Uống nước nhớ nguồn - biết ơn thầy cô!

04:11, 16/11/2011

Ở nước ta có nhiều bậc thầy cao quý như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai… đã làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta.

Dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Từ thời phong kiến, người Thầy đã có vị trí xã hội rất cao. Ca dao xưa có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Người thầy luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực, có sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho các thế hệ học trò, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người thầy. Người chỉ rõ: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng XHCN và Cộng sản chủ nghĩa. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Ở nước ta có nhiều bậc thầy cao quý như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai… đã làm rạng danh đất nước ta, dân tộc ta. Ngày nay, có biết bao nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và hàng triệu giáo viên khác - những người đang mang tâm huyết, trí tuệ, không quản khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Vì vậy, tôn vinh người thầy đã trở thành đạo lý, thành tình cảm tự nhiên của mỗi người. Nét đẹp “tôn sư trọng đạo” đã được các thế hệ kế thừa, vun đắp bằng những thể hiện trong các chủ trương chung cũng như những việc làm cụ thể hàng ngày.

Truyền thống hiếu học của nhân dân ta từ xưa đến nay cũng như  những thành tựu giáo dục của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của lớp lớp nhà giáo đã dùng tri thức của mình hun đúc nên. Dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ngành giáo dục cũng đang tăng cường các thiết bị hiện đại, tiên tiến nhưng người thầy vẫn là yếu tố quyết định nhất tới tầm vóc của các trường học nói riêng, của ngành giáo dục nói chung. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều vất vả nhưng các nhà giáo vẫn giữ vững tài đức, trở thành tấm gương sáng cho mọi thế hệ học trò, tiếp tục góp sức trong xây dựng chính sách chung để phát triển giáo dục, góp phần đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ra Quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây chính là dịp quan trọng để tình cảm thiêng liêng dành cho thầy cô được thể hiện. Những cánh hoa tươi thắm, những cánh thiệp chúc mừng… Thời đi học chợt hiện về, lung linh những sắc màu kỷ niệm… Với nhiều thầy cô giáo, ngày 20/11 là một ngày đặc biệt vì được gặp mặt học trò cũ để ôn lại những kỷ niệm đã qua…

Những thành tựu mà giáo dục nước nhà đạt được cho đến nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của bao thế hệ nhà giáo. Nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới mạnh mẽ. Đội ngũ hơn một triệu giáo viên, giảng viên của cả nước với tâm huyết, năng lực, ý thức trách nhiệm và tinh thần nỗ lực đang là động lực to lớn tạo ra sự chuyển biến phát triển nền giáo dục Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin hướng về thầy cô với tấm lòng thành kính, biết ơn. Những thế hệ học trò hôm qua, hôm nay đã, đang và sẽ luôn luôn khắc ghi trong lòng đạo lý Uống nước nhớ nguồn - mãi mãi biết ơn thầy cô!

BÌNH NGUYÊN