Nhìn những bà mẹ bên con bị các dị tật đang hàng ngày tập luyện với niềm hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ cứng cáp, khỏe mạnh, tự đi lại được, bạn sẽ hiểu lời chúc may mắn cho các bà bầu khi sinh: “Mẹ tròn con vuông” có ý nghĩa vô cùng.
Làng Hòa Bình bây giờ trở thành Khoa Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật thuộc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng. Đến đây, nhìn những bà mẹ bên con bị các dị tật đang hàng ngày tập luyện với niềm hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ cứng cáp, khỏe mạnh, tự đi lại được, bạn sẽ hiểu lời chúc may mắn cho các bà bầu khi sinh: “Mẹ tròn con vuông” có ý nghĩa vô cùng.
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Làng Hòa Bình quốc tế và BS Nguyễn Thái Học - Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Lâm Đồng cùng chụp ảnh lưu niệm với các bà mẹ và trẻ em khuyết tật. |
Hàng ngày, ở đây có nhiều bà mẹ và trẻ em tụ tập và vẫn rộn rã tiếng nói cười, niềm lạc quan khỏa lấp những xót xa về hình hài con trẻ và hoàn cảnh khó khăn của mỗi người mẹ. Họ trở thành quen biết, thấu hiểu nhau, cùng chia sẻ nỗi đau. “Ở đây là nhà! Cứ mỗi đợt tập cho con kéo dài nhiều tháng. Thứ bảy, chủ nhật tranh thủ về nhà, có khi lâu lâu mới về thăm nhà được!” - Người mẹ trẻ Lê Thị Kim Nguyên ở Thạnh Mỹ (Đơn Dương) tâm sự. Khi chị sinh con đầu lòng, cháu Nguyễn Lê Anh Kiệt vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến tháng thứ 7, chị thấy bé yếu dần, tay chân gồng lên nên đưa cháu đến Bệnh viện tỉnh khám chẩn đoán cháu bị bại não và chuyển đến Làng Hòa Bình để tập luyện. Lúc đầu tập một thời gian ngắn do hoàn cảnh khó khăn chị cho con ở nhà ngưng không tập nữa. Nhưng rồi thấy bé ngày một lớn mà vẫn không phát triển bình thường, chị quyết tâm đưa con lên lại nơi đây để hàng ngày cùng với các kỹ thuật viên tập luyện và chăm sóc cho con. Chị vui mừng qua thời gian kiên trì tập luyện cho cháu liên tục từ lúc bé 18 tháng đến nay cháu đã 33 tháng, cháu biết ngồi và đang tập đi, biết phát âm vài từ đơn giản. Có bé được mẹ đưa đến đây tập từ khi 1 tháng tuổi đến nay đã 5 tuổi. Đó là bé La Thị Thu Hiền được Báo Tuổi trẻ tài trợ, cháu bị khoèo chân và dị tật 2 bàn tay. Người mẹ nhà ở Finôm (Đức Trọng) đã kiên trì đưa con đến tập thường xuyên hàng ngày, ở nội trú 1 đợt 1 tháng rồi ra viện, sau đó lại tái nhập viện, cứ thế, mẹ và bé xem nơi này như là nhà của mình.
Nhiều trường hợp nhà ở Đà Lạt, trẻ được đưa đến tập hàng ngày, không ở nội trú. Cháu Ngô Gia Bảo đã 2 tuổi trông thật kháu khỉnh, cháu bị vẹo cổ do u cơ ức đòn chủm được mẹ đưa đến nơi đây tập từ lúc 1 tuổi. Người mẹ cho biết: Cháu bình thường, chỉ có phần cổ bị nghiêng một bên, nhờ tập luyện nên u nhỏ lại. Cả năm nay, ngày nào tôi cũng đưa cháu đến tập nhưng không ở lại, do không có điều kiện vì ở nhà còn phải chăm sóc cho anh của cháu 9 tuổi. Nhiều trẻ ở đây bị dị tật bẩm sinh, nhưng cũng có nhiều trường hợp do té, ngã bị chấn thương nặng. Cháu Trương Phan Quốc Bảo, 3 tuổi cũng rất kháu khỉnh được mẹ đưa đến đây tập từ 1 tuổi do lúc gởi trẻ cháu bị té ngã, hôn mê, phải mổ não. Mẹ của cháu nói rằng lúc nào rảnh mới đưa cháu đến tập vì chị làm công nhân nên không có nhiều thời gian. Chị được các kỹ thuật viên ở đây hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho cháu tại nhà.
Ở đây có một bé gái mảnh mai có gương mặt thánh thiện như thiên thần đang tập đạp xe có vẻ lơ đãng không chú ý đến những tiếng ồn xung quanh. Trò chuyện mới biết cháu đã 16 tuổi, tên là Nguyễn Thị Minh Nhật, nhà ở phường 7, Đà Lạt. Lúc cháu học lớp 7, cháu bị té chấn thương sọ não, bị co rút nên phải nghỉ học và được tập luyện phục hồi chức năng từ 4 năm nay. Cháu tập và ở nội trú hàng tuần, cứ cuối tuần bố mẹ đến đón về. Nhiều năm qua, thế giới xung quanh em là gương mặt của những người mẹ và các em bé ở Làng Hòa Bình trở nên quen thuộc.
Cứ mỗi lần đến Làng Hòa Bình tôi lại gặp chị Lê Thị Tuyết - Y sĩ điều trị phục hồi chức năng, một phụ nữ nhân hậu, tràn đầy nghị lực để có thể gắn bó lâu dài với các bệnh nhi đặc biệt. Đó là trẻ em bị bại não, thiểu năng vận động, chậm phát triển về tinh thần và vận động. Chị Tuyết đã 31 năm công tác ở đây và không bao giờ thấy chị cáu gắt, lúc nào chị cũng nói năng nhẹ nhàng, chị bảo rằng: “Các cháu bệnh đặc biệt nên rất khó chịu, cũng là do thay đổi tâm sinh lý, so với người lớn chữa cho các cháu khó khăn hơn, hay khóc nhè, lo ó”. Số lượng trẻ đến phục hồi chức năng ngày càng đông hơn, có nhiều trường hợp đưa đến muộn (7 tuổi mới đưa đến phục hồi chức năng) do chưa biết địa chỉ. Các cháu ở khắp 12 huyện, thành phố trong tỉnh và ngoài tỉnh như Đắc Lắc, Quảng Nam… được bố mẹ hay ông bà đưa đến nội trú hoặc thuê nhà để điều trị phục hồi chức năng cho trẻ.
Hàng ngày, tại khoa có 6 kỹ thuật viên khám bệnh và điều trị cho bệnh nhi, tự tay tập cho trẻ. Có khoảng 20 - 30 cháu ở độ tuổi dưới 15 được tập luyện hàng ngày. Các dụng cụ tập phục hồi chức năng của bệnh viện đầy đủ, có xe tập đi, xe bại não, xe đạp, xe có ròng rọc kéo, đèn hồng ngoại, siêu âm điều trị, kích thích liền xương… Công việc của các kỹ thuật viên phải ngồi hàng ngày bên các trẻ, cứ mỗi cháu được cho tập vận động 1 giờ, dành 1 giờ để xoa bóp toàn thân và tập do liệt thần kinh trung ương hay tùy vào trường hợp các chấn thương khác để áp dụng kỹ thuật thích hợp, vừa tập vừa dỗ dành các bé, tiếng khóc xen lẫn tiếng cười, vừa hướng dẫn cho các bà mẹ các kỹ thuật đơn giản. Chị Tuyết chia sẻ: “Các cháu rất đáng thương, phải điều trị phục hồi chức năng cả đời và luôn có 1 người trong gia đình đi theo để chăm sóc con nên kể như không làm ăn gì được, đời sống của các bà mẹ đều khó khăn”.
BS Nguyễn Thái Học - Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Lâm Đồng cho biết: Từ năm 2001 đến nay Khoa Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật đã điều trị nội trú cho 3.351 cháu và điều trị ngoại trú cho 448 cháu. Có 28 cháu được phẫu thuật, trong đó, gởi 14 cháu đi phẫu thuật tại Đức, 6 cháu được phẫu thuật tại bệnh viện và 8 cháu được phẫu thuật tại Quy Nhơn (Bình Định). Từ năm 1994, Làng Hòa Bình đã triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đến nay đã phủ kín ở 12 huyện, thành phố trong tỉnh, với 2.532 người khuyết tật trong chương trình được phục hồi chức năng.
Tại Làng Hòa Bình hiện có 20 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm luôn quá tải 125%, biên chế có 1 bác sĩ, 6 kỹ thuật viên, 1 hộ lý. Số lượng nhân lực y tế ít nhưng những công việc họ làm được thật đáng nể. Tuy nhiên, thăm nơi ở nội trú của các bà mẹ cùng bệnh nhi ở đây chúng tôi không khỏi ái ngại vì sự tạm bợ, thiếu ánh sáng, xuống cấp trầm trọng của cơ sở vật chất và không thể gọi đó là một khu nội trú đúng nghĩa dành cho người bệnh, nhất là bệnh nhi đặc biệt, nên cần sự quan tâm sớm đầu tư nâng cấp.
DIỆU HIỀN