Để phong trào thi đua trở thành động lực cho sự phát triển

03:12, 15/12/2011

Làm thế nào để phong trào thi đua thật sự trở thành động lực cho sự phát triển, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Khiết - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.

LTS:  Trong năm 2011, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, với sức lan tỏa lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, phong trào thi đua Lâm Đồng chung tay xây dựng nông thôn mới vừa được phát động rộng khắp, chắc chắn sẽ là một động lực giúp Lâm Đồng ngày càng thêm khởi sắc. Làm thế nào để phong trào thi đua thật sự trở thành động lực cho sự phát triển, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Khiết - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.

PV: Công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, được xác định là một trong những nội dung của Nghị quyết của các cấp ủy Đảng tại địa phương về chỉ đạo công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp. Xin bà cho biết kết quả nổi bật của phong trào thi đua trong thời gian qua?

Bà Võ Thị Khiết: Xác định năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với tinh thần “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2015”, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức phát động thi đua năm 2011; đăng ký các thi đua với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (TĐ-KT) Trung ương, Cụm Thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên. Phong trào thi đua được tổ chức phong phú kết hợp thi đua thường xuyên với thi đua theo chuyên đề; đặc biệt đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua nước rút. Các phong trào thi đua tập trung thực hiện đạt kết quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Các phong trào nổi bật như: Tổ chức học tập quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; thực hiện thắng lợi xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới xã Tân Hội, huyện Đức Trọng; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng đã khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2011. Đặc biệt, khối thi đua các đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính của tỉnh, tiêu biểu như việc thực hiện 6 đề án đổi mới của ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách so với những năm trước đây; lĩnh vực tài chính đã đảm bảo các hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Phong trào thi đua với sự hưởng ứng đông đảo của cán bộ và nhân dân như: Chào mừng kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; thi đua chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Thi đua quyết thắng” tại tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang luôn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Thi đua dạy tốt, học tốt” được duy trì; Phong trào thi đua xoá đói giảm nghèo được mọi ngành, mọi cấp quan tâm. Đợt thi đua chào mừng Festival Hoa Đà Lạt năm 2012 tổ chức khẩn trương, tích cực hơn so với lần trước đây. Việc tổ chức phong trào thi đua gắn kết với thực hiện “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Từ các phong trào thi đua trên đây đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình tiên tiến, được các cấp, các ngành ghi nhận.

PV: Xin bà cho biết những tồn tại, hạn chế trong công tác TĐ-KT và hướng khắc phục để phong trào thi đua thật sự là động lực cho sự phát triển?

Bà Võ Thị Khiết: Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng trong năm 2011 công tác TĐ-KT vẫn còn một số tồn tại như: Việc phát huy sáng tạo trong các phong trào thi đua chưa cao; việc bồi dưỡng, duy trì các điển hình tiên tiến chưa thường xuyên. Một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chưa thật sự chú trọng đến công tác thi đua, còn giao khoán cho cán bộ chuyên môn. Công tác lưu trữ, theo dõi, cập nhật thống kê và ghi chép biên bản họp Hội đồng thi đua của các cơ quan, đơn vị còn chưa đảm bảo theo quy định. Còn có biểu hiện nể nang, cào bằng trong bình xét, suy tôn các danh hiệu thi đua, tỷ lệ khen thưởng cao cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chưa thực hiện tốt các nguyên tắc của công tác TĐ-KT là tự nguyện, tự giác, công khai. Trong quá trình thực hiện công tác TĐ-KT nhiều cá nhân, đơn vị vẫn còn chưa phân biệt được danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nên khi phấn đấu các danh hiệu khen thưởng bậc cao còn gặp nhiều trở ngại...

Để khắc phục những hạn chế trong công tác TĐ-KT, vừa qua Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng của tỉnh đã xây dựng kế hoạch làm việc với tất cả các hội đồng TĐ-KT của các huyện và thành phố trong toàn tỉnh; lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đơn vị để hướng dẫn khắc phục những tồn tại. Cụ thể, Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh đã tổ chức mở 2 lớp tập huấn công tác thi đua, khen thưởng cho trên 300 cán bộ lãnh đạo, thành viên Hội đồng TĐ - KT các sở, ngành, các huyện, thành phố, báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tập huấn nghiệp vụ cho trên 3000 cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng tại 11/12 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát các công tác TĐ-KT tại các cụm, khối thi đua, Tổ chức các hoạt động giao lưu, rút kinh nghiệm giữa các đơn vị. Xây dựng trang Web Thi đua- Khen thưởng Lâm Đồng trên cổng Thông tin điện tử của tỉnh, thực hiện hệ thống quản lý chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001: 2008.

Trước yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển, công tác TĐ-KT của tỉnh cần phải đổi mới nhiều hơn nữa. Thi đua đẩy mạnh tính tích cực, chủ động sáng tạo từ cơ sở với sự đồng thuận xã hội cao như các phong trào: xây dựng đời sống văn hoá, an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới...

PV: Từ thành công của mô hình nông thôn mới Tân Hội, tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Lâm Đồng chung tay xây dựng nông thôn mới”, xin bà cho biết nội dung của phong trào thi đua này?

Bà Võ Thị Khiết: Phong trào thi đua “Lâm Đồng chung tay xây dựng nông thôn mới” với mục đích phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM tại địa phương. Phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước về xây dựng NTM. Nội dung thi đua: Thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ tại từng cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp hữu ích nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt đẩy mạnh phát huy các sáng kiến tác động tích cực đến việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; phát triển các ngành nghề sản xuất mới, mở rộng thị trường nông thôn; đào tạo tay nghề cho con em nông dân; giảm nghèo nhanh và bền vững. Các hoạt động huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa, phát huy nội lực, huy động công sức, cơ sở vật chất cho xây dựng nông thôn mới; khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, thực hiện phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” xác định rõ người nông dân chính là chủ thể của nông thôn, là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới; tạo ra tính đồng thuận cao nhằm huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư để đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất và nâng cao mức sống của nhân dân nông thôn. Chỉ đạo điểm phong trào xây dựng nông thôn mới: cấp huyện (1 đơn vị) là huyện Đức Trọng; cấp xã (5 đơn vị) gồm xã Đạ R’Sal, xã Tân Văn, xã Tân Châu, xã Đạ Oai, xã Xuân Trường. Hiện đã có 2 huyện tổ chức lễ phát động phong trào thi đua này là huyện Lâm Hà và Di Linh.

PV: Xin cảm ơn bà!

HỒ LAN (thực hiện)