Niềm vui con chữ Nao Quang

03:12, 11/12/2011

Thôn Nao Quang có 85 hộ dân, với 290 khẩu, trong đó người Mạ chiếm đến trên 85% và hiện có 45 hộ thuộc diện hộ nghèo.

Từ bao đời nay, bà con thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, Bảo Lâm) cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia sống ẩn khuất dưới những cánh rừng già bao phủ, đường sá đi lại vô cùng gian nan, cách trung tâm xã hàng chục km đường rừng gập ghềnh và lầy lội. Chính vì thế, việc học gặp nhiều khó khăn và không biết bao nhiêu con người thôn Nao Quang phải chịu cảnh mù chữ.

Lớp học linh hoạt ở thôn Nao Quang
Lớp học linh hoạt ở thôn Nao Quang

Trước thực trạng đó, ngành giáo dục huyện Bảo Lâm cùng Ban Giám hiệu Trường THCS cấp 1, 2 Lộc Phú phối hợp với các đoàn thể trong thôn đã không biết bao nhiều lần đến từng hộ dân vận động học sinh ra lớp để mở lớp xóa mù. Năm 2006 đến 2008, bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn lên đây dạy học thì đã có 24 em học xong lớp phổ cập tiểu học.

Thế nhưng, việc học của con em nơi đây tiếp tục bị gián đoạn. Cái khó khăn về vật chất, cái vất vả về sự cách trở nên phần lớn các bậc phụ huynh không mặn mà mấy với việc học của con em mình. Nhờ tính kiên trì, đầy tình thương và trách nhiệm của các thầy giáo cũng như các đoàn thể trong thôn nên năm học 2010 – 2011 thôn Nao Quang đã chính thức có một lớp học linh hoạt với 12 học sinh (từ 6 đến 10 tuổi). Mặc dù, phòng học chỉ là mướn nhà của dân, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng tâm lý mọi người trong thôn cũng như các thầy giáo rất phấn khởi.

Ông K’Plẹt – Bí thư Chi bộ thôn Nao Quang nhìn bọn trẻ đang đánh vần, không giấu được niềm vui trên khóe mắt cho chúng tôi biết: “Từ trước đến nay, mình luôn chứng kiến cảnh con em ở trong thôn thất học mà buồn lắm. Cũng may được thầy giáo Nhuệ tình nguyện về đây dạy chữ cho con em trong thôn mình. Ai cũng phấn khởi và biết ơn thầy giáo cũng như nhà trường lắm. Mình thấy từ đây  bọn trẻ có cái chữ trong đầu nên mình cũng sướng cái bụng lắm!”.

Mặc dù thầy giáo Nguyễn Minh Nhuệ đã có chỗ dạy ổn định ở một trường gần thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) nhưng vì tình thương đối với lũ trẻ, trách nhiệm nghề nghiệp nên thầy Nhuệ đã không quản ngại khó khăn, vượt hàng chục km đường rừng tình nguyện vào Nao Quang để dạy chữ cho con em đồng bào DTTS. Nhờ tính kiên trì nên hơn một năm đứng trên bục giảng, lớp học linh hoạt của thầy Nhuệ vẫn duy trì được sĩ số. “Tôi biết vào đây dạy học là rất vất vả, cơ sở vật chất lại thiếu thốn. Bù lại, tinh thần học tập của các em là rất tốt nên tôi cũng rất phấn khởi!” - thầy giáo Nhuệ nói.

Mở được lớp học linh hoạt là điều đáng mừng, nhưng số học sinh theo học lớp này so với  những đứa trẻ thất học nơi đây còn khá khiêm tốn. Cũng vì miếng cơm manh áo, một số trẻ em suốt ngày phải theo bố mẹ lên rẫy mà quên cả tuổi thơ của mình. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hình - Hiệu trưởng Trường THCS cấp 1, 2 Lộc Phú cho biết thêm: “Nhìn thấy các em thất học nên nhà trường đã quyết định mở lớp học linh hoạt ở đây. Lớp học này đủ các lứa tuổi nên việc dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của nhà trường, tận tình của thầy Nhuệ và các đoàn thể trong thôn nên lớp học này vẫn duy trì đều đặn và dự kiến sang năm chúng tôi sẽ xây dựng  phòng học để mở một điểm trường lẻ cho bà con nơi đây”.

Thôn Nao Quang có 85 hộ dân, với 290 khẩu, trong đó người Mạ chiếm đến trên 85% và hiện có 45 hộ thuộc diện hộ nghèo. Việc sắp tới có một điểm trường lẻ nơi đây, có những thầy cô giáo hết lòng vì việc học của bọn trẻ như thầy Nhuệ là điều đáng mừng. Từ đây, cái chữ thực sự đã về với con em thôn vùng sâu, vùng đồng bào DTTS này.

Thảo Linh