Phát triển sản xuất và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ

03:11, 17/11/2011

Xưởng dệt len Tài Hồng ở khu phố Sê Nhắc (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em trong khu phố.

Xưởng dệt len Tài Hồng ở khu phố Sê Nhắc (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em trong khu phố. Ít ai biết rằng, “bà chủ” của xưởng vốn là một phụ nữ nghèo, nhưng sau khi học nghề đan len công nghiệp ở Trung tâm dạy nghề Lâm Hà, chị đã mạnh dạn mở xưởng để phát triển sản xuất, đồng thời, tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ nghèo ở khu phố nghèo Sê Nhắc.
 
Nhiều chị em trong khu phố Sê Nhắc đã có cuộc sống ổn định từ việc dệt len
Nhiều chị em trong khu phố Sê Nhắc đã có cuộc sống ổn định từ việc dệt len

Vừa nói vừa chạy đi chạy lại chỉ dẫn cho chị em trong xưởng, chị K’Hồng – chủ xưởng dệt len Tài Hồng không giấu nổi niềm vui khi thấy nhiều chị trong khu phố đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình từ công việc dệt len tại xưởng. Là người dân tộc K’Ho, trước đây, chị K’Hồng chỉ biết hàng ngày lên nương rẫy trồng lúa. Mỗi năm, thu được mấy tạ lúa không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Những lúc xong mùa, thời gian nhàn rỗi chị không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Vốn có sở thích đan, móc len từ nhỏ, ngay khi Trung tâm dạy nghề Lâm Hà mở lớp nghề đan len công nghiệp, chị đăng ký tham gia ngay. Sẵn biết chút ít về đan len nên chị học rất nhanh, ngay sau khi học nghề xong, chị đã mạnh dạn đề nghị xin hỗ trợ 9 máy dệt len từ Chi cục phát triển nông thôn tỉnh để tập hợp chị em trong khu phố đến dệt len kiếm thêm thu nhập. Không có tiền để xây dựng nhà xưởng, chị lại vay vốn của ngân hàng để tự đầu tư một xưởng dệt len rộng hơn 30 m2. Sau đó, chị trao đổi với Trung tâm về việc muốn giúp chị em trong khu phố có việc làm ổn định, vì Sê Nhắc là khu phố có khoảng 70% là đồng bào DTTS, người dân chủ yếu trồng lúa và cà phê nên hết mùa không có việc gì để làm. Trung tâm dạy nghề Lâm Hà đã phối hợp với mặt trận và các đoàn thể trong khu phố vận động chị em tham gia lớp học nghề đan len công nghiệp để vào làm ở xưởng của chị K’Hồng. Nhiều chị đã đăng ký học và sau khi học xong có việc làm ổn định tại xưởng dệt len Tài Hồng.

Hiện nay, xưởng dệt len của chị K’Hồng luôn có từ 10 - 12 chị em tham gia dệt len, trong đó, khoảng 70% là phụ nữ DTTS. Chị K’Hồng nhận len từ Công ty TNHH Hồng Thái của Nha Trang nhưng có chi nhánh tại Đà Lạt đem về cho chị em trong xưởng dệt thành từng mảnh, sau khi dệt xong, chị kiểm hàng và nhập lại cho công ty lắp ráp thành áo len. Được hướng dẫn kỹ càng từ lớp học,  những sản phẩm của xưởng chị K’Hồng luôn đạt yêu cầu nên số lượng đặt hàng của công ty cho xưởng rất đều đặn. Vì vậy, chị em của xưởng luôn có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị đã cải thiện được cuộc sống gia đình, chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Tiêu biểu như chị K’Hà là người luôn có thu nhập cao của xưởng, mỗi tháng chị kiếm được 2,5 triệu đồng, có tháng lên tới 3 triệu đồng. Trước đây, chị K’Hà cũng chỉ làm nông, gia đình thuộc hộ nghèo. Sau khi được học nghề và có việc làm tại xưởng dệt len Tài Hồng, có công ăn việc làm ổn định nên kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn. Ba đứa con của chị cũng được học hành đầy đủ, chị còn sắm sửa được nhiều đồ dùng trong nhà mà trước đây không thể mua được như ti vi, xe máy… Cũng như chị K’Hà, trước khi học nghề chị K’Diêm cũng chỉ biết làm ruộng. Kinh tế khó khăn nên đứa con đầu phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Là người mới nhất của xưởng, tuy chỉ mới làm việc được 3 tháng nhưng với mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng, chị đã có thể cho 4 đứa con được học hành, cuộc sống gia đình chị cũng ổn định hơn.

Riêng chủ xưởng K’Hồng, không những kinh tế gia đình đã khá giả hơn, chị còn được thỏa đam mê đan, móc len từ nhỏ. Bên cạnh đó, chị còn có một niềm vui là đã tạo được công ăn việc làm ổn định cho nhiều chị em trong khu phố. Mong muốn lớn nhất hiện nay của chị K’Hồng là được hỗ trợ thêm vốn để mở rộng nhà xưởng, tạo thêm việc làm cho nhiều chị em hơn nữa.

TUẤN HƯƠNG