Nhà giáo Nguyễn Thị Hảo - người đã gắn bó đầy tâm huyết, trách nhiệm với ngành, với nghề suốt 32 năm qua.
Cô giáo Nguyễn Thị Hảo trong giờ dạy học sinh viên tiểu học |
Tốt nghiệp khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, năm 1979 cô giáo Nguyễn Thị Hảo (1956) được phân công về Trường Trung cấp Sư phạm Lâm Đồng công tác. Tháng 9-1992, khi 3 trường CĐSP, THSP và SPMN Lâm Đồng sát nhập làm một, cô giáo Hảo được phân công về tổ tâm lý-giáo dục-đoàn đội Trường CĐSP Đà Lạt và đến năm 1999 khi thành lập khoa Tiểu học, cô được đề bạt làm trưởng khoa từ đó cho đến nay. 32 năm gắn bó với ngành, với nghề và 12 năm ở cương vị trưởng khoa, cô giáo Nguyễn Thị Hảo đã có những đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng khoa vững mạnh và đào tạo những giáo viên tiểu học tại Trường CĐSP và chính những giáo viên tiểu học này đã có mặt từ thành thị, đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng để “gieo con chữ” và kiến thức cho hàng ngàn, hàng triệu trẻ em, góp phần vào sự nghiệp “trồng người” của địa phương, đất nước. Ở một khoa mà hầu hết cán bộ, giáo viên đều ý thức cao về tình thương, trách nhiệm, cô giáo Hảo không chỉ là “thủ lĩnh”, mà còn là người chị cả, người đồng nghiệp đi trước có bản lĩnh, kinh nghiệm nghề nghiệp đã tận tâm, tận lực sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, khoa học và động viên khuyến khích mọi người chí lý, chí tình trong cuộc sống, trong công tác nên đã gắn kết mọi người như trong một gia đình, để từ đó tình yêu, trách nhiệm nghề nghiệp của mọi cán bộ, giáo viên được nâng cao hơn, hiệu quả công tác mang lại cao hơn. Không chỉ có gần gũi, có trách nhiệm với đồng nghiệp, có phương pháp điều hành công việc hợp lý và tham mưu cho BGH nhà trường tạo điều kiện để các giáo viên trong khoa có điều kiện tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu của công tác giáo dục, đào tạo, cô giáo Hảo còn chủ động gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh trong khoa để có lịch học tập chính khóa, ngoại khóa, lịch ôn thi, thi hết môn một cách hợp lý, theo phương châm “Tất cả vì học sinh”. Chính vì vậy, ngay khi ngành giáo dục chưa có chủ trương “nói không với căn bệnh thành tích”, hoặc phong trào “Hai không”, “Ba chống”… thì tại khoa Tiểu học mọi biểu hiện tiêu cực trong đào tạo, thi cử, bồi dưỡng học sinh yếu… đều đã được loại bỏ, kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ngay cả của cán bộ, giáo viên cũng luôn đúng thực chất và không ngừng đạt chất lượng cao.
Chẳng hạn, trong đợt thi tốt nghiệp tháng 7/2011 vừa qua, khoa có 54 sinh viên, thì có đến 53 sinh viên tốt nghiệp loại khá và giỏi, được đánh giá là khoa có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao nhất của Trường CĐSP Đà Lạt. Đặc biệt, các sinh viên của khoa ra trường nhận công tác đều được các trường tiểu học đánh giá có năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao.
Với những đóng góp và thành tích đó, nhiều năm qua khoa Tiểu học trường CĐSP Đà Lạt luôn được công nhận là tập thể lao động tiên tiến, công đoàn bộ phận xuất sắc, được BGH nhà trường, Sở GD-ĐT tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Bản thân cô giáo Nguyễn Thị Hảo dù với quan điểm “ưu tiên cho cán bộ, giáo viên cấp dưới”, nhưng cũng luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc, được UBND tỉnh tặng 1 Bằng khen, Bộ GD-ĐT tặng 2 Bằng khen về thành tích xuất sắc trong giáo dục-đào tạo và “Vì sự nghiệp giáo dục Miền núi”. Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn đối với người giáo viên gắn bó hết mình với ngành, với nghề. Nhưng với cô giáo Hảo, vinh dự, hạnh phúc lớn hơn chính là gia đình cô được đánh giá là gia đình nhà giáo hạnh phúc, bởi chồng cô giáo cũng là nhà giáo gắn bó hàng chục năm với sự nghiệp “trồng người” của Đảng-Nhà nước, anh là Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng cũng vừa được nhà nước cho nghỉ hưu, để cùng sắp đến với cô sẽ có những đóng góp mới cho sự nghiệp giáo dục nói riêng, sự nghiệp xây dựng cuộc sống phát triển phồn thịnh nói chung ở một vị trí mới, môi trường mới./.