Hoa được tôn vinh như một sản phẩm làm nên cái hồn của du lịch Đà Lạt; đặc biệt, với danh hiệu “Thành phố festival hoa” duy nhất của Việt Nam, Đà Lạt đã có “hồn cốt” từ hoa – hoa du lịch.
Vẻ đẹp của hoa Đà Lạt luôn quyến rũ du khách |
Trong câu chuyện với cụ Ngô Văn Ngôn (10, Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt), tôi biết anh trai cụ, cụ Ngô Văn Bính, là một trong số vài mươi người đầu tiên của Hà Nội vào đây khai khẩn và lập nên làng hoa Hà Đông, Đà Lạt, từ những năm đầu 30 của thế kỷ trước. Cụ Ngôn và cụ Bính cho tôi xem một xấp tài liệu nói về quá trình lập ấp Hà Đông hơn 70 năm về trước, trong đó có đoạn: “Ngay từ khi mới nhậm chức, ông Trần Văn Lý (quản đạo đầu tiên của Đà Lạt) đã nhận thấy Đà Lạt là một vùng khí hậu mát mẻ, còn nhiều đất hoang chưa được khai phá và nhu cầu rau quả tươi sống của người Pháp ngày càng tăng lên là điều kiện để mở mang nghề trồng rau và hoa ở đây. Ông đã nêu sáng kiến về việc lập ấp trồng rau và hoa tươi cung cấp tại chỗ cho người Pháp tại Đà Lạt…”.
Sau hơn 70 năm hình thành làng hoa và chuyên sống bằng nghề trồng hoa và rau, làng hoa Hà Đông hiện đã có hơn 400 hộ chuyên sản xuất hoa với diện tích trên 50ha và chuyên trồng các loại hoa có giá trị cao như hoa hồng, cúc, cát tường, cẩm chướng, lily… Nói về thu nhập từ hoa, chưa biết xưa hơn giờ hay giờ hơn xưa, nhưng chúng tôi cứ thử nêu hai con số để mọi người cùng suy ngẫm: Xưa, để có một củ giống layơn, người ấp Hà Đông bỏ ra 4 xu tiền Đông Dương. Hai tháng sau, củ giống này cho hoa bán được 2 hào. Tính cả vườn khoảng một hecta thì thu được 400 đồng. Trong khi, giá một tạ gạo lúc đó chỉ 2 đồng. Còn bây giờ, cũng ở Hà Đông, theo báo cáo của tổ chức Hội Nông dân thì nhà vườn trồng hoa có thu nhập trên dưới 130 triệu đồng mỗi năm trên mỗi hecta. Tất nhiên, sự so sánh luôn có những khập khiễng. Riêng chuyện làng hoa Hà Đông hồi Festival hoa Đà Lạt lần thứ 3 (năm 2010) là làng hoa đầu tiên được UBND TP Đà Lạt ra quyết định công nhận là làng hoa đầu tiên và là làng nghề truyền thống của xứ sương mù là chuyện không có phép so sánh.
Ở xứ sở sương mù Đà Lạt, sau Hà Đông là những làng hoa mà ngày nay đã trở thành những cái tên rất quen thuộc với du khách như làng hoa Thái Phiên, làng hoa Vạn Thành, làng hoa An Sơn…
Bây giờ, những làng hoa ở Đà Lạt như Hà Đông, Vạn Thành, Thái Phiên, An Sơn… nói trên không chỉ trồng hoa mà còn là những làng du lịch, làng làm du lịch khá nổi tiếng. Những làng hoa làm du lịch ấy không chỉ là những làng hoa truyền thống mà nó, hoặc từ nó, còn là nơi sản sinh ra nhiều sản phẩm hoa độc đáo, rất độc đáo, của Đà Lạt như “hoa từ đất” (làm hoa từ đất sét), hoa sấy khô (hoa tươi sấy khô giữ được trên dưới 10 năm), hoa trên đá (hoa được trồng trên đá), các món ăn từ hoa…
Ông Nguyễn Vũ Hoàng - Tổng đạo diễn Festival hoa Đà Lạt 2012, cho biết: Festival hoa Đà Lạt lần thứ tư này sẽ diễn ra trong các ngày từ 30.12.2011 đến 3.1.2012 với 9 chương trình chính và 12 chương trình hưởng ứng. Đặc biệt, chủ đề festival hoa Đà Lạt năm nay vẫn xoay quanh “chuyện hoa” nhưng có điều khác hơn 3 lần tổ chức trước ở chỗ: Đây là năm đầu tiên Đà Lạt tổ chức festival hoa với tâm thế là một “Thành phố Festival hoa”. Và chính vì lý do này mà Ban Tổ chức đã chọn “Đà Lạt - thành phố festival hoa” làm chủ đề cho festival hoa lần thứ tư này. Tôi muốn nói thêm rằng, thực ra, danh hiệu “Thành phố Festival hoa” của Đà Lạt đã được đặt ra từ lần Festival hoa Đà Lạt 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; và đến nay (cuối tháng 11.2011), đề án “Thành phố Festival hoa” của Đà Lạt vừa được hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt. Nói cách khác, Festival hoa Đà Lạt 2012 được diễn ra với một tâm thế mới - tâm thế của một thành phố lần đầu tiên trong cả nước được công nhận danh hiệu “Thành phố Festival hoa”. Có thể xem Festival hoa Đà Lạt 2012 với chủ đề “Đà Lạt - thành phố festival hoa” chính là tiền đề để tiến tới kỷ niệm 125 năm ngày Đà Lạt hình thành và phát triển và hướng tới năm Du lịch quốc gia 2014. Trong 9 chương trình chính, “Những không gian hoa” và “Không gian hoa đẹp Festival hoa Đà Lạt 2012” được xem là hai chương trình tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho festval hoa Đà Lạt lần này. Cả hai chương trình được diễn ra trong suốt thời gian lễ hội (30.12.2011 – 3.1.2012) với nhiều “không gian” cụ thể như các không gian hoa hồ Xuân Hương, cầu Ông Đạo, đường hoa Lê Đại Hành, đồi hoa dại Vườn hoa TP Đà Lạt, đồi hoa hoài niệm Đà Lạt phía sân golf (do Hiệp hội Hoa Đà Lạt thực hiện trên diện tích 3,3ha, kinh phí hơn 9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa)… không chỉ là những điểm nhấn cần thiết mà còn là điểm mới đáng quan tâm của Festival hoa Đà Lạt 2012.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng nói với tôi rằng, trong tâm thế mới của Đà Lạt, Festival hoa lần thứ 4 này ngoài ý nghĩa đón chào (cũng có thể là “đón đầu”) sự kiện Đà Lạt được chính thức công nhận là “Thành phố festival hoa”, đây còn là tiền đề để tiến tới kỷ niệm 125 năm khai sinh Đà Lạt và cũng là hoạt động để hướng đến năm Du lịch quốc gia 2014.