“Sống như thế nào chứ không phải sống bao lâu!”. Với phương châm sống đó, anh Võ Đăng Thái Bình đã tình nguyện đăng ký hiến mô tặng cho mọi người nếu như một ngày nào đó anh không còn nữa.
Anh Võ Đăng Thái Bình vừa nhận bằng khen tôn vinh gương mặt điển hình cán bộ CTĐ của Trung ương Hội cùng chụp ảnh lưu niệm với TS Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội CTĐVN. |
Tin vui đến với anh Bình khi được chọn là 1 trong 65 điển hình cán bộ CTĐ tiêu biểu của cả nước được tôn vinh tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/2011) tại Hà Nội. Trải qua 16 năm làm công tác từ thiện nhân đạo, anh Bình đã gặt hái nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt, anh đã từng được bầu chọn là gương thanh niên điển hình xuất sắc về sống gương mẫu.
Anh Bình đã 20 lần hiến máu tình nguyện. Từ khi còn là sinh viên Trường Trung cấp Y tế Lâm Đồng, những lần thực tập ở bệnh viện, anh không ngần ngại hiến máu phục vụ cho cấp cứu bệnh nhân. Khi về công tác ở Hội CTĐ Đà Lạt, đều đặn 1 năm 2 lần anh hiến máu và xem như bổn phận của mình không phải đắn đo suy nghĩ thiệt hơn. Anh khoe chiếc thẻ đăng ký “Hiến mô –Quà tặng sự sống” do Phòng thí nghiệm vật liệu sinh học – Ngân hàng mô Tp HCM, Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch Tp HCM cấp ngày 14/7/2010 để hiến các bộ phận thân thể ghép cho người còn sống và kể rằng: “Để có chiếc thẻ này, tôi phải liên hệ bệnh viện và được bệnh viện Tp.HCM làm các thủ tục thẩm định, xác nhận hơn 1 năm vì cứ nghĩ là mình tâm thần không ổn định!”.
Kể cũng lạ, một người còn trẻ trung, 38 tuổi, lạc quan yêu đời, sống năng động và chịu khó lại có thể “xả thân vì cộng đồng” đến thế! Điều ấy khiến tôi tò mò:
* Anh sống thế nào để được danh hiệu là tuổi trẻ sống đẹp?
-Với tôi là: Sống như thế nào chứ không phải sống bao lâu! Sống như thế nào là quan trọng. Sống hết lòng, hết mình, có ích một chút cho đời. Với việc hiến xác tôi nghĩ nhiều sinh viên ngành y đang rất cần xác để thực tập trước khi trở thành bác sĩ giỏi.
* Làm được điều đó có khó không?
- Dĩ nhiên là khó. Mình phải đấu tranh giữa cái cá nhân và lợi ích chung của tập thể.
* Anh dành bao nhiêu thời gian cho công tác xã hội từ thiện?
- Giờ hành chính và khi nào mọi người cần. Còn phải dành thời gian để kiếm sống chứ lương làm sao đủ!?
* Vấn đề của cuộc sống, cơm áo, gạo tiền với anh như thế nào?
- À, thì mình làm việc nhiều hơn một tí. Hơn 10 năm nay, sáng chủ nhật nào tôi cũng cộng tác ở Nhà thiếu nhi trong tổ kỹ năng hoạt động Đội, rèn tổ chức kỷ luật cho đội nghi thức. Rồi huấn luyện dã ngoại, tổ chức trò chơi, giáo dục kỹ năng sống. Nói chung là tôi mê chơi và qua chơi để kiếm tiền.
* Nghĩa là chúng ta không có nhiều tiền cũng có thể làm nhiều việc tốt?
-Đúng vậy! Không có tiền vẫn làm từ thiện được: góp công, kiến thức, hiểu biết, tay nghề…Vì vậy, cán bộ CTĐ dựa vào sức mạnh cộng đồng và lấy hiệu quả công việc của mình để thuyết phục cộng đồng. Hội CTĐ làm cầu nối kết nối trực tiếp các nhà từ thiện đến với người nghèo. Bây giờ, có nhiều nhà từ thiện tin cậy giao tiền cho chúng tôi vì nhiều lần Hội CTĐ tổ chức cho họ đến tận nơi, thấy được từng hoàn cảnh khó khăn, hiểu được công việc của chúng tôi, họ cho nhiều hơn và tin tưởng hơn vào cán bộ CTĐ.
* Việc làm từ thiện nào anh nhớ nhất?
-Đó là dự án việc làm cho người khuyết tật ở Đà Lạt do tôi phụ trách. Nhờ dự án này tôi biết được nhiều người, thăm nhiều nhà, biết được nhiều hoàn cảnh người khuyết tật cần giúp đỡ. Tôi luôn mong muốn nhiều người đóng góp làm nhiều việc thiện để giúp cho nhiều người nghèo bớt nghèo và giảm khoảng cách giàu nghèo lại.
Chỉ là “vài lát cắt nhỏ” trong cuộc trò chuyện, bạn sẽ thấy cuộc sống quanh ta có những người trẻ, không giàu có về vật chất nhưng rất giàu lòng nhân ái, sẵn sàng hiến máu, tình nguyện hiến xác và làm được nhiều việc có ích cho xã hội.