Cần xác định thật rõ để đạt tới sự nhất trí cao thế nào là công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo những chuẩn mực thế giới, rồi tiếp theo là công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở nước ta như thế nào?
Trước hết, tôi xin đưa ra cách hiểu của bản thân về sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Quá trình này, theo tôi, vừa tuân thủ theo những yêu cầu chung của nhân loại chủ yếu ở phương Tây, vừa đáp ứng những đòi hỏi riêng mang tình đặc thù của Việt Nam. Vấn đề là cần xác định thật rõ để đạt tới sự nhất trí cao thế nào là công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo những chuẩn mực thế giới, rồi tiếp theo là công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở nước ta như thế nào? Tất nhiên, trong cái nhìn biện chứng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa phải luôn gắn bó tới mức quyện hòa vào nhau: công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, và hiện đại hóa vào thời công nghiệp phát triển cao độ.
Mầm xuân |
Vế đầu - công nghiệp hóa ở Việt Nam như thế nào trong tương quan với công nghiệp hóa của thế giới, tôi xin nhường lời giải đáp cho các nhà quản lý và các nhà kinh tế. Bởi, đó là lĩnh vực chuyên sâu, cần điều tra, nghiên cứu nghiêm túc và cẩn trọng. Mà cho dầu có được như thế vẫn không dễ đưa ra câu trả lời thỏa đáng đâu. Chẳng hạn, việc giải đáp thuyết phục một loạt những câu hỏi hệ trọng và thiết yếu mang tính đặc thù sau: Nền công nghiệp nước ta có những đặc trưng gì? Đâu là ưu thế và hạn chế của nền công nghiệp ấy sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới? Muốn Việt Nam tới năm 2020 căn bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì kế hoạch 5 năm phải làm gì, rồi kế hoạch 10 năm tiếp theo phải ra sao?... Vâng, thiết tha mong mỏi các nhà quản lý cùng các nhà các nhà kinh tế suy nghĩ rốt ráo để có thể trả lời thấu đáo những câu hỏi lớn ấy. Tôi chỉ xin góp lời giải đáp vế thứ hai là hiện đại hóa ở Việt Nam thế nào?
Như đã nói, ở đây, không được phép tách rời tiến trình và tính chất hiện đại hóa mà nhân loại tiến bộ từng trải qua và sẽ vươn tới. Mà nhân loại nói đây là phương Tây, là nền văn minh mang tính hiện đại mà các nước tiên tiến ở phương Tây cống hiến cho sự phồn vinh và tiến bộ chung của loài người vào thời kỳ cận-hiện đại. Cụ thể, tính chất hiện đại (modernity) gồm những yêu cầu chính yếu nào? Hiện còn có những ý kiến khác nhau, nhưng, theo ý tôi, nên hiểu tính chất hiện đại bao gồm ba biểu hiện cơ bản là: đề cao lý tính, coi trọng sự thật và nhấn mạnh cá thể. Bởi vì, không phải ngẫu nhiên mà vào thời hiện đại, con người lại mang khát vọng hướng tới chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn da diết đến thế! Thậm chí, còn xem đó là những mục tiêu lý tưởng mà xã hội loài người phải bằng mọi cách, bằng mọi giá để đạt được (1, xin xem từ tr.149 đến tr.167). Tuy nhiên, càng ngày nhân loại tiến bộ càng nhận ra sự mâu thuẫn và tính nghịch lý của quan niệm hiện đại vốn có ấy ở Tây phương. Chính các nhà tư tưởng ở châu lục này đã sớm thức tỉnh. Nói như Alain Touraine thì đó vẫn là “tính hiện đại hạn chế”, “tính hiện đại nửa vời” (2, tr.83). Để đáp ứng những nhu cầu phát triển mới, ông đòi hỏi phải vươn tới “tính hiện đại toàn vẹn”, đảm bảo sự hài hòa giữa các mục tiêu, nhằm đem lại hạnh phúc tròn đầy và dài lâu cho con người. Chỉ cần nhìn vào sự bành trướng của chủ nghĩa duy lợi, sự thái quá của chủ nghĩa khách quan, sự hoành hành của chủ nghĩa cá nhân cũng có thể thấy quan niệm của Alain Touraine mang tính thuyết phục đến mức nào.
Bây giờ, xin đi vào vấn đề các ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn có vai trò như thế nào trong việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng những đòi hỏi ngày một cao công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước. Câu trả lời thật rõ ràng và nhất quán: chúng góp phần bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam hiện đại. Cụ thể, đó là mẫu người như thế nào? Tôi nghĩ cần mau chóng trả lời thấu đáo câu hỏi này. Vì đây chính là cơ sở định hướng mọi hoạt động trong xã hội ta. Và, nếu câu trả lời xác đáng thì sẽ góp phần tạo ra những động lực mạnh mẽ, trực tiếp làm nên mọi thành công trong quá trình đổi mới và hội nhập. Có thể cả quyết như vậy vì trong suốt 30 năm tiến hành chiến tranh và cách mạng từ 1945 đến 1975, chúng ta đã xác định đúng mẫu người mà dân tộc ta vào thời đó thật sự cần. Chiến thắng hiển hách trong công cuộc bảo vệ nền độc lập của dân tộc và sự toàn vẹn của non sông được cả loài người tiến bộ thừa nhận là một minh chứng hùng hồn. Giờ đây, việc đưa ra một mẫu hình phù hợp trong việc đào tạo con người nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới, hoàn toàn khác trước, của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang đặt ra một cách vô cùng khẩn thiết.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là chúng ta đang hết sức lúng túng. Tiêu chí xây dựng con người không phải không được chú ý nêu ra, nhưng chưa thật khoa học và phù hợp. Chỉ xin nêu một dẫn dụ trong môi trường đại học mà tôi có ít nhiều hiểu biết. Hiện giờ tiêu chí Sinh viên 5 tốt gồm đạo đức tốt, thể lực tốt, học tập tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt đã được thay thế cho mẫu sinh viên 3 tốt đạo đức tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt trước đây. Thú thực, tôi chưa thật thông lắm vì sao lại cứ phải “tốt”? Năm điều Hồ Chí Minh dạy học sinh có nói gọn như vậy đâu! Nếu cần thì nên đề ra tiêu chuẩn gọi là Sinh viên tiên tiến có lẽ sát hơn. Thêm nữa, đạo đức tốt có lẽ chỉ hợp với học sinh phổ thông. Lên bậc cao, như đại học và trên đại học, nên phấn đấu có tư tưởng không phải tốt mà là tiên tiến. Cuối cùng, đặt thể lực lên trên học tập liệu có nên chăng? Đây là bậc đại học kia mà! Tôi đặt ra những thắc mắc ấy trong Lễ khai giảng năm học 2011-2012 của Khoa, nhưng chưa ai giải đáp giùm tôi cả. Đáng nói là trong lời phát biểu cảm tưởng, một sinh viên mới lại nhắc tới hướng phấn đấu trở thành một người “tài năng” và “cá tính”. Đáng nói hơn nữa là khi phát động thi đua, Bí thư Liên chi đoàn Khoa kết lại bằng một phương châm nghe rất chí lý: sinh viên cần phấn đấu để “học thông minh, giỏi kỹ năng, và vững vàng trong hội nhập”. Cuối buổi, gặp riêng người Bí thư trẻ vừa lấy bằng Thạc sĩ Văn học, tôi hỏi: “Bạn lấy câu ấy ở đâu?”. Chị ấy thành thực trả lời: “Em rút trên mạng”. Vậy đấy! Ta có thể dẫn ra nhiều câu chuyện tương tự.
Điều then chốt trong việc đưa ra một mẫu hình con người lý tưởng trong thời đại hiện nay, theo tôi, nằm ở trục quan hệ dân tộc và nhân loại. Không nên đặt vào những hệ quy chiếu đã tỏ ra lỗi thời. Nói gọn lại, đó phải là con người Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa-hiện đại hóa đầu thế kỷ XXI. Trong mệnh đề này, con người là tiêu chuẩn chung, còn Việt Nam là tiêu chuẩn đặc thù. Cũng xin được nhấn mạnh, đó là con người Việt Nam dưới ánh sáng của tính hiện đại kiểu mới - tính hiện đại toàn vẹn (Alain Touraine). Bởi trên thực tế, như đã nói, ngay từ khởi đầu, tính hiện đại theo mẫu hình phương Tây đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm nhận ra và sớm điều chỉnh. Nên nhớ, ngay từ những năm 1940, chính các học giả phương Tây như Horkheimer và Adorno đã từng lưu ý tới sự bất cập này của quan niệm hiện đại hóa kiểu cũ. Nếu đặt trong quan hệ giữa sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển văn hóa trong đó trọng tâm là văn chương nghệ thuật thì lại càng có sức gợi mở. Trước hết, việc quá đề cao lý tính tất sẽ sinh ra “chủ nghĩa duy lý công cụ” (Alain Touraine) cực kỳ tai hại. Các ông khẳng định: “Từ đề án hợp lý nhằm loại bỏ những đặc quyền phi lý tính lại trỗi dậy một thứ lý tính duy lợi thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cơ thể xã hội”. Đặc biệt, nếu chỉ chú trọng khám phá những quy luật của thế giới, phát triển khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất bằng mọi giá rất dễ bỏ rơi yếu tố con người. Các ông hoàn toàn có lý khi viết tiếp: “Từ nỗ lực phá vỡ sự cưỡng chế của tự nhiên bằng cách phát triển các lực lượng sản xuất đã tạo nên những sự phá hoại có nguy cơ chôn vùi bản thân cơ sở sinh tồn tự nhiên của con người. Kế hoạch được phát động với động cơ nhân đạo nhằm giải thích bằng lý luận đối với thế giời tự nhiên và xã hội đã đảo ngược thành một sự phát triển khoa học đơn thuần dựa trên các chuẩn mực kinh tế - kỹ thuật, không còn có quan hệ nào với mục tiêu nhân đạo”. Cuối cùng, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mọi người, tức của số đông, của bất kỳ ai, nền văn hóa - nghệ thuật rất dễ sa vào nhạt nhẽo, máy móc, tầm thường. Các ông cũng không quên lưu ý: “Sự giải phóng văn hóa - văn nghệ ra khỏi ách kìm kẹp của giáo điều rốt cuộc chỉ tạo ra một thứ ‘văn nghệ đại chúng’, một nền công nghiệp giải trí hoàn toàn bị điều kiện hóa và dễ dàng bị không chế…” (2, tr.82).
Tôi nghĩ, đó là những nhận định hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nên xem ý kiến của các học giả ấy chỉ là những điều chỉnh cần thiết khi thực tế vận động của xã hội loài người trong thế kỷ XX và XXI đã phát lộ ra nhiều hiểm họa cùng những nghịch lý của quá trình hiện đại hóa. Nghĩa là, không vì bất cứ lý do nào để đi tới phủ nhận những đóng góp vô giá của tính chất hiện đại được nhân loại tiến bộ tích lũy được trong suốt mấy trăm năm của thời kỳ hiện đại theo mẫu hình phương Tây. Trong ý thức điều chỉnh thường xuyên và cấp thiết, công việc hiện thời và tiếp theo của chúng ta - những nước đi sau, vẫn nên lấy ba yêu cầu cơ bản của tính hiện đại là đề cao lý tính, coi trọng sự thật, và nhấn mạnh cá thể để soi vào những phẩm chất cần có ở con người Việt Nam thời nay. Muốn thế, ta không thể không chỉ ra là so với tính duy lý, tính khoa học, và tính cá thể theo yêu cầu của tính hiện đại nói chung thì con người Việt Nam có những ưu thế và nhất là những hạn chế cơ bản nào? Tôi nghĩ, đây là một vấn đề lớn và hay, cần tập trung giải quyết cho thật thấu đáo.
Con người Việt Nam trong quá trình lịch sử dài lâu, đặc biệt là trong 25 năm đổi mới, đã hình thành nên nhiều phẩm chất quý báu có thể phần nào đáp ứng được những yêu cầu của tính hiện đại. Chẳng hạn, tư duy trừu tượng của người Việt đã phát triểu hơn trước. Tính sáng tạo trong khám phá khoa học cũng được chú trọng nhiều hơn. Đặc biệt, ý thức về “cái tôi” cá thể càng ngày càng thêm rõ rệt. Trước đây, phương châm sống của nhiều người là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Giờ đây đã có sự thay đổi căn bản theo hướng tiến bộ. Có thể rất nhỏ, chỉ một từ, “mỗi người”, thay thế cho “mình” -“Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, nhưng có thể nói đã làm nên một cuộc cách mạng đáng kể trong nhận thức, từ thời tiền-hiện đại bước hẳn sang thời hiện đại. Tôi nghĩ từ “mỗi người” rất đích đáng. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, K. Marx và F. Engels đã nhắc nhở: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (3, tr.49). Con người được hợp lại từ hai yếu tố: tự nhiên - con và xã hội - người. Yếu tố con đòi hỏi tính đa dạng của từng cá thể. Trong khi yếu tố người lại nhấn mạnh tính cá nhân trong tương quan với cộng đồng. Từ “mỗi người” dung hòa được cả hai, phản ánh đầy đủ hai đặc tính cơ bản của con người trong sự soi chiếu của tính hiện đại. Vấn đề này càng cần đặt ra đối với người trí thức - tầng lớp luôn đề cao đầu óc sáng tạo và tinh thần độc lập. Theo nhận xét của M. Gorky, vào thời dã man, bộ lạc thường xuyên “sợ uy quyền độc đoán của cá nhân và có thái độ thù địch với nó”. Ông có dẫn ra lối ứng xử của người Bunga ở vùng sông Vonga thời cổ: “Nếu họ thấy một người có trí khôn phi thường và hiểu biết sự vật sâu sắc, họ nói ‘Đã đến lúc hắn phải đi phụng sự thượng đế’, đoạn bắt lấy người đó, đem treo lên cây cho đến khi nào cái xác rữa ra từng mảnh”. Còn người Xôza lại có lệ như sau: “Khi bầu thủ lĩnh xong, họ chòng một sợi dây thòng lọng vào cổ hắn và hỏi xem hắn muốn cai trị nhân dân bao nhiêu lâu. Thủ lĩnh nói bao nhiêu thì phải cai trị đúng bằng ấy, nếu không họ sẽ giết chết hắn”. Những tục lệ tương tự khá phổ biến trong thời tiền - hiện đại, thể hiện tâm trạng lo sợ của thị tộc, bộ lạc trước sự phát triển của yếu tố cá nhân khi nó tỏ ra thù địch với lợi ích và xu hướng chung của tập thể (4, tr.65). Tình trạng này rõ ràng xa lạ với con người văn minh hiện đại mong muốn tìm sức mạnh cộng đồng trong sức mạnh của từng cá nhân, và xem sự hoàn thiện của mỗi cá nhân là mục đích tối thượng của cả cộng đồng.
Tuy nhiên, con người Việt Nam hiện thời không chỉ toàn những phẩm chất phù hợp với yêu cầu hiện đại thôi đâu. Rất nhiều bất cập. Ta cần thẳng thắn và mạnh dạn chỉ ra những thiếu hụt ấy. Bởi, một dân tộc hùng cường không bao giờ e ngại trước cái yếu, cái dở khó tránh khỏi của mình. Có điều cần đặt những phẩm chất của con người Việt Nam hiện đại trong thời đại công nghiệp hóa cao độ để mà xem xét. Không phải không tồn tại những yêu cầu khác biệt. Chẳng hạn, mới đây cả thế giới đau xót tiễn đưa nhà công nghệ danh tiếng Steve Jobs - người khổng lồ của lĩnh vực điện toán, nhạc số và viễn thông mà tên tuổi gắn liền với công ty tầm quốc tế - Apple. Trong hàng triệu ý kiến phát biểu khi ông qua đời, tôi nhớ tới những đánh giá bao quát và chân xác của Tổng thống Mỹ B. Obama: “Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, đủ can đảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để làm được việc đó”. Những phẩm chất con người của thời đại công nghiệp siêu-tiên tiến làm nên thành công phi thường của Steve Jobs rất đáng để chúng ta cùng suy ngẫm. Thứ nhất, ông có “đủ can đảm để nghĩ khác”. Đoạn quảng cáo với thông điệp “nghĩ khác” của Apple đưa ra vào năm 1990 trở thành một trong những khẩu hiệu mang lại ảnh hưởng lớn nhất, và giờ đây đã trở thành khẩu hiệu chính thức của Apple. Tôi nhớ Steve Jobs là tác giả của lời khuyên thấu lý sau: “Đừng phung phí thì giờ để sống cuộc sống của người khác. Đừng trói buộc mình bằng những giáo điều. Đừng để tiếng động của ý kiến người khác làm chìm tiếng động của trái tim mình”.
Đúng như nhận xét của Jonathan Gabay - một chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu nổi tiếng thế giới: “Một trong những điều mà ông Jobs đã làm, khác hẳn bất cứ ai khác, là ông đã làm theo cách riêng của mình”. Ông còn nói: “Ý thức không chịu vào khuôn mẫu chính là đặc tính của Steve Jobs. Nó thật vô cùng hấp dẫn”. Thứ hai, Steve Jobs có “đủ táo bạo để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới”. Câu nói làm chấn động giới kinh doanh của ông là: “Bạn không thể hỏi khách hàng họ muốn gì rồi cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ. Đến khi bạn làm xong thì họ đòi hỏi cái mới khác”. Quả là, người sản xuất hiện đại phải đáp ứng những gì xã hội cần chứ không phải những gì xã hội muốn. Carl Howe, giám đốc nghiên cứu khách hàng của tập đoàn nghiên cứu thị trường Yankee Group cho biết: “Apple có một kỷ lục các thành tích tạo ra các sản phẩm mà khách hàng… trước đây chưa từng nghĩ đến hoặc nghĩ rằng mình không muốn”. Và thứ ba, ông có “đủ tài năng” để thực hiện những dự định táo bạo đến mức khác thường của mình. Nhiều người từng biết Steve Jobs bao giờ cũng chỉ hướng tới những sáng tạo đỉnh cao với mức độ hoàn thiện có thể xem là lý tưởng. Ông là người rất cầu toàn trong việc tạo ra những sản phẩm thanh nhã có sự kết hợp hoàn mỹ giữa tính công nghệ và tính thẩm mỹ. Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp đại học Stanford vào năm 2005, Steve Jobs đã nói: “Phải có can đảm để làm theo trái tim và trực giác của bạn. Chỉ có trái tim và trực giác mới biết được bạn thực sự muốn trở thành như thế nào”. Ông nhắc tới thói quen sáng tạo hàng ngày của mình để mọi người cùng soi chung: “Mỗi sáng tôi nhìn vào gương, và tự hỏi mình: ‘Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, những gì tôi sắp làm có phải là những gì tôi muốn làm?’. Và nếu câu trả lời là ‘không’ trong vài ngày liền thì tôi biết rằng mình nên thay đổi định hướng”.
Tóm lại, Khoa học xã hội & Nhân văn góp phần tích cực trong việc hình thành nên những phẩm chất tiên tiến - toàn diện của con người Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa cao độ hiện nay. Cần khẳng định, chỉ có chính sách và chỉ tiêu mà không hề có mục tiêu về kinh tế-xã hội. Mục tiêu duy nhất không gì khác chính là con người. Nói như văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, con người hiện đại, trong đó có người trí thức hiện đại, vừa là “mục tiêu” phấn đấu vừa là “động lực” của mọi sự tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa.
TÀI LIỆU CHÚ THÍCH
(1) Nhiều tác giả - Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết - Nxb Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H., 2003.
(2) Hoàng Ngọc Hiến - Triết lý văn hóa và triết luận văn chương - Nxb Giáo dục, H., 2006.
(3) C. Mác - Ph. Ăngghen - Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, H., 1962.
(4) Gorky M. - Gorky bàn về văn học, Tập 1, Nxb Văn học, H., 1970.
Phạm Quang Trung