Xây dựng khuôn mẫu cho trường học

03:11, 13/11/2011

Tính đến cuối tháng 9/2011, toàn tỉnh đã có 121/658 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đây là những khuôn mẫu cho các trường học trong tỉnh hướng đến về nhiều mặt: cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chất lượng giáo dục, tổ chức và quản lý

Tính đến cuối tháng 9/2011, toàn tỉnh đã có 121/658 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đây là những khuôn mẫu cho các trường học trong tỉnh hướng đến về nhiều mặt: cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chất lượng giáo dục, tổ chức và quản lý.
 
Lễ đón nhận Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở Đức Trọng
Lễ đón nhận Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở Đức Trọng

Điểm thuận lợi trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Lâm Đồng  trong thời gian qua chính là việc tỉnh đã cơ bản hình thành một hệ thống trường lớp từ Mầm non đến phổ thông khá phù hợp ở các địa bàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh các cấp.  Cùng đó, sự góp sức của các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135 dành cho các xã đặc biệt khó khăn, Chương trình 159 kiên cố hóa trường học, Chương trình 168 về  phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên; các dự án phát triển GD cũng góp phần lớn cho việc xây dựng các trường đạt chuẩn trên địa bàn. Đội ngũ CB, GV, CNV ở các đơn vị trường học ổn định về số lượng, chất lượng khá đảm bảo, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị trường học cũng dần được nâng cấp, đảm bảo nhu cầu dạy và học; chất lượng GD, hiệu quả đào tạo ngày càng được nâng lên. Công tác xã hội hóa GD của tỉnh cũng phát triển mạnh, huy động được sự đóng góp, hỗ trợ tích cực thêm nguồn lực cho sự nghiệp chung.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông của tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo đến cấp huyện, thành phố;  hằng năm, Sở GD-ĐT Lâm Đồng tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngành chú trọng đưa GV đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn và nâng chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tăng cường cho các đơn vị xây dựng trường chuẩn. Ngành cũng bố trí đội ngũ GV dạy giỏi, tăng cường số lượng GV về các trường để đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Đến nay, GD Lâm Đồng đã có tỷ lệ GV đạt chuẩn khá cao: Mầm non đạt chuẩn trên 83,4 % (trên chuẩn: 30,9%); Tiểu học đạt chuẩn: 99,4% (trên chuẩn: 68,72%); THCS đạt chuẩn: 99,7% (trên chuẩn: 59,1%); THPT đạt chuẩn: 99,9% (trên chuẩn: 4,01%). Tỷ lệ giáo viên/ lớp ở tiểu học đạt 1,22 GV/lớp; THCS đạt 1,84 GV/lớp; THPT đạt 2,05 GV/lớp.

Ngành GD-ĐT hằng năm đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý GD cho các trường học trong tỉnh, tổ chức lớp đào tạo GV đạt chuẩn trình độ sư phạm cho GV Mầm non, Tiểu học; tổ chức bồi dưỡng hiệu trưởng các trường phổ thông cho 386 công chức, viên chức; bồi dưỡng chương trình đổi mới quản lý giáo dục (SREM) cho hơn 700 lượt cán bộ quản lý và GV; tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, các hội thảo chuyên đề, giao lưu cán bộ quản lý giỏi...

Việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cũng được chú trọng. Trên cơ sở điều tra thực trạng GD của từng trường, ngành xây dựng kế hoạch, phân bổ kinh phí tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất cho trường đạt chuẩn quốc gia bằng nhiều nguồn vốn. Cùng đó, nhiều địa phương cũng tăng cường đầu tư cho các trường chuẩn trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những bất cập trong việc xây dựng trường chuẩn. Trước nhất, nhiều cấp quản lý GD vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu trong tổ chức quản lý xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa phương mình, lúng túng trong xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; công tác tham mưu, phối kết hợp với các cấp chính quyền chưa tốt nên chưa huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho GD. Ở một số trường, nhất là trường vùng dân tộc, chất lượng GD còn khoảng cách khá lớn so với tiêu chuẩn cần đạt được của trường chuẩn, tỉ lệ học sinh khá giỏi còn thấp; tỉ lệ  học sinh yếu kém, học sinh lưu ban, bỏ học còn cao; công tác duy trì sĩ số học sinh bậc trung học ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. 

Một trong những khó khăn lớn nhất cho trường chuẩn là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, Nhiều trường không đủ định mức diện tích khuôn viên trường học trên mỗi học sinh, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học; các trường vùng đô thị học sinh còn đông. Trong xã hội hóa GD, nơi kinh tế phát triển có thuận lợi hơn so với những vùng còn khó khăn, vùng dân tộc.

Tính đến cuối  tháng 9/2011, toàn tỉnh đã có 127/658 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 19,3%), trong đó Mầm non có 24/200 trường , tỷ lệ 12%; Tiểu học có 89/251 trường, đạt 35,45%; Trung học cơ sở (THCS) có 11/149 trường, tỷ lệ 7,38%; THPT có 3 /58 trường đạt, tỷ lệ  5,17%.
 
Trong thời gian đến, (từ 2011 đến  2015) ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Trong Mầm non, đến năm 2014  hầu hết các huyện, thành phấn đấu có trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có một trường chất lượng cao trọng điểm để làm mô hình chuẩn thực hiện các chuyên đề đổi mới phương pháp GD, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học. Đến năm 2015, có 50% trường Mầm non trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia, trong đó 10% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Với cấp Tiểu học, đến năm 2015 phấn đấu 159 trường đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ  63,3%, trong đó số  trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 22. Với cấp Trung học, đến năm 2015 sẽ có 52 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (công nhận lại 6 trường THCS) chiếm tỷ lệ 40%; 25 trường THPT  đạt chuẩn (công nhận lại 1 trường THPT), tỉ lệ 45,6%. 

Ngành GD sắp đến sẽ tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra các trường, các phòng GD  trong việc xây dựng trường đạt chuẩn, trong duy trì kết quả đạt chuẩn; hằng năm có sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm. Ngành cũng cho biết sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi Quyết định và Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với những trường đã được công nhận nhưng không giữ vững và phát huy kết quả đạt được.

Viết Trọng - Quý Dực