Người Chăm làm thuốc

02:11, 03/11/2011

Người Chăm hiện nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề y dược cổ truyền. Đó là điều gây nên tò mò, kích thích sự tìm hiểu. Tôi tìm về làng Chăm Ninh Thuận cũng vì điều đó…  

Ở đâu đó trong những phiên chợ tôi qua, có hình bóng những người phụ nữ Chăm khiêm nhường ngồi ở một góc khuất bốc thuốc, bắt mạch chữa bệnh cho người qua lại. Hay như trên những chuyến tàu lửa, xe đò, lại bắt gặp những nam lang y người Chăm với những chiếc túi thổ cẩm nặng thuốc bên mình trên hành trình đi chữa bệnh cho người phương xa. Người Chăm hiện nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề y dược cổ truyền. Đó là điều gây nên tò mò, kích thích sự tìm hiểu. Tôi tìm về làng Chăm Ninh Thuận cũng vì điều đó…  
 
Lương y Thập Tấn trong vườn trồng cây thuốc ở làng An Nhơn
Lương y Thập Tấn trong vườn trồng cây thuốc ở làng An Nhơn

LÀNG Y HỌC CỔ TRUYỀN…

Dược sĩ Nguyễn Xuân Tuyển - Chủ tịch Hội đông y tỉnh Ninh Thuận cho biết: Nền y dược học cổ truyền của người Chăm có từ rất sớm và chịu ảnh hưởng của nền y dược học cổ truyền Đông Ấn - Ayurveda và một phần giao lưu với y học và dược học cổ truyền Trung Quốc. Bà con có rất nhiều bài thuốc quý. Xã Xuân Hải là nơi khá tập trung nghề này với khoảng 1200 hộ làm thuốc, tập trung đông nhất ở hai thôn An Nhơn và Phước Nhơn...

Những ngôi làng người Chăm thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) nằm sát bên quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang chừng 7km về phía hướng nam. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, trên mảnh đất đầy nắng gió, cằn cỗi và khắc nghiệt này, đồng bào Chăm nơi đây đã tận dụng những cây cỏ, hoa lá trong tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh cứu người. Qua sự hiểu biết y lý, kinh nghiệm dân gian lưu truyền, bàn tay của họ đã biến từ cây dâm bụt, đinh lăng ở hàng rào đến cây na, cây cóc trong vườn nhà trở thành những phương thuốc trị bệnh hiệu quả. Về lịch sử của nghề thuốc nam nơi đây, Lương y Thập Tấn - Chủ tịch Hội Đông y xã Xuân Hải, nói: “Nghề làm thuốc của người Chăm chúng tôi đã có từ lâu lắm, không ai nhớ nổi là có từ thời nào. Có thể từ khi lập làng là đã có nghề làm thuốc, cứ thế cha truyền con nối, hết đời này sang đời khác. Ngay như gia đình tôi, từ đời ông cố, ông nội đến cha tôi và tôi đều làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh.” Ông cũng cung cấp con số, hiện toàn xã có 800 hội viên đông y, 85% trong số này đã qua các lớp tập huấn chế biến dược liệu, châm cứu; 13 lương y đã được chuẩn hóa ở các lớp của tỉnh, của ngành.

Trước đây, do phải sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hanh khô, đầy nắng gió nên cư dân vùng đất cằn cỗi này dễ mắc nhiều bệnh tật. Bởi vậy, hầu như người dân Xuân Hải nói riêng và nhiều làng Chăm nói chung cũng thuộc nằm lòng vài phương thuốc phòng thân. Theo khảo sát, có 300 loài thuộc 97 họ thực vật được người Chăm bào chế làm thuốc với 600 vị. Với 677 bài thuốc (đã phổ biến), đồng bào có thể trị những bệnh thông thường như đau răng, nhức đầu, bong gân, gãy xương đến những bài thuốc phức tạp như trị rắn cắn, sốt rét, sán xơ mít…Giống như quà tặng của thiên nhiên, cây thuốc ở vùng rừng núi này lại cho giá trị dược liệu cao hơn những nơi khác và đem lại những công dụng hữu hiệu. Những đứa trẻ người Chăm đều được cho học làm thuốc từ khi 16, 17 tuổi, lứa tuổi bắt đầu trưởng thành. Ban đầu, đám trẻ được theo người lớn lên rừng hái thuốc, học cách phân biệt dược liệu. Sau quen dần, sẽ được dạy về kinh nghiệm chẩn bệnh, kê đơn bốc thuốc. Lương y Nguyễn Văn Thừa (62 tuổi, thôn An Nhơn, xã Xuân Hải), người vừa có đại lý cung cấp dược liệu vừa trực tiếp chữa bệnh, kể lại: “Do bố mẹ mất sớm nên ngày nhỏ tôi đã sớm được bà nội truyền cho nghề làm thuốc. Từ năm lên 8 tôi đã theo bà lên núi hái thuốc, phân biệt các vị độc dược. Đến nay tôi đã biết trên 170 bài thuốc của người Chăm.” Lương y Nguyễn Văn Thừa đã nuôi dạy 7 người con ăn học nên người bằng nghề thuốc. Hiện tại, cơ sở của ông là nơi cung cấp nguồn dược liệu cho bà con trong vùng đi trị bệnh ở các nơi…

LÀM THUỐC SINH NHAI

Trước đây, người Chăm chỉ quen tìm dược liệu, bào chế thuốc trị bệnh cho người trong gia đình, chòm xóm, thảng hoặc mới đi xa. Nhưng từ khi công dụng của những bài thuốc hay được lan truyền, người nhiều vùng tìm về mua thuốc nên họ bắt đầu nghĩ đến việc lấy nghề bốc thuốc làm kế sinh nhai. Theo thống kê, có đến 95% hộ gia đình ở Xuân Hải thường xuyên đi chữa bệnh ở xa, chỉ trừ số ít giáo viên, cán bộ thôn, xã. Họ đi từ Nam ra Bắc, sang cả Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia. Mỗi lần như vậy phải mấy tháng trời mới quay về, đó có thể là dịp lễ tết, hoặc khi đã bán hết số thuốc đem theo. Bên cạnh đó, trong xã có đến 13 đại lý thuốc với mức tiêu thụ mỗi ngày khoảng 1 tấn cây thuốc khô, một năm khoảng 300 tấn, tương đương 300 tấn dược liệu tươi. Chính sự phát triển của nghề thuốc gia truyền đã tạo ra nguồn thu ổn định cho người dân nơi đây. Đường vào làng nay đã rộng hơn, nhà cửa trong thôn đều khang trang với tiện nghi đầy đủ. Bằng cách bán thuốc và bốc thuốc chữa bệnh trực tiếp, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu đáng kể. Bà Cú Thị Hương (61 tuổi) đã từng một mình bốc thuốc nuôi 6 người con học hết đại học, trung cấp. Đến nay bà vẫn nuôi thằng út đang là sinh viên năm 4 học ngành Xây dựng ở Biên Hòa. “Mỗi khi mấy đứa con đi học xa nhà tôi đều đi theo. Thứ nhất là để tiện nấu nướng, chăm sóc cho tụi nhỏ, thứ hai là kết hợp bốc thuốc trị bệnh cho bà con vùng đó để trang trải phần nào chi phí.”, bà Hương nói.

Cũng như bà Hương, đến vụ nông nhàn, ông Đạo Thanh Trí (67 tuổi) lại chu du khắp nơi bốc thuốc chữa bệnh. Bằng nghề thuốc gia truyền, ông đã nuôi 8 người con ăn học, và điều đáng mừng là hiện nay các con của ông cũng đã thành nghề, đang theo nghề thuốc của tổ tiên. Ông Trí nói: “Mỗi khi rảnh rỗi tôi lại xin giấy phép của Hội Đông y đi chữa bệnh để tăng thêm thu nhập. Coi vậy chứ việc bốc thuốc bây giờ cũng gian nan lắm, phần vì đường sá xa xôi, phần thì cây thuốc bây giờ cũng khó tìm lắm, không còn nhiều như trước”. Lo lắng của ông Trí cũng giống như hầu hết những người theo nghề thuốc trong làng. Nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt trước cách khai thác “đào tận gốc, trốc tận rễ” của bà con. Bên cạnh đó, một số bài thuốc quý đã bị thất truyền do không tìm được vị thuốc. Bây giờ, họ phải đi mãi vào miệt Phan Thiết (Bình Thuận) hoặc ra Cam Ranh (Khánh Hòa), lên vùng rừng núi Ninh Sơn, Ninh Phước, Bắc Ái (Ninh Thuận), Lâm Đồng để tìm cây thuốc, mà có khi lặn lội trong rừng tìm mỏi mắt không ra…

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu, dự án bảo tồn cây thuốc và nghề thuốc của người Chăm đã được Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện từ đầu năm 2010. Dự án này được triển khai ở hai thôn An Nhơn, Phước Nhơn (xã Xuân Hải) và đến nay đã đem lại tín hiệu khả quan. Theo lời lương y Thập Tấn: “Từ khi dự án được khởi động đã có 30 hộ đăng ký đất trồng thuốc theo phương dược riêng của mỗi gia đình. Đến nay đã có 24 hộ tiến hành trồng cây thuốc trên diện tích gần một ngàn mét vuông, với 43 giống các loại, hiện tất cả đều phát triển tốt. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ một ít kinh phí cho các hộ chăm sóc, đầu tư, bên cạnh đó, phát động bà con trong làng tự trồng thuốc ở nhà để luôn chủ động được nguồn dược liệu.”

Với dự án trên, hy vọng trong tương lai, nghề thuốc nam của đồng bào Chăm Ninh Thuận vẫn được bảo tồn và phát triển hơn. Kết hợp du lịch văn hóa sắc tộc và chữa bệnh bằng y học cổ truyền, cũng là một ý tưởng có nhiều tín hiệu khả thi từ dự án này.

UÔNG THÁI BIỂU