Lấy sư phạm làm nòng cốt

04:11, 13/11/2011

Từ khi được thành lập năm 1976 đến nay, CĐSP Đà Lạt đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh miền núi Lâm Đồng.

Từ khi được thành lập năm 1976 đến nay, CĐSP Đà Lạt đã có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh miền núi Lâm Đồng. Nhân dịp này Báo Lâm đồng đã có cuộc trao đổi với ThS Bùi Lương, Hiệu trưởng về những định hướng của nhà trường sắp đến.

Thưa ông, nhìn lại chặng đường 35 năm hoạt động vừa qua, ông có thể đánh giá tổng quát đâu là những điểm thành công của trường?
 
ThS Bùi Lương - Hiệu trưởng Trường CĐSP Đà Lạt
ThS Bùi Lương - Hiệu trưởng Trường CĐSP Đà Lạt
ThS Bùi Lương: Từ khi thành lập đến nay, có thể nói Trường CĐSP Đà Lạt thực hiện rất tốt mọi chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể, nhà trường đã đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành giáo dục (GD) từ cấp học Mầm non, Tiểu học (TH) đến Trung học cơ sở (THCS), không chỉ cho GD Lâm Đồng mà còn cho nhiều tỉnh, thành khác. Đến nay, đã có trên 21 nghìn thầy cô giáo tốt nghiệp từ trường tỏa đi mọi miền đất nước, ở đâu đội ngũ này cũng phát huy được năng lực. Cùng đó, nhà trường đã bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường Mầm non, TH, THCS ở tất cả các phòng GD trong tỉnh, góp phần to lớn vào sự nghiệp GD của tỉnh nhà.

Cùng với đó, tính đến nay trường đã thực hiện 129 đề tài các cấp được nghiệm thu, trong đó có những đề tài được báo cáo ở các hội nghị chuyên đề toàn quốc, đặc biệt đóng góp to lớn vào công cuộc cải cách GD, đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ Mầm non đến cấp THCS.

Nhà trường là nơi thử nghiệm mô hình, điều chỉnh, bổ sung, chuyển giao đổi mới phương pháp trong quản lý, trong giảng dạy, học tập cho đội ngũ giáo viên phổ thông từ Mầm non, Tiểu học đến THCS thông qua công tác bồi dưỡng giáo viên thường xuyên trong các dịp hè.

Trường có một môi trường giảng dạy - học tập tốt. Sinh viên CĐSP Đà Lạt nhìn chung chăm ngoan, có động cơ học tập rõ ràng, đúng đắn, sinh hoạt lành mạnh không có những biểu hiện vi phạm pháp luật, tệ nạn. Lực lượng sinh viên của trường luôn đi đầu trong các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, phong trào hiến máu nhân đạo, mùa hè xanh…, luôn tích cực tham gia các hoạt động phục vụ lễ hội của tỉnh khi được huy động.

Để có những thành công này, theo ông đâu là những yếu tố cơ bản?

ThS Bùi Lương: Rất nhiều yếu tố. Nói chung đó là bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của đơn vị, trong đó vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, giảng viên, sinh viên các thế hệ suốt 35 năm qua.

Đội ngũ giảng viên của trường đa số tốt nghiệp từ các trung tâm sư phạm, các trường sư phạm mạnh trong nước như Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP HCM, Sư phạm Vinh về đây công tác. Hiện nay, đội ngũ này nhìn chung có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp, hết lòng hết sức vì sự nghiệp "trồng người" với 3 tiến sỹ, 3 nghiên cứu sinh tiến sỹ, 26 giảng viên chính, 58 thạc sỹ, 12 giảng viên theo học thạc sỹ. Với đội ngũ này, chúng tôi tin tưởng hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Chính chất lượng đào tạo của trường khá tốt, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm nên số lượng tuyển sinh hằng năm của trường khá ổn định, trên dưới 1.000 sinh viên/năm.

Thành công của trường trong 35 năm qua luôn có sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp rất to lớn và hiệu quả của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở GD-ĐT Lâm Đồng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong toàn tỉnh, các tầng lớp nhân dân, các trường đại học, cao đẳng trọng điểm trong vùng và trong nước.

CĐSP Đà Lạt hiện nay được biết không chỉ là nơi đào tạo thầy cô giáo, mà còn đào tạo đa lĩnh vực. Ông có thể cho biết vài nét về hướng phát triển sắp đến của trường?

ThS Bùi Lương: Cần đặt CĐSP Đà Lạt trong chiến lược phát triển GD ĐT nói chung và trong nhiệm vụ của các trường sư phạm nói riêng. Nhiệm vụ hiện nay nhà trường hướng đến là việc thực hiện đúng nghĩa một trường đào tạo thầy cô giáo từ cấp Mầm non, Tiểu học, đến cấp THCS; gắn với đặc thù của địa phương Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Cũng nói thêm là sinh viên người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, sinh viên dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 1/4 lượng sinh viên trong trường và không ít trong số họ tốt nghiệp tại trường đã phát huy tác dụng rất tốt ở buôn làng.
   
Cùng đó, nhà trường tập trung cho việc củng cố khối đoàn kết thống nhất trong trường cho mục tiêu chung, xây dựng kỷ cương, tạo nên sức mạnh trong toàn bộ hệ thống chính trị nhà trường. Kiểm định đánh giá chất lượng GD của nhà trường theo chu kỳ 5 năm 1 lần; xây dựng chuẩn chất lượng, chuẩn đầu ra, xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên kế cận của trường, tuyển dụng giảng viên mới phù hợp, đảm bảo trẻ hóa đội ngũ; thực hiện đổi mới quản lý GD đại học theo Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 05 của Ban Cán sự Đảng - Bộ GD-ĐT, chương trình hành động của Bộ GĐ-ĐT về tăng cường đổi mới quản lý nhà nước trong GD đại học, đổi mới quản lý với các trường, cơ sở GD đại học. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong trường từ đây đến 2020 phải đạt 90% trở lên có trình độ thạc sỹ trở lên; kiên định mục tiêu đào tạo, lấy sư phạm làm nòng cốt. 

Để xứng tầm với một di sản văn hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất của trường, theo ông nhà trường cần làm gì và cần tỉnh hỗ trợ gì cho nhà trường trong thời gian đến?

ThS Bùi Lương: Vâng, để giữ gìn tôn tạo di sản văn hóa quốc gia, từng bước hiện đại hóa nhà trường, chúng tôi có mấy đề xuất sau. Về quy hoạch, nhà trường đã có quy hoạch tổng thể, nhưng chưa triển khai được gì nhiều. Trước mắt, trường rất cần một nguồn kinh phí ổn định cho việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên, tôn tạo sửa chữa, chống xuống cấp. Trường cần kinh phí để xây dựng mới những công trình cấp thiết như Trung tâm thông tin, Thư viện điện tử, Vườn hoa cây xanh, tăng cường trang thiết bị cho các xưởng trường, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành.

Một vấn đề bức xúc khác mà chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ lâu nay là việc giải quyết nhà ở cho giáo viên. Rất nhiều người công tác lâu năm nơi đây, có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp phát triển GD của trường và địa phương, nhưng vẫn phải ở nhà tập thể trong khuôn viên trường, lâu nay vẫn chưa có nhà ở riêng. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT, thông qua Sở GD-ĐT Lâm Đồng nên hằng năm dành một phần kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cấp từng bước, hiện đại hóa CĐSP Đà Lạt.

Xin cảm ơn ông!
Viết Trọng (thực hiện )