Ngoài đam mê nghề nghiệp, nét nổi bật đáng quý ở cô là tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những học trò nghèo khó, khuyết tật…
Cô giáo Thu chuẩn bị thăm, tặng quà học sinh nghèo. |
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 1989, Nguyễn Thị Thu được tổ chức phân công về giảng dạy tại Trường THCS Đạ Sar (huyện Lạc Dương). Sau bốn năm đóng chân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, năm 1993 xây dựng gia đình riêng, cô chuyển về huyện Đức Trọng và tiếp tục công tác cho đến nay.
Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Bình Sa, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), bố cùng hai anh, chị ruột tham gia du kích và hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ, mẹ là cơ sở cách mạng, nhiều năm bí mật nuôi giấu cán bộ, bị địch phát hiện bắt giam, tra tấn dã man vẫn một mực kiên trung không khai báo, sau giải phóng được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba; danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”, cô giáo Thu luôn tâm niệm đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà, đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài đam mê nghề nghiệp, nét nổi bật đáng quý ở cô là tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những học trò nghèo khó, khuyết tật, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho các em vươn lên, nỗ lực hoàn thiện chương trình đào tạo bậc phổ thông, làm cơ sở chuẩn bị hành trang vào đời trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đã thành thông lệ trong lịch trình công tác, cứ đầu mỗi năm học mới, sau khi nhà trường ổn định tổ chức, đi vào quỹ đạo dạy và học, sau giờ lên lớp, cô tranh thủ liên hệ với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, tổng hợp tất cả những học sinh gặp khó khăn về kinh tế hoặc tật nguyền bẩm sinh, báo cáo Ban Giám hiệu đề xuất cho chủ trương vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ trên tinh thần tương thân tương ái, không để các em phải thất học vì phận nghèo. Gần hai mươi năm qua, bóng dáng một cô giáo mảnh mai không quản đường sá xa xôi cách trở, lần theo địa chỉ lặn lội đến từng mái nhà đơn sơ đang tá túc những mảnh đời khổ hạnh để tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó về liên hệ các tổ chức, cá nhân giang rộng vòng tay tiếp sức cho các em đến trường trở thành hình ảnh quen thuộc đối với bà con dân cư trong vùng. Nghĩa cử cao đẹp của cô đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của Hội đồng Sư phạm nhà trường, Hội Phụ huynh và nhiều cơ quan, đơn vị chung tay góp sức, từ chiếc xe đạp, xe lăn, sách, vở, bút, mực đến tiền bạc, giúp cho hàng trăm học sinh nghèo hiếu học duy trì đều đặn cùng bạn bè thường xuyên lên lớp, như trường hợp của Lâm Kim Phi, học sinh lớp 12, được quỹ từ thiện nhà trường chu cấp mỗi tháng 300 ngàn đồng để trang trải suốt hai năm qua, nếu không em đã phải bỏ học nửa chừng.
Từ năm học 2001 - 2002 đến nay, trung bình mỗi khóa, nhà trường nhận được trên 50 triệu đồng tiền mặt đóng góp của các nhà tài trợ, chưa kể nhiều hiện vật có giá trị phục vụ học tập, sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống, nhờ đó không ít em đã tốt nghiệp phổ thông, thi vào các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp, ra đời đủ khả năng lập nghiệp mưu sinh, giảm bớt lo toan, gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Công sức của cô Nguyễn Thị Thu đã được các cấp, các ngành ghi nhận: Huy chương “Vì thế hệ trẻ”; huy chương “Tổng phụ trách giỏi”; kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Tận tâm, tận tụy “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đảm việc nhà, say mê việc chung, trái tim nhân hậu của nữ nhà giáo vùng cao đang từng ngày sưởi ấm những tâm hồn trẻ thơ nghèo khó, nâng bước chân các em nỗ lực tiến về phía trước, mai sau vững bước vào đời.