Xây dựng nông thôn mới từ sự đồng lòng

09:11, 23/11/2011

Sự đồng lòng, hợp sức của cơ quan chức năng từ tỉnh, tới cơ sở cùng với sự hưởng ứng của người dân, đã tạo ra diện mạo nông thôn mới.

Sau chặng đường xây dựng nông thôn mới, sự đồng lòng, hợp sức của cơ quan chức năng từ tỉnh, tới cơ sở đến sự hưởng ứng của người dân đã tạo ra nhiều hiệu quả, thay đổi diện mạo nông thôn.
 
Lãnh đạo Trung ương, địa phương nhiều lần đến Tân Hội chỉa đạo, kiểm tra việc triển khai xây dựng nông thôn mới
Lãnh đạo Trung ương, địa phương nhiều lần đến Tân Hội chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai xây dựng nông thôn mới

Ông Phạm Kim Khang- UVBTV Tỉnh Ủy, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng

19 tiêu chí xây dựng thôn mới đều liên quan đến công tác tuyên truyền vận động quần chúng của MTTQ và các thành viên. Nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận là: Huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa, phát huy nội lực, huy động công sức, cơ sở vật chất cho xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt cần khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của nhân dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; ổn định an ninh trật tự khu vực nông thôn; tổ chức phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới kết hợp lồng ghép với các phong trào thi đua trọng tâm khác như: mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn nông thôn, gắn với xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã phường đạt chuẩn văn hóa.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là phong trào thi đua yêu nước của thời kỳ đổi mới đất nước, đổi mới công tác Mặt trận. Đây là cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện,“ đúng ý Đảng, hợp lòng dân”. Nội dung cuộc vận động gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2012 và những năm tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Tỉnh xác định tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động này theo từng vùng dân cư.

Ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thức rõ việc xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, có kết cấu hạ tầng hiện đại, môi trường sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa…

Từ nhận thức đó, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị trong ngành tập trung vào việc xây dựng các mô hình nông nghiệp tốt nhất, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với từng địa bàn để khuyến khích nông dân triển khai thực hiện với mong muốn làm sao cho người nghèo giàu lên, người giàu ngày càng giàu thêm. Riêng với mô hình thí điểm xây dựng NTM tại xã Tân Hội, đến nay đã xây dựng được 16 mô hình sản xuất rau hoa công nghệ cao, 19 mô hình sản xuất nấm mèo, vận động chuyển 130 ha đất lúa 1 vụ sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân từ 16 triệu đồng lên 19 triệu đồng/năm.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đến nay Chương trình Xây dựng NTM ở Lâm Đồng đã nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân, đồng thời phát huy tinh thần lao động cần cù, dám nghĩ, dám làm, khai thác có hiệu quả lợi thế trong việc chuyển đổi cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lê Chinh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Giao thông nông thôn là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng nông thôn, đồng thời là một trong 19 tiêu chí NTM. Trên cơ sở Đề án xây dựng NTM ở xã Tân Hội được duyệt và hướng dẫn cơ chế đặc thù quản lý đầu tư và xây dựng thí điểm mô hình NTM, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đã ban hành thiết kế mẫu và cung cấp các tài liệu có liên quan, đồng thời phối hợp với UBND xã Tân Hội xây dựng cơ chế huy động vốn từ các nguồn lực trong cộng đồng dân cư theo nguyên tắc tự nguyện với phương châm “Nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.

Theo đó, đến nay xã Tân Hội đã triển khai thi công được 34 tuyến đường với tổng chiều dài 37km; tổng kinh phí gần 28,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 5,6 tỷ đồng. Từ những kết quả đạt được ở xã điểm Tân Hội (Trung ương chọn) và 11 xã điểm (tỉnh chọn), đã có một số mô hình làm đường giao thông khá tốt, nhờ triển khai cơ chế thực hiện quản lý đầu tư xây dựng công trình nên phát huy được quyền làm chủ của nhân dân (người dân được bàn bạc, tự quyết định, tự mua vật tư, vật liệu, trực tiếp thi công…).

Ông Trần Duy Việt - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Xác định rõ người dân là chủ thể của việc xây dựng NTM, thời gian qua chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng thí điểm NTM.

Ngoài việc động viên, khuyến khích bà con nông dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, chúng tôi còn chỉ đạo các hội cơ sở tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao cho nông dân áp dụng vào sản xuất; đồng thời liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng hàng nghìn tấn phân bón, giống cây trồng, máy móc, vật tư nông nghiệp cho hội viên theo phương thức trả chậm để bà con phát triển sản xuất.

Song song với những việc làm trên, Hội Nông dân còn phối hợp với Viễn thông Lâm Đồng phổ cập tin học và đưa công nghệ thông tin về cơ sở tại các vùng nông thôn, từng bước nâng cao trình độ canh tác, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất…

Xây dựng NTM là công việc của nông dân, vì vậy qua quá trình thực hiện chúng tôi đã làm tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong huy động sức dân xây xây dựng giao thông, thủy lợi và một số công trình văn hóa, giáo dục…

Ông Nguyễn Văn Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng: “ Điều hành vốn vào các xã xây dựng nông thôn mới bằng 150% trở lên so với tốc độ tăng trưởng chung”

Qua 2 năm thực hiện đầu tư tín dụng tại các xã xây dựng mô hình nông thôn mới, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là kênh tín dụng hướng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đặt chỉ tiêu đầu tư vào các xã này bằng 150% so với mức tăng trưởng chung và đã thực hiện tốt trên 3 mặt: doanh số cho vay, dư nợ và chất lượng tín dụng. Chúng tôi đã theo kịp nhu cầu vốn và thành công về hiệu quả đầu tư tín dụng.

Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ của các xã xây dựng nông thôn mới mà ngân hàng thực hiện là trên 372,5 tỷ đồng, tăng so với đầu năm trên 47,6 tỷ đồng, tỷ lệ tăng là 14,65% so với mức tăng chung là 5,07% của toàn chi nhánh. Dư nợ phân theo đối tượng đầu tư là cho vay hộ sản xuất chiếm chủ yếu, dư nợ cho vay nhà ở và các mục đích khác ( tiêu dùng, phục vụ đời sống…) được thực hiện hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân dân. Tại xã điểm Tân Hội, nguồn vốn cho vay đạt gần 135,6 tỷ đồng, chiếm 33,14% nguồn vốn huy động từ khi triển khai thực hiện thí điểm nông thôn mới trên toàn xã. Tỷ lệ nợ xấu  tại các xã rất thấp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chỉ tiêu đầu tư như trên, ưu tiên điều hành vốn với các xã xây dựng nông thôn mới.

Để nguồn vốn  tiếp tục phát huy hiệu quả, chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế của từng địa bàn cụ thể,  định hướng về cây trồng, vật nuôi, các định mức kinh tế- kỹ thuật; từng bước khép kín các khâu sản xuất- thu mua- chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo ra sự liên kết trong sản xuất giữa nhà nước- nhà nông- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bồng - Bí thư Chi bộ thôn Tân Đà (xã Tân Hội, Đức Trọng)

Bước đầu xây dựng nông thôn mới tại thôn gặp không ít khó khăn bởi dân đi họp không đủ trong buổi tổ chức họp dân, cán bộ tới nhà vận động thì dân đi vắng với nhiều lý do, có nhiều ý kiến khác nhau.  Chúng tôi đã tổ chức nhiều đêm họp ở từng cụm dân cư, kiên trì vận động, giải thích, cung cấp thông tin, công khai, minh bạch đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tuyên truyền có lý có tình về việc thi công các công trình sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, các hộ dân trực tiếp nhận quản lý vật tư, công lao động, kiểm tra giám sát và tự tổ chức thi công. Đến quá trình thực hiện, chi bộ phối hợp với ban thôn, mặt trận, chi hội đoàn thể thôn tiếp tục họp từng cụm dân cư bầu ra tổ vận động, tổ giám sát, lựa chọn nhóm thợ thi công.

Qua đó, Tân Đà đã xây dựng được 8 tuyến đường bê tông xi măng với chiều dài 3,6 km và bề rộng 4 m với 80 người tham gia vận động đối ứng, quản lý vật tư, vật liệu và tham gia giám sát; tổng kinh phí đầu tư trên 3,3 tỷ đồng, nhân dân góp vốn đối ứng 814 triệu đồng. Hội trường thôn có tổng kinh phí 225 triệu đang được xây dựng, trong đó nhân dân đóng góp 50%; xây dựng 2.000 m2 nhà kính trị giá 80 triệu đồng với số tiền nhân dân tự bỏ vốn đầu tư là 40 triệu đồng…Các hộ có hoàn cảnh khó khăn không đóng tiền sẽ tham gia ngày công lao động, tự hiến đất giải phóng mặt bằng. Thôn được hỗ trợ chăn nuôi, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật…Nhân dân cùng chỉnh trang nhà cửa, đóng góp làm hệ thống đèn chiếu sáng. Các loại cây ăn quả, cây xanh, cây phân tán hai bên đường như: chuối la ba, bơ, muồng đen, sao đen, xà cừ…

Anh K’ Mơr- người dân thôn Tân Hiệp (Tân Hội, Đức Trọng)

Tôi đã sống tại Tân Hội từ hơn 30 năm nay. Gia đình hiện trồng 5 sào cà phê, 6 sào lúa, trồng bắp. Thu nhập bình quân đạt 100 triệu/ năm. Kể từ khi được Nhà nước lựa chọn xây dựng nông thôn mới, điện- đường- trường- trạm trong xã được đầu tư nhiều hơn trước. Đường về đến tận ngõ khiến việc đi lại và sản xuất của gia đình có nhiều thuận lợi. Tôi có bốn người con, hai người con đầu đã lớn và tham gia sản xuất, hai con sau là Ka Thiền và K’ Chuẩn đều được đi học tại Trường THCS Tân Hội và Trường THPT Nguyễn Thái Bình để có tri thức cao hơn.

Tôi cũng được thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn cây trồng hợp với đất đai, tăng năng suất cây trồng. Được sinh hoạt tại nhà văn hóa của thôn, bà con có nơi tập trung họp dân rất sạch đẹp. Trạm y tế mới xây dựng của xã hiện đại lắm, nếu ai trong gia đình bị  đau ốm tôi cũng không cảm thấy lo như trước nữa.

So với trước đây, cuộc sống giờ đã thay đổi nhiều, thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi thấy rằng xây dựng nông thôn mới đã đem đến nhiều công trình cho dân được sử dụng trong đời sống. Tôi sẵn sàng đóng góp các khoản tiền do dân đóng góp để cùng xây dựng thêm những công trình mới. Gia đình tôi thực sự rất vui khi Tân Hội có những nhà mới mọc lên rất đẹp và không thua kém nhiều nơi khác.
HẢI YẾN – HỒNG HẢI (THỰC HIỆN)