Con người có gương mặt hiền lành, thủy chung này một thời đã làm cho quân viễn chinh Pháp ở miền đông khiếp sợ đến mức treo giải thưởng 2.000 đồng tiền Đông Dương cho ai bắt sống được ông.
Trên đường tìm nhà ông ở ấp Phước Thái, xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tôi mường tượng đến nhà riêng ông Đại tá là một biệt thự sang trọng, có cây xanh bóng mát, có ghế đá và bàn cờ tướng dưới tán lá xanh rì. Nhưng sự thể lại khác đi. Tư gia của ông Đại tá Chính ủy Đoàn tàu không số năm xưa là một căn nhà gạch cũ, lợp tôn thiếc đã ngã màu, thấp lè tè, được bao bọc bởi một mảnh vườn khoảng hai công đất. Phía sau là cánh đồng ruộng suốt ngày gió thổi vi vu. Trong vườn của ông có đến 4 ngôi mộ cổ bằng đá ong bạc màu lởm chởm, loang lỗ, được xây cất từ đầu thế kỷ trước. Đó là ông bà nội, bố mẹ đẻ của ông, hằng ngày ông vào ra thăm nom. Ông thường kể những năm tháng cơ cực của dòng tộc để nhắc nhở giáo dục con cái từ những di vật trong vườn. Ngày về hưu, ông được Bộ tư lệnh Hải quân cấp cho một căn nhà ở thành phố. Nhưng ông vẫn xin về Tân Uyên để chăm lo mồ mã ông bà và ruộng đất hương hỏa của dòng tộc. Nhìn vợ chồng ông Đại tá già lụm khụm ở cánh đồng hiu quạnh vắng tiếng người, tôi không khỏi chạnh lòng. Có lẽ người Tân Uyên là thế. Ba trăm năm chiến đấu với ác thú, với kẻ thù, cũng để giữ đất, giữ người, giữ đạo gia phong.
Tôi hỏi vì sao ông có biệt danh là Đại tá “bít miệng”, ông cười sằng sặc, cho tôi xem những tấm ảnh ông chụp chung với Bác Hồ và các tướng lĩnh. Ông nhớ đau đáu cuộc trường chinh của đời mình. Chuyện kể rằng: Tháng 7 năm 1959, ông được Bác Hồ và bộ tổng tham mưu gọi lên xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài của cả nước, rồi giao cho ông dự thảo kế hoạch chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm là Chính ủy Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân sau này. Trong cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến táo bạo ấy, Bác Hồ căn dặn phải tuyệt mật, không được mở mồm. Về sau mỗi lần đi kiểm tra, ông thường dặn anh em phải “bít miệng” đối với công việc của mình. Ông “chết” cái “bí danh” từ đó. Gần đây, khá nhiều báo, đài đề cập đến cuộc chiến đấu một mất một còn ở Đường mòn trên biển. Trong những chuyến viễn hành nhiều lúc bị lộ, đối mặt trực tiếp với kẻ thù không còn đường thoát buộc phải phá hủy tàu để giữ bí mật. Những anh hùng hy sinh trên biển thời ấy thân xác đã hòa chung với biển mặn. Vì vậy, trên đất liền không có nghĩa trang liệt sĩ nào mang tên các anh, chỉ có những tấm bia tưởng niệm ven bờ đại dương quanh năm sóng vỗ rì rầm. Bây giờ thì ông Đại tá được “mở miệng” rồi. Ông mang ra một xấp hình trắng đen đã ố vàng của các thủy thủ chụp chung trước khi ra trận. Trong số những người lính biển này có nhiều anh còn quá trẻ, nụ cười đầy hồn nhiên. Trong họ, không ai biết chuyến hải trình trở về này ai còn ai mất. Ông Đại tá rấm rức khóc khi chỉ tên từng người: “Chú này chết tội lắm, chú kia chết thương tâm lắm, tội nghiệp thằng này mới cưới vợ, thằng này đi biển say sóng bảo nó ở bờ cũng không chịu nghe!…”.
Nhìn theo bàn tay run rẩy và tiếng nấc nghẹn ngào của ông khi chỉ những đồng đội đã nằm lại giữa lòng đại dương mãi mãi không về, nước mắt tôi trào ra. Chiến tranh đã qua rồi, gần 40 năm còn gì, nhưng ông vẫn nhớ, vì ông là Chính ủy, người lãnh đạo Đảng cao nhất của Đoàn. Đảng ta, quân đội ta ngày ấy có những người chính ủy thương nhớ đồng đội đến lúc đầu bạc về vườn vẫn rưng rức khóc khi nhớ một thời cả nước chít khăn tang lên đầu ra trận, sống chết với kẻ thù. “Bây giờ Bác đã già không còn minh mẫn như xưa. Bác không biết đồng đội của Bác bây giờ ai còn, ai mất. Bác chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm làm ngày giỗ để tưởng nhớ anh em - những người đã chết không toàn thây, không mộ chí trong cuộc quyết chiến Đường mòn trên biển” - Ông chậm rãi nói với tôi từng câu chữ và chỉ tay vào bàn thờ trong nước mắt.
Chia tay ông Đại tá già đã có một quãng đời oai hùng đầy huyền thoại. Tôi đến bàn thờ thắp nén hương tưởng nhớ đến đồng đội của ông - những người con ưu tú của dân tộc vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, những tiền nhân đã một thời không tiếc máu xương mang sứ mạng đi giữ nước, những bóng người lặng lẽ giữa đại dương đầy sóng gầm bão tố và chát chúa tiếng nổ của đại liên chụp xuống đầu trần. Trong khói hương nghi ngút lặng lẽ tỏa lên, tôi bất chợt nhìn thấy một đoàn tàu không có số đang hướng về Miền Nam. Trên tàu là những thủy thủ mặc áo dân chài với đôi mắt đầy “lửa”. Và tôi tự hỏi các hương hồn thủy thủ mà thân xác đã nằm lại biển mặn năm xưa, có ai biết được những giọt nước mắt của người Chính ủy già đang nhớ đến đồng đội của mình từ một thời máu lửa, một thời mà cả nước chít khăn tang lên đầu ra trận!