Bình yên cho học đường

03:12, 15/12/2011

Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật phá vỡ những giá trị chuẩn mực về đạo đức, về phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình, đến thế hệ tương lai nòi giống của dân tộc.

Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật phá vỡ những giá trị chuẩn mực về đạo đức, về phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình, đến thế hệ tương lai nòi giống của dân tộc. Chính vì vậy mà tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần quan tâm giải quyết.

Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ trong nhà trường giúp các em học sinh sống lành mạnh hơn
Tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ trong nhà trường giúp các em học sinh sống lành mạnh hơn

THỰC TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Những năm qua, công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội thâm nhập học đường nói chung và công tác phòng chống ma túy, bạo lực học đường nói riêng cũng đã được các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng quan tâm tiến hành thường xuyên và cũng đã đạt được những thành quả nhất định. Song, trước sự diễn biến nhanh của tình hoạt động tội phạm thì công tác phòng chống ma túy, bạo lực học đường vẫn còn nhiều yếu tố bất cập. Vì vậy, tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn tiếp tục xâm nhập trường học, bạo lực học đường vì thế vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thống kê trong 3 năm học từ 2008 - 2011, toàn tỉnh xảy ra 3.375 vụ vi phạm liên quan đến HSSV, trong đó có 2.447 vụ vi phạm an toàn giao thông, 296 vụ đánh nhau gây thương tích, 206 vụ việc vô lễ với giáo viên, 125 vụ trộm cắp vặt, 77 vụ trộm cắp tài sản, 10 vụ cướp tài sản, 4 vụ sử dụng chất gây nghiện. Đặc biệt nghiêm trọng có 10 vụ giết người và 2 vụ giết cướp. Chỉ riêng năm học 2010 - 2011 (tính từ tháng 8/2010 đến tháng 10/2011), trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.199 vụ vi phạm liên quan đến HSSV, trong đó có 908 vụ HSSV vi phạm an toàn giao thông và 291 vụ vi phạm khác.

Trong số 291 vụ vi phạm (ngoài vi phạm giao thông) xảy ra trong năm học 2010 - 2011 liên quan đến 712 HSSV có hành vi liên quan tới bạo lực học đường và an toàn trường học. Đặc biệt có 47 vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến 110 HSSV, trong đó: đánh nhau dẫn đến chết người có 3 vụ với 8 HSSV tham gia; cướp tài sản 6 vụ với 8 HSSV tham gia; đánh nhau rồi quay video, sau đó tung lên mạng internet 2 vụ với với 10 học sinh tham gia; mua bán, sử dụng chất ma túy xảy ra 4 vụ với 24 học sinh tham gia; đánh nhau gây thương tích xảy ra 16 vụ với 36 HSSV tham gia; trộm cắp tài sản 16 vụ với 24 HSSV tham gia… Số vụ việc liên quan đến học sinh phổ thông như vô lễ, đe dọa, hành hung giáo viên, các đối tượng ngoài xã hội xâm nhập trường học đánh học sinh cũng diễn biến hết sức phức tạp. So với những năm học trước có thể thấy tình hình vi phạm pháp luật trong HSSV chưa có chiều hướng giảm, hay chính xác hơn thì có giảm ở lĩnh vực này (giết người, giết cướp, trộm cắp tài sản, đánh nhau gây thương tích…), nhưng lại tăng ở lĩnh vực khác (cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xin đểu…) và xuất hiện một số lĩnh vực mới như đánh nhau quay video tung lên mạng internet, hay mua bán, sử dụng các chất ma túy...

SỰ VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT CỦA NGÀNH CHỨC NĂNG

Trước tình hình phức tạp đe dọa đến an ninh trật tự tại các cơ sở giáo dục, ngày 23/3/2010 UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 656/QĐ-UB về việc ban hành đề án phòng chống bạo lực học đường giai đoạn 2010 - 2015. Và ngày 11/11/2010 Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ký kết Quy chế phối hợp triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng chống ma túy, bạo lực học đường giai đoạn 2010 - 2015. Sau khi ký kết liên tịch, hai đơn vị đã phối hợp xây dựng kế hoạch và triển khai tập huấn cho 54 nhân viên bảo vệ các trường THPT trong toàn tỉnh. Qua lớp tập huấn các nhân viên bảo vệ trường học được truyền đạt những kiến thức cần thiết về nghiệp vụ, pháp luật, phương pháp, kỹ năng giải quyết một số tình huống, vụ việc xảy ra trong khu vực trường học. Các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các phòng ban trong Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất hướng giải quyết khi có vụ việc xảy ra.

Tại các địa phương cấp huyện, lực lượng công an và các cơ sở giáo dục đã có sự phối hợp kịp thời trong công tác nắm tình hình học sinh, kịp thời điều tra, xử lý các vụ việc; tăng cường sự hiện diện của lực lượng công an tại các trường học nhất là vào giờ cao điểm; lập danh sách, bàn giao, trao đổi thông tin kịp thời các trường hợp học sinh cá biệt để phối hợp quản lý, giáo dục... Bên cạnh đó, các trường học cũng đã tập trung quán triệt các văn bản chỉ đạo đến cán bộ, giáo viên nhà trường và tổ chức thực hiện với nhiều biện pháp thiết thực như: mời cán bộ chuyên môn đến trường quán triệt, giảng dạy; lồng ghép kiểm tra đồng phục, đồ dùng học tập kết hợp kiểm tra việc học sinh cam kết không mang hung khí đến trường; tổ chức thi tìm hiểu với các hình thức thi viết, thi vẽ tranh, hái hoa dân chủ… về đề tài phòng chống bạo lực học đường.

Với sự vào cuộc quyết liệt của hai ngành Giáo dục và Công an, tình hình vi phạm trong HSSV đã được phát hiện và xử lý kịp thời từ những vi phạm nhỏ nhất. Từ đầu năm học 2011 - 2012 đến nay, số vụ việc và tính chất vi phạm trong HSSV đã giảm hẳn, chưa có vụ việc nào phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

LÊ HỮU TÚC