Thanh niên buôn Go chung sức bảo vệ môi trường

04:11, 30/11/2011

Bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương là mong muốn của những thanh niên người dân tộc Mạ sinh sống tại buôn Go, huyện Cát Tiên.

Tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo, bảo vệ môi trường toàn quốc (tổ chức tại Huế vào tháng 9/2011), Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai của chi đoàn buôn Go (huyện Cát Tiên) đã được Trung ương Đoàn tuyên dương và trao tặng Bằng khen vì hiệu quả của “Mô hình thanh niên tiêu biểu bảo vệ môi trường”.
 
Suối Chuồng Bò đã ngày càng sạch hơn
Suối Chuồng Bò đã ngày càng sạch hơn

Bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương là mong muốn của những thanh niên người dân tộc Mạ sinh sống tại buôn Go, huyện Cát Tiên. Cuộc sống của người dân buôn Go và hàng trăm gia đình khác của huyện Cát Tiên luôn gắn liền với con sông Đồng Nai. Do đó, bảo vệ dòng sông chính là bảo vệ môi trường trong lành cho người dân nơi đây. Xuất phát từ ý tưởng đó, Đội Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường của chi đoàn buôn Go đã được thành lập vào năm 2009. Anh Điểu K’Viên - Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Cát Tiên, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích, cho biết: “Đội được thành lập với sự tham gia của 20 thanh niên trong buôn. Nhiệm vụ của Đội là thu lượm rác tại suối Chuồng Bò dài khoảng 500 m nối liền với sông Đồng Nai và vận động người dân và các tổ chức không hút cát tại khu vực sông bị sạt lở”.

Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm thì Đội đã gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Trước đây, ý thức của người dân rất kém, một lượng lớn rác sinh hoạt hàng ngày của các hộ kinh doanh và sống gần suối đều đổ thẳng xuống suối. Do đó, rác và nhất là bịch ni - lông trôi đầy suối. Ngoài nhiệm vụ thu gom rác, Đội còn phải ra sức tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân ký cam kết không đổ rác ra suối. Mưa dầm thấm lâu, từ từ người dân cũng có chuyển biến nên dòng suối đã ngày càng sạch hơn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay mà Đội chưa thể làm được đó là ngăn chặn việc hút cát trên đoạn sông dài khoảng 700 m do Đội nhận bảo vệ.. Đây là đoạn sông đã bị sạt lở nghiêm trọng và huyện đã có chỉ đạo không cho hút cát. Thế nhưng, đôi khi vẫn có xuồng máy hoặc sà lan đến hút cát. Khi Đội ra yêu cầu họ không hút nữa thì đều nhận được sự phản kháng, nhiều khi còn dẫn đến xô xát. “Cái khó của Đội chính là thiếu các văn bản chính thức về việc cấm hút cát. Khi phát hiện vi phạm, Đội chỉ “nói suông” và thông báo cho chính quyền địa phương can thiệp. Sắp tới, nếu có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì hoạt động của Đội trong việc bảo vệ dòng sông sẽ thuận lợi hơn”  - anh Điểu K’ Viên cho biết thêm.

Không chỉ tạo sự chuyển biến đối với những hộ dân sống gần suối, từ khi thành lập đến nay, Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường còn “kiêm” luôn nhiệm vụ tuyên truyền để người dân tại buôn Go bảo vệ môi trường sống xung quanh. Trước đây, người dân trong buôn rất ít quan tâm đến vấn đề môi trường. Vào những dịp họp buôn, anh em trong Đội cũng tranh thủ tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung của buôn. Nhờ đó, đến nay, gia đình nào cũng đã có ý thức thu gom rác bỏ vào thùng rác riêng của từng hộ và giữ đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp. Anh Điểu K’Khu - thành viên của Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, chia sẻ: “Hầu hết anh em đều tham gia trên tinh thần tự nguyện. Bất cứ khi nào có việc là đi, không kể công lao, ngày giờ. Điều khiến tôi vui nhất chính là nhìn thấy làng xóm mình ngày càng sạch đẹp, tránh được mùi hôi, tránh được bệnh tật”.

Buôn Go hiện tại có 56  hộ với 241 nhân khẩu. Hai năm vừa qua, buôn Go liên tục được công nhận là buôn văn hóa. Có thể nói, không chỉ 20 anh em trong Đội Thanh niên xung kích mà hơn 200 thanh niên nam nữ trong buôn đều có ý thức bảo vệ môi trường, làm cho môi trường sống ngày càng trong lành hơn. Đó chính là hiệu quả rõ nét nhất mà Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường đã làm được. Anh Điểu K’Viên cho biết: “Khi tham dự Liên hoan tại Huế, tôi thấy các đơn vị bạn làm công tác bảo vệ môi trường thường xuyên hơn, trong khi đó, ở địa phương mình chỉ mới có làm được 2, 3 đợt mỗi năm. Mong muốn của Đội là tổ chức hoạt động thường xuyên hơn để tác động mạnh hơn đến ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các tổ chức, cá nhân đang thực hiện việc hút cát trên sông Đồng Nai”.

HỮU SANG