Người lính trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ngoài vai trò không thể thay thế đối với nhiệm vụ chính trị - quân sự, họ đang là lực lượng quan trọng thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Bộ đội tham gia việc làng trong các lễ hội truyền thống là một thí dụ.
Người lính trong giai đoạn cách mạng hiện nay, ngoài vai trò không thể thay thế đối với nhiệm vụ chính trị - quân sự, họ đang là lực lượng quan trọng thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Bộ đội tham gia việc làng trong các lễ hội truyền thống là một thí dụ.
Quân dân vui bóng chuyền |
NHỮNG CHÂN TRỤ…
Dễ thấy nhất là cựu chiến binh (CCB) với vai trò nòng cốt trong các Ban tổ chức hội. Hội làng bao giờ cũng náo nhiệt. Có câu “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Đối tượng tham gia hội rất đa dạng: Nam, phụ, lão, ấu; công, nông, binh, trí, buôn bán, dịch vụ; chín người, mười làng, dân bản xứ thường tự hào nói “khách thập phương”… Kinh tế càng phát triển thì nghi điển hội cũng hoành tráng hơn. Khoản đãi tinh thần, khoản đãi vật chất thêm nồng hậu. Ở hội, người ta bỗng vị tha, dễ hoà hợp, song những gã vốn dở dở, ương ương cũng dễ sinh chuyện. Thế nên, tổ chức hội sao cho được việc, được người, lại vui vẻ, thật không đơn giản. Chỉ riêng bảo đảm an toàn cũng đã thấy công phu. “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đâu phải là biện pháp giữ trật tự trong hội của thời đại mới.
Để đáp ứng yêu cầu nói trên, các bậc nguyên lão thường cố vấn cho làng một ban tổ chức, ít nhiều phải có phẩm chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thời nay, chỗ dựa khả dĩ cho việc này thường được nhằm vào đội ngũ CCB. Cũng dễ hiểu thôi. Tác phong nhà binh một thời ăn sâu, bén rễ cùng với ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết và danh dự “Bộ đội Cụ Hồ” tạo cho những người lính trở về đời thường sự vì nể và tin cậy từ quần chúng. Nói nôm na, “họ nói có người nghe”.
Thường thấy có tới 80% quân số trong Ban tổ chức ở các hội làng là CCB. Họ như chân trụ, phụ trách tất cả các mảng việc trong hội, từ lễ tân, khánh tiết, văn hoá, thể thao, hậu cần tài chính… đến tế lễ”.
KHÔNG PHỤ LÒNG TIN YÊU CỦA DÂN
Thực ra, không phải CCB nào cũng biết thực thao các nội dung hội làng. Nhưng cái “mác” CCB - Bộ đội Cụ Hồ đốc thúc họ phải học hỏi để làm tròn bổn phận, không phụ lòng tin yêu “nhận mặt gửi vàng” của dân. Xem một hội làng ở Thái Bình, tôi gặp ông Mạnh Khang thương binh hạng 4/4, phụ trách phần Lễ đã phải bỏ ra nhiều ngày để học, rồi nhớ làu làu hàng trăm chủ đề của các thẻ văn tế khác nhau. Lúc nào tế nội dung gì, với thánh, với phật hay Thành hoàng làng; điều quân cầm cờ, đánh trống, nảy chiêng ra sao; rồi tập dượt các bộ môn, cương vị (quan chủ, tiền cung, hậu cung)… Giờ nào, việc nấy. Ông Khang bảo: “Danh chính thì ngôn thuận, phải đúng mực, phi cái đó, hỏng việc”. Chị Đinh Thị Tuyến, 44 tuổi, nguyên là “lính Thủ đô”, trong một đội cờ lễ cũng nói: “Thân danh mà có vết nhơ thì chẳng ai khiến mang cờ!". Nhiều nơi, như Hội Rước thuỷ ở một số vùng ven sông Hồng, đám rước hàng ngàn người đi xin Linh Lang Đại Vương cho lấy nước ở dưới sông mang về làng để cầu mùa màng tươi tốt. Cả đi - về đến dăm cây số, bao giờ cũng có đội 10 lá quốc kỳ do 10 cựu chiến binh quân phục chỉnh tề đảm nhiệm đi đầu. Tiếp sau là dân chúng trong cờ quạt, xiêm y rực rỡ, tạo nên một phong cách hội vừa tiên tiến, vừa bản sắc…
TẠI NGŨ CŨNG THAM GIA VIỆC LÀNG
Bộ đội tại ngũ lại tham gia Hội làng theo cách riêng. Họ chỉ có thời gian ngoài giờ hành chính. Nhưng Hội làng theo ngày định sẵn, đâu có nhằm ngày nghỉ. Vậy là phải kế hoạch kết hợp với tuỳ cơ ứng biến. Những đoàn nghệ thuật ở các đơn vị quân đội có điều kiện phù hợp, đến hội làng biểu diễn vào chủ nhật, vào buổi tối. Ở các học viện, trường sĩ quan, học viên không có thời gian tham gia việc làng. Song, vì yêu cầu góp phần xây dựng môi trường văn hoá ở địa bàn đóng quân, nên nhiều nơi thành lập một đội bóng chuyền của cơ quan. Bình thường thì đội làm nòng cốt phong trào của đơn vị. Khi có hội thì quân dân giao hữu. Năm nào cũng có hội làng. Thế nên trong kế hoạch công tác có lịch bù ngày làm việc chuyên môn để có thời gian tham gia hội”. Không ít người nhiệt tình hoạt động văn thể phong trào, khi làng có hội cũng chẳng khác gì nhà có việc vui. Chủ nhật cấm được nghỉ. Hết tư vấn cho ban tổ chức nói chung, lại “bồi dưỡng chuyên môn” cho các tổ trọng tài về thể dục thể thao… Có hôm quên cả vợ con vì việc làng.
NÊU CAO PHÊ VÀ TỰ PHÊ
Không phải cứ có chút công lao và được dân tin cậy rồi thì muốn làm gì thì làm đâu! Ở một làng nọ, có đồng chí nguyên là thiếu tá Quân đội, về hưu làm trưởng thôn lại mang điều lệnh Quân đội vào duy trì nếp sống văn hoá ở thôn. Cuộc họp nào cũng xếp vào đúng 7 giờ tối. Người đến chậm 5 phút trở lên là phải đứng nghiêm trình bày lý do xong mới được vào. Thế là có chuyện. Ông Trưởng tộc chỉnh cho ngay trước mặt dân: "7 giờ tối ngày mùa, chú thím, cậu mợ anh còn bận việc đồng áng. Anh tá, tướng ở quân đội, chứ về làm trưởng thôn thì anh là công bộc của dân làng. Anh liệu mà làm việc!". Ghê thật. Thế nên, làm gì cũng phải nghiên cứu kỹ. Thường xuyên chú ý tránh chủ quan, áp đặt hoặc cứng nhắc. Đang được trên tin, dân kính, mà CCB vô tình lấn lướt sang "sân" của người khác, hoặc công thần, "ta đây"… thì là "Gậy ông đập lưng ông" rồi!
PHẠM XƯỞNG