Đức Trọng: Tập huấn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế du lịch

04:11, 15/11/2011

Nằm trong đề án Bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức lớp tập huấn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế du lịch cho 40 học viên người dân tộc K’Ho ở xã Hiệp An.

Nằm trong đề án Bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức lớp tập huấn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế du lịch cho 40 học viên người dân tộc K’Ho ở xã Hiệp An.

Sau gần 6 năm không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngành văn hóa Lâm Đồng đã có những nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Không chỉ mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ mà ngành tạo ra một môi trường văn hóa để cồng chiêng phát huy giá trị không bị mai một. Rất nhiều đội nhóm cồng chiêng phục vụ du lịch đã được thành lập ở những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như: Lạc Dương, Bảo Lộc, Đạ Huoai. Với lợi thế nằm ngay cửa ngõ ra vào thành phố Đà Lạt, là nơi có du lịch đã được định hình với các khu điểm du lịch như: Trúc Lâm Viên, thác Prenn…, người K’Ho ở Hiệp An hoàn toàn có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch vừa quảng bá văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình đến với anh em các dân tộc trong nước và thế giới, để góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa cồng chiêng, vừa mang lại lợi ích kinh tế. Tham dự lớp tập huấn, các nghệ nhân trẻ không chỉ được học nhuần nhuyễn thêm những bài bản cổ truyền, đồng thời nâng cao trách nhiệm của mình trong việc sử dụng di sản văn hóa cồng chiêng với vai trò là tài nguyên du lịch nhân văn để văn hóa cồng chiêng mang lại giá trị tinh thần và hiệu quả về vật chất.

QUỲNH UYỂN