Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực.
Đường vào xã Đoàn Kết (Đạ Huoai) đã được thảm nhựa phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bà con DTTS |
Ông K’Brêu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU, UBND tỉnh đã có Quyết định số 510/QĐ- UBND “Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU” giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, từng ban ngành thực hiện đầu tư phát triển KT-XH tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có đông dân cư là đồng bào DTTS. UBND các huyện, thành cũng đã có từng bước cụ thể hóa Quyết định 510/QĐ-UBND bằng việc lồng ghép với nghị quyết phát triển KT-XH và chương trình hành động của địa phương.
Cùng với việc triển khai các chương trình phát triển KT-XH chung của cả tỉnh như đầu tư hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ… việc đẩy nhanh triển khai các chương trình mục tiêu dành riêng cho vùng đồng bào DTTS cũng đã được Ban dân tộc, các sở, ngành phối hợp với chính quyền các cấp từ huyện thành tới cơ sở triển khai đồng bộ và nhất quán. Cụ thể: Chương trình 132 (giai đoạn 2) từ 2006 tới nay đã đầu tư 328,5 tỷ đồng (các số liệu đều quy tròn) để thực hiện các hợp phần hỗ trợ sản xuất (48,2 tỷ đồng), xây dựng cơ sở hạ tầng (177,7 tỷ đồng), đào tạo cán bộ cơ sở cộng đồng (12,6 tỷ đồng), hỗ trợ cải thiện dịch vụ nâng cao đời sống và trợ giúp pháp lý (73,6 tỷ đồng) và xây dựng trung tâm cụm xã (16,5 tỷ đồng; từ năm 2008, Chương trình Định canh - định cư theo Quyết định 33 đầu tư 15 tỷ đồng để ổn định đời sống cho 400 hộ DTTS và hỗ trợ các công trình hạ tầng thiết yếu cho 2 điểm tập trung và 13 điểm xen ghép định canh - định cư cùng với 71, 4 tỷ đồng để ổn định cuộc sống của 4.331 hộ tại 4 dự án ổn định dân di cư tự do thuộc Chương trình 193; Chương trình 134 và Chương trình 167 đã đầu tư 81 tỷ đồng xây dựng 10.874 căn nhà cho hộ DTTS diện nghèo khó, hỗ trợ thi công 5.484 công trình cấp nước sinh hoạt (trong đó có 111 công trình cấp nước tập trung) và khai hoang 997,5 ha đất cấp cho 1.421 hộ..; Cùng thời gian này nguồn vốn thuộc Chương trình 661 cũng chi 133,5 tỷ đồng để giao khoán bảo vệ 592. 422 ha rừng cho 23.697 hộ bà con DTTS.
Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn hàng chục ngàn lượt hộ DTTS có khó khăn đã được vay khoảng 450 tỷ đồng vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tu bổ nhà ở…
Chương trình 30a và Chương trình Xây dựng nông thôn mới tuy mới được triển khai, và bà con DTTS đang là những người được trực tiếp hưởng lợi lớn từ các chương trình này. Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, trong 2 năm 2009-2010 Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã đầu tư cho các xã điểm 44,42 tỷ đồng, Đề án 30 đầu tư huyện Đam Rông, và 16 xã, 94 thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao 178 tỷ đồng, đã có 20.000 lượt hộ nghèo là đồng bào DTTS được nhận hỗ trợ trực tiếp từ Đề án 30a với bình quân 4,5 triệu đồng/ hộ; Xây dựng hệ thống chính quyền vùng DTTS và đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng cũng đã được đầu tư kinh phí trên 55 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng để đào tạo 3.382 lượt cán bộ quản lý, 960 lượt đại biểu HĐND, 16.745 lượt cán bộ cấp xã, 17.859 lượt cán bộ cấp thôn buôn.
Với các nguồn đầu tư to lớn này (bình quân 150-200 tỷ đồng/ năm), Ban Dân tộc tỉnh cho rằng các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH mà UBND tỉnh đề ra tại Quyết định 510/ QĐ-UBND: vùng DTTS đã có đủ các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm; sản xuất bước đầu đã phát triển, cây trồng và vật nuôi tăng đều hàng năm cả về số lượng- sản lượng- chất lượng… đưa thu nhập bình quân lên 15.000 triệu đồng/ người/ năm (đối với đồng bào DTTS); nguồn nhân lực trong vùng ngày càng được quan tâm, tập trung phát triển, đội ngũ cán bộ là người DTTS được đào tạo và nâng cao năng lực đã đảm nhiệm khá tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, hiện tại sản xuất nông nghiệp trong vùng vẫn chưa thực sự bền vững và chưa gắn với tiêu thụ, cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu…
Vì vậy, giai đoạn từ nay tới cuối 2015, để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% (theo tiêu chí mới) việc phát huy tinh thần làm chủ tự vươn lên của đồng bào DTTS, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cơ sở sẽ được quan tâm hơn.