chưa dài, nhưng kỳ vọng về một sự đổi thay toàn diện ngay từ buổi đầu đã phần nào hiện diện, sự thay đổi ấy in đậm qua những công trình, những con đường và trong cả suy nghĩ của người dân. Tân Hội hiện tại như một bức tranh sinh động với những sắc màu tươi sáng.
 

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Sự thay đổi ở Tân Hội trong hai năm qua là điều không thể phủ nhận. Điều này được hiện rõ không chỉ bằng những con số thống kê trong báo cáo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã từ 18-19%, thu nhập bình quân đầu người năm 2009 mới chỉ ở mức 16,7 triệu đồng, hiện tại đã gần 26 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng chỉ còn ở mức 2,8%; giá trị sản xuất đạt 112 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đạt 74 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 15% so với năm 2009. Hơn thế nữa, bộ mặt nông thôn của Tân Hội còn được khẳng định bằng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, hệ thống chính trị luôn được củng cố từ xã đến thôn, nội bộ đoàn kết cao, thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, xã cũng đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt chuẩn về y tế, 3/5 trường của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Hiện tại, Tân Hội đã hoàn thành 16/19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả ấn tượng này đáng được ghi nhận bởi chúng được hoàn thành chỉ trong khoảng thời gian trên dưới 2 năm. Ngoài những tiêu chí cơ bản đã được xây dựng từ trước như “Điện, đường, trường, trạm”, xã Tân Hội cũng đã hoàn thành nhiều tiêu chí được xem là khó đạt và phải cần có nhiều thời gian.

Một trong những tiêu chí thành công và mang lại hiệu quả thực tế, qua đó góp phần trực tiếp làm thay đổi đời sống của người dân chính là việc xây dựng được các hình thức tổ chức sản xuất. Xác định cây cà phê là thế mạnh của địa phương, nên xã đã tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng như hướng dẫn cho bà con trồng cây che bóng, cây ăn trái lâu năm trong vườn cà phê, xây dựng mô hình trồng điểm 100 ha nhằm bảo vệ môi trường cho cây cà phê, cải tạo đất, hạn chế nước tưới và phòng ngừa bệnh dịch; xử lý vỏ cà phê bằng biện pháp lên men làm phân vi sinh; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho bà con nông dân sản xuất theo hướng GAP. Xã cũng đã xây dựng được 16 mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao, 32 mô hình trồng nấm mèo, trên 30 hộ trồng chuối La Ba, 12 trang trại chăn nuôi heo, gà và các mô hình khác như: trồng dâu tằm, ươm cây giống, nuôi ếch, ba ba, chim bồ câu, nhím… cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các mô hình điểm của xã là 0,7 tỷ đồng/ha/năm, thu nhập bình quân 0,4-0,5 tỷ/ha/năm, trong đó có nhiều mô hình trồng ớt ngọt, chăn nuôi heo, gà trang trại, bò vỗ béo cho lợi nhuận từ 0,7 đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, những tiêu chí như nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, chợ, văn hóa… xã cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thành theo đúng quy chuẩn.

 ĐÍCH ĐẾN KHÔNG CHỈ LÀ CÁC TIÊU CHÍ

Ở thời điểm hiện tại, Tân Hội chỉ còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành đó là cơ cấu lao động (khó thực hiện với một xã có tới 65% lao động nông nghiệp); hai tiêu chí môi trường và thủy lợi cơ bản đạt và sẽ phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2011. Ông Trần Trọng Tuyên - Phó Chủ tịch xã, Trưởng ban Quản lý xây dựng NTM xã Tân Hội cho biết: “Việc hoàn thành các tiêu chí theo quy định của Trung ương là điều đương nhiên, nhưng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân Tân Hội hướng tới trong thời gian ngắn nhất đó chính là phải làm sao có sự đồng lòng, chung tay góp sức để xây dựng Tân Hội thành một mảnh đất thực sự yên lành, no ấm”.
Điều thành công nhất ở Tân Hội sau hai năm triển khai xây dựng NTM, đó chính là sự thay đổi về nhận thức của phần lớn người dân đối với chương trình này. Ở xã, nhiều con đường cấp phối nội đồng, hay bê tông liên thôn, xóm sau khi được tuyên truyền, người dân đã tự nguyện đóng góp từ 80 đến 100% vốn, đồng thời họ cũng tình nguyện đóng góp công lao động để trực tiếp thi công. Từ những ngày đầu còn thờ ơ và ít quan tâm, hiện tại phần lớn người dân ở Tân Hội đều đã xem chương trình NTM như một phong trào thi đua làm giàu, xây dựng đời sống văn hóa để nâng cao cuộc sống. Việc rất nhiều người dân, tình nguyện hiến đất, công sức, tiền của để xây dựng các công trình là minh chứng rõ nhất cho việc Tân Hội sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí khó.

Qua hơn hai năm thực hiện, Tân Hội đã huy động được trên 409 tỷ đồng để đầu tư, triển khai các chương trình. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chỉ có 30 tỷ đồng; của tỉnh, huyện, xã là trên 5 tỷ đồng; vốn lồng ghép trên 20 tỷ đồng… Vốn huy động từ nhân dân là 190 tỷ đồng, trong đó đóng góp bằng tiền mặt là 5 tỷ đồng, chỉnh trang xây dựng nhà cửa khoảng 15 tỷ đồng, phát triển sản xuất là 170 tỷ đồng. Đưa ra những con số trên, để có thể thấy nguồn lực của người dân Tân Hội tham gia xây dựng NTM bên cạnh nguồn lực của Nhà nước là rất lớn. Đồng thời nó cũng thể hiện sự tin tưởng, tích cực của người dân nơi đây đối với chương trình.

Dấu ấn của Chương trình NTM để lại trên mảnh đất Tân Hội đã hiển hiện. Đó là những con đường rộng rãi trải dài từ Trung tâm xã đến thôn, xóm, là những mô hình, trang trại chăn nuôi, sản xuất công nghệ cao, là những nếp nhà mới khang trang, yên ấm… Chương trình xây dựng NTM nơi đây, đang mới chỉ bắt đầu.
TUẤN LINH