Những người thợ sửa chữa điện thầm lặng

03:12, 08/12/2011

Không ồn ào vồn vã, những người thợ sửa chữa điện hằng ngày vẫn nhiệt thành với công việc, góp phần đảm bảo tốt nguồn điện năng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

Trải qua 35 năm hình thành và phát triển, mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chỉ có một mục tiêu duy nhất mà Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn hướng tới, đó là đảm bảo tốt nguồn điện năng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Song hành với thành quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Phân xưởng cơ điện - ngôi nhà chung của những người thợ sửa chữa điện.

Việc đại tu, nâng cấp thành công Nhà máy Thủy điện Lộc Phát (Bảo Lộc) có công rất lớn của những người thợ trong Phân xưởng cơ điện.
Việc đại tu, nâng cấp thành công Nhà máy Thủy điện Lộc Phát (Bảo Lộc) có công rất lớn của những người thợ trong Phân xưởng cơ điện.

Tiền thân của Phân xưởng cơ điện (Công ty Điện lực Lâm Đồng) được thành lập năm 2005, trên cơ sở sát nhập Phân xưởng sửa chữa cơ điện và Phân xưởng thí nghiệm điện với chức năng: sửa chữa, thí nghiệm, đại tu các nhà máy thủy điện, các trạm phát điện Diesel, các trạm trung gian 35kV, sửa chữa các máy biến áp lực đến 1.600 kVA - 35kV. Với tinh thần vượt khó đi lên, thời gian qua, 40 cán bộ công nhân viên trong Phân xưởng cơ điện đã không ngừng phát huy sức mạnh nội sinh để học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong công việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo mục tiêu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vốn được xem là lực lượng sửa chữa chủ lực của Công ty Điện lực Lâm Đồng, những năm qua, những người thợ sửa chữa điện luôn âm thầm lặng lẽ bên công việc. Với khối lượng công việc khá lớn, nhưng những người thợ sửa chữa điện vẫn ngày đêm bền bỉ với nhiệm vụ của mình với mong muốn mang dòng điện thắp sáng mọi nơi.

Dấu ấn mà Phân xưởng cơ điện để lại là hàng năm có hàng trăm trạm biến áp Diesel, trạm trung gian, máy biến áp lực đến 1.600 kVA - 35kV, nhà máy thủy điện nhỏ, căn chỉnh công tơ… được đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và vận hành thông suốt. Chỉ tính riêng trong năm 2011, Phân xưởng cơ điện đã cân chỉnh 58 ngàn công tơ, đại tu thành công nhà máy thủy điện Lộc Phát… Và, dưới bàn tay và khối óc của những công nhân lành nghề, hàng trăm thiết bị điện hư hỏng đã được điều chỉnh, sửa chữa như lúc ban đầu. Không chỉ dừng lại ở việc sửa chữa các thiết bị điện đơn giản, thời gian qua, những người thợ sửa chữa điện còn tự tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sửa chữa các hạng mục công trình lớn của các nhà máy thủy điện nhỏ như: Nhà máy Thủy điện Suối Vàng, Lộc Phát.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lân - Quản đốc Phân xưởng cơ điện cho biết: “Một trong những dấu ấn mà anh em trong phân xưởng để lại là năm 2002, Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam) nhập về 3 máy công tơ mẫu ba pha GP 3050/3 do Tây Ban Nha sản xuất cho 3 đơn vị, bao gồm: Công ty Điện lực Lâm Đồng, Công ty Điện lực Cần Thơ và Trung tâm thí nghiệm Điện. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, các bộ nguồn bị hư hỏng nặng, anh em trong phân xưởng đã sửa chữa và cân chỉnh thành công các máy công tơ mẫu này. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2004, Phân xưởng sửa chữa cơ điện còn nhận sửa chữa thành công bộ điều khiển của xe kiểm tra, thử nghiệm dò tìm sự cố cáp ngầm của Công ty Điện lực Cần Thơ, cũng như việc sử dụng cáp ngầm để tìm điểm chạm đất của stator - máy phát điện 150MW của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận của Công ty Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi…”.

Xuất phát từ tính chất đặc thù của công việc, thời gian qua Phân xưởng sửa chữa cơ điện còn hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành điện để nhận sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu các hệ thống, thiết bị điện. Nhờ đó, bình quân mỗi năm Phân xưởng cơ điện đã mang về cho công ty hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2011, việc nhận hợp đồng sửa chữa các hệ thống điện bị hư hỏng cho các đơn vị bên ngoài ngành điện, đặc biệt là việc thực hiện công trình thí nghiệm và kiểm tra các trạm trung gian, trạm phân phối của Dự án tổ hợp Bôxit - Nhôm Lâm Đồng đã đem lại nguồn doanh thu thêm cho Công ty Điện lực Lâm Đồng trên 500 triệu đồng. Do dù công việc thầm lặng, nhưng mỗi người thợ trong phân xưởng luôn có ý thức không ngừng học hỏi, tìm tòi và sáng tạo để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu đặt ra, đảm bảo mục tiêu “An toàn- Chất lượng- Tiến độ”. Với lòng nhiệt huyết yêu nghề sẵn có, anh em đã cống hiến hết mình cho ngành điện bằng cả trái tim, khối óc, công sức của mình. Việc tạo dựng được một môi trường làm việc thân mật, cởi mở và thổi vào đó một tinh thần hăng say làm việc của anh em trong phân xưởng chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công” - ông Trần Văn Lâm cho biết thêm.

Từng ngày, từng ngày vẫn nối tiếp nhau như thế, không ồn ào vồn vã, không phô trương khoe khoang thành tích, những người thợ sửa chữa trong Phân xưởng cơ điện lại âm thầm lặng lẽ chuẩn bị cho mình những công việc tiếp nối cho ngày hôm sau, thật bình thường, giản dị nhưng không giấu được lòng nhiệt thành ánh lên trên từng đôi mắt.

HỒNG HẢI