“Trường học” của lao động nông thôn ở Lâm Hà

03:11, 17/11/2011

Trung tâm dạy nghề Lâm Hà đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân địa phương, giúp cho người lao động tiếp cận được KHKT và áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại gia đình, từng bước nâng cao hiệu quả.

Hơn 2 năm nay, lao động nông thôn ở huyện Lâm Hà đã có một “trường học” dành riêng cho mình, đó là Trung tâm dạy nghề Lâm Hà. Đặc biệt, sau khi Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai thực hiện, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân địa phương, giúp cho người lao động tiếp cận được KHKT và áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại gia đình, từng bước nâng cao hiệu quả.
 
Nhiều lao động nông thôn ở Lâm Hà được đào tạo nghề để có công ăn việc làm ổn định
Nhiều lao động nông thôn ở Lâm Hà được đào tạo nghề để có công ăn việc làm ổn định

Trung tâm dạy nghề Lâm Hà được thành lập từ tháng 10/2007, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như về đội ngũ giáo viên. Qua hơn 4 năm hoạt động nhưng Trung tâm vẫn chưa có trụ sở làm việc và các phòng học, phương tiện dạy nghề còn hạn chế. Vì vậy, việc dạy nghề cho nông dân chủ yếu là tổ chức các lớp học lưu động ngay trong vườn của nông dân. Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực hết mình, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đã tồ chức đào tạo được 73 lớp nghề cho 2.038 học viên. Trong đó, lớp nghề trồng và chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê được nhiều nông dân tham gia nên Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp học nhất, với 25 lớp cho 765 học viên. Ngoài ra, các lớp học nghề khác cũng thu hút nhiều người như lớp nghề móc len 16 lớp với 447 học viên, lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp 13 lớp với 343 học viên, lớp nghề mây tre đan 6 lớp với 170 học viên, lớp nghề đan len công nghiệp 6 lớp với 118 học viên, lớp nghề kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm 4 lớp với 123 học viên, lớp may công nghiệp 2 lớp với 35 học viên, lớp nghề chăn nuôi 1 lớp với 37 học viên. Là địa phương có diện tích cà phê tương đối lớn, việc trồng và chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê đúng kỹ thuật được nhiều nông dân ở Lâm Hà quan tâm. Qua các lớp dạy nghề này, nhiều nông dân đã áp dụng vào vườn cà phê của mình, từ đó, chi phí đầu tư đã giảm bớt nhưng năng suất và hiệu quả đem lại vẫn cao. Đặc biệt, nông dân đã chủ động trong việc cải tạo vườn cà phê, chuyển đổi giống mới có chất lượng cao. Không những vậy, nông dân trồng cà phê đã biết cách canh tác đúng kỹ thuật, dùng phân bón vi sinh để cải tạo đất… Những lớp học lưu động và thực hành ngay ngoài vườn đã giúp nông dân biết cách tạo tầng, tạo tán cho cây để đạt năng suất cao. Các lớp nghề kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cũng đã giúp người dân chủ động được nguồn lá dâu cho tằm ăn, đồng thời, biết cách ngăn ngừa các bệnh thường gặp do vi khuẩn gây ra trên con tằm.

Bên cạnh những ngành nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, Trung tâm còn đào tạo các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động sau khi học nghề có thêm thu nhập. Nhiều lao động thông qua học nghề đã tự tạo được việc làm, giải quyết được vấn đề khó khăn về kinh tế của bản thân và gia đình, như K’Las là một thanh niên dân tộc K’Ho, trước đây K’Las không có việc làm, gia đình K’Las thuộc hộ nghèo, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi đăng ký tham gia học lớp nghề hàn tiện, nhà nghèo nên K’Las không có phương tiện đi lại, Trung tâm đã hỗ trợ cho K’Las một chiếc xe đạp để đi học nghề. Sau khi học nghề xong, K’Las đã có việc làm ổn định tại một cửa hàng kỹ nghệ sắt ở thị trấn Đinh Văn. Hiện nay, với mức thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, K’Las đã sắm được một chiếc xe máy phục vụ cho việc đi lại làm việc, đồng thời, phụ giúp được cha mẹ nuôi các em ăn học, kinh tế gia đình nhờ vậy cũng đã ổn định hơn. “Nhờ học nghề ở Trung tâm nên em đã có một nghề để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình, em rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm và hỗ trợ để những người nghèo như em có cuộc sống ổn định hơn” K’Las tâm sự. Rồi trường hợp của K’Beo, K’Hoa, K’Chiến… cũng thông qua học nghề ở Trung tâm đã có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được ban hành là một chính sách đúng đắn, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Lâm Hà bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn có cơ hội tham gia học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là đối tượng lao động nông thôn là người đồng bào DTTS và hộ nghèo”, ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Lâm Hà cho biết.

TUẤN HƯƠNG