Sự ra đời các HTX của người khuyết tật thực sự là hướng mở, là cơ hội để người khuyết tật có thể lao động kiếm sống và hoà nhập cộng đồng.
Theo thống kê chung, toàn quốc có khoảng 10% dân số là người khuyết tật và Lâm Đồng cũng không phải ngoại lệ. Hầu hết người khuyết tật sống dựa vào sự trợ giúp của gia đình, không có việc làm và bị bó hẹp các mối quan hệ xã hội. Bởi vậy, sự ra đời các HTX của người khuyết tật thực sự là hướng mở, là cơ hội để người khuyết tật có thể lao động kiếm sống và hoà nhập cộng đồng.
Lâm Đồng hiện có 3 HTX của người khuyết tật là HTX Vươn Lên (Đức Trọng), các HTX Nhân Ái và Hữu Hoà (Đà Lạt) với xấp xỉ 70 xã viên. Đa số các xã viên là người khuyết tật vận động nên sức khoẻ của anh chị em khá yếu, việc di chuyển, vận động rất khó khăn. Xưa nay, anh chị em đều bó hẹp cuộc sống trong gia đình, nếu có ai làm việc cũng chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp, ít giao lưu tinh thần. Bởi vậy, việc thành lập các HTX cho người khuyết tật cũng phải dựa trên khả năng lao động của anh chị em, thường là các công việc phù hợp sức khoẻ như đan len, kéo len, làm hộp giấy… Với điều kiện đặc thù của anh chị em, thu nhập không cao nhưng công việc vẫn là nguồn động viên, an ủi rất lớn. Chị Quảng Thị Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm HTX khuyết tật Vươn Lên tâm sự: “Thu nhập thấp nhưng làm việc ở HTX là niềm vui với chúng tôi. Ở đây chúng tôi thấy mình có ích, tự nuôi sống được bản thân và nhất là được chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Ngoài ra, khi chúng tôi tạo thành tập thể, cộng đồng cũng biết tới chúng tôi và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Không chỉ là nơi làm việc, đây còn là nơi chúng tôi được sống trong tình đồng cảm và sẻ chia, điều người khuyết tật vô cùng thiếu”. Đó cũng là tâm sự chung của tất cả những xã viên của các HTX khuyết tật trên toàn tỉnh, là động cơ để anh chị em duy trì sản xuất kinh doanh dù còn rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất và theo đó là thu nhập của anh chị em là điều cần thiết để cải thiện cuộc sống. Ông Phạm Văn Tường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sau khi khảo sát, chúng tôi cũng có nhiều lời khuyên cho các HTX khuyết tật để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, đặc biệt chú ý tới mô hình kết hợp của HTX Hữu Hoà mang lại hiệu quả tốt trong sản xuất và khuyến khích các HTX khác phát huy theo”. Mô hình tại HTX Hữu Hoà là người khuyết tật làm việc chung với người lành, những việc cần đi lại, vận động nhiều do xã viên lành lặn đảm nhiệm. Hoạt động kết hợp này khiến năng suất lao động tăng, HTX thu hút được nhiều đơn hàng, xã viên có việc làm đều đặn. Nhưng một trong những điều cần thiết để phát triển sản xuất là các HTX còn thiếu vốn mua sắm thiết bị, số tiền cho vay từ Liên minh HTX tỉnh là quá ít ỏi, không đủ để HTX phát triển sản xuất trong khi tiếp cận với các nguồn vốn vay khác rất khó khăn.
Giữa giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, những người khuyết tật đã cố gắng tự chủ động cuộc sống của chính mình, lao động và chia sẻ khó khăn với những người đồng cảnh. Trong thời gian tới, sẽ có thêm một số HTX cho người khuyết tật ra đời tại Bảo Lộc, Đà Lạt, mang tới thêm nhiều việc làm cho anh chị em, giúp anh chị em có nguồn sống và niềm vui trong công việc. Và các HTX khuyết tật cần lắm những hỗ trợ của cộng đồng để giúp họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, sống độc lập, hoà nhập chung với xã hội và nâng cao chất lượng sống cho những người còn nhiều thiệt thòi.
Diệp Quỳnh