Những ngôi nhà được sưởi ấm bằng tình yêu thương

09:11, 10/11/2011

Những đứa trẻ không cùng huyết thống, không quen biết được gắn kết với nhau trở thành anh em, chan hòa trong tình yêu thương như những đứa con cùng chung một mẹ.

Chúng tôi tới thăm Làng SOS tỉnh Lâm Đồng vào những ngày cuối tháng 10. Trong không gian thoáng đãng, 16 ngôi nhà mang tên 16 loài hoa đẹp đang chở che cho 260 đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Đứng đầu mỗi “gia đình” là một người “mẹ” chăm sóc từ việc ăn uống, sức khỏe đến quản lý học hành cho hơn chục đứa trẻ không do mình rứt ruột đẻ ra. Bằng tình yêu, trái tim nhân hậu và sự hy sinh cao cả, các chị đã làm tất cả công việc của một người mẹ. Những đứa trẻ không cùng huyết thống, không quen biết được gắn kết với nhau trở thành anh em, chan hòa trong tình yêu thương như những đứa con cùng chung một mẹ.
 
Quây quần nhặt rau giúp mẹ
Quây quần nhặt rau giúp mẹ

Đến thăm gia đình số 7 (Hoa Hướng Dương) của chị Nguyễn Thị Đào, tận mắt thấy không khí ấm cúng của một gia đình thật sự. Chị Đào về đây làm mẹ được 21 năm, bàn tay chị đã nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc hàng trăm đứa trẻ, nhỏ nhất mới vài tháng tuổi, lớn nhất 8 tuổi. Trước đây chị Đào là hiệu trưởng một trường mầm non ở Tp.Đà Lạt, yêu trẻ, chị muốn dành tình yêu thương của mình bù đắp cho những đứa trẻ trẻ kém may mắn. Sau nhiều tháng đấu tranh, chị Đào quyết định tình nguyện vào Làng trẻ SOS làm mẹ những đứa trẻ mồ côi. Ngày mới vào, khó khăn luôn vây kín một người phụ nữ chưa từng vướng bận. Vừa chăm lo cho hơn chục đứa con, vừa đi chợ nấu nướng, hướng dẫn học tập, huấn luyện nếp sống cho các con. Mới đầu các cháu gọi chị bằng mẹ chị cũng thấy ngượng, nhưng lâu rồi tiếng gọi thân thương ấy chính là tiếng gọi từ đáy lòng mang đến cho chị niềm vui. Chị Đào cho biết: “Điều khó khăn nhất là các con đều có hoàn cảnh đặc biệt, tự ti với cuộc sống, đòi hỏi người mẹ phải có sự công bằng tuyệt đối, phải sống bằng cả trái tim biết thương yêu”.

Thăm gia đình số 6 mang tên Hoa Đỗ Quyên, lúc này đã gần trưa, chúng tôi bắt gặp “mẹ” Nguyễn Thị Phước vừa đi chợ về đến nhà. Trên tay chị lỉnh kỉnh rất nhiều những bịch đồ ăn thức uống. Vừa tất bật chuẩn bị bữa trưa cho các con, chị vừa tranh thủ trò chuyện với khách. Trước đây chị Phước là y tá của Bệnh viện Lâm Đồng, tình thương dành cho những đứa trẻ bất hạnh đã đưa chị vào đây. Hơn 20 năm qua, chị đã dưỡng dục được 21 đứa con, 13 đứa đã trưởng thành, có công việc ổn định, có cháu đã thành gia thất, bây giờ gia đình của chị có 8 con, các cháu đều đi học cả. Mỗi tháng mỗi đứa con chỉ được cấp khẩu phần ăn hơn 300 ngàn đồng, trong lúc giá cả khó khăn này, hàng ngày chị Phước phải lên kế hoạch, mua thức ăn gì cho hợp với túi tiền vừa làm sao cho 8 đứa con ăn no và đủ chất. Là một người giỏi nghề may nên lúc các con đi học, chị Phước lại tranh thủ đem máy ra may quần áo cho các con. Nhìn cảnh ấy, chúng tôi xúc động đến nghẹn lời. Trong gia đình, các con có lứa tuổi khác nhau nên học các lớp khác nhau, đứa lớn kèm cho đứa nhỏ học bài. Ngoài giờ học, những đứa lớn giúp mẹ rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, các con đều ngoan, nghe lời mẹ. Mọi người trong nhà rất thương yêu nhau.

Đến thăm gia đình số 12 (Hoa Trà Mi) đúng lúc các em đang nhặt rau, vo gạo thổi cơm, nấu nướng giúp mẹ. Cháu Lưu Thị Xuân Thúy (13 tuổi) không nhớ mình vào đây từ khi nào, cháu chỉ nhớ: “Cháu lớn lên đã cảm nhận tình thương yêu của mẹ và có rất nhiều anh chị em bên cạnh. Cháu ước lớn lên sẽ trở thành doanh nhân thành đạt, có nhiều tiền để giúp đỡ những em bé mồ côi”. H’Đơk H’Wit cũng ước khi lớn lên mình sẽ giúp đỡ được nhiều người. Em Hơ Danh Hơ Đớc (một em bé người dân tộc Ê đê, bị cha mẹ bỏ rơi) có ước muốn trở thành một cô giáo để mang kiến thức đến các em có hoàn cảnh khốn khó. Sau một hồi chuẩn bị, bữa cơm gia đình cũng được dọn ra, các em ăn ngon lành, không khí đầm ấm, vui vẻ hiện diện trong từng ánh mắt con trẻ.

Cô Lê Nguyễn Tương Phúc - cán bộ giáo dục của Làng SOS cho biết: Sau 22 năm thành lập, làng SOS Đà Lạt đã nuôi dưỡng hơn 1.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, mồ côi được ăn học đến khi có thể tự lập thân lập nghiệp. Trong hoàn cảnh sống đó, bằng tình thương, trách nhiệm, các mẹ luôn hun đúc cho các em có ý chí không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập. Năm nào làng cũng có nhiều con tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Từ ngôi làng đặc biệt này, rất nhiều người đã trưởng thành, nhiều người đã tốt nghiệp đại học, công tác trên nhiều lĩnh vực tại các cơ quan nhà nước trong và ngoài tỉnh, và đã xây dựng gia đình. Vào ngày truyền thống của làng, những đứa con đã trưởng thành không quên tổ ấm đã cưu mang dưỡng dục họ nên người. Họ lại cùng nhau quy tụ về đây, chan hòa trong một gia đình lớn. Những người con thành đạt luôn dành một phần thu nhập hỗ trợ giúp đỡ các em nhỏ có cùng số phận giống mình như những đứa em ruột thịt.

Đến Làng trẻ SOS Đà Lạt một ngày thôi, sẽ cảm nhận được giá trị của cuộc sống là: Hãy cứ cho đi sẽ được nhận về. Các mẹ nâng đỡ, làm điểm tựa cho đàn con trưởng thành; đàn con mang đến cho mẹ niềm vui và hạnh phúc - Nơi đó chỉ có tình yêu thương!

THÁI AN