Thiếu cơ sở cho các hoạt động giáo dục thể chất

03:12, 06/12/2011

Dù đã cơ bản đảm bảo đủ giáo viên thể dục nhưng hầu hết trường học trong tỉnh hiện nay đều thiếu cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục thể chất.

Dù đã cơ bản đảm bảo đủ giáo viên thể dục nhưng hầu hết trường học trong tỉnh hiện nay đều thiếu cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục thể chất.
 
Trong giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Madaguil, thị trấn Madaguil, Đạ Huoai
Trong giờ học thể dục của học sinh Trường THCS Madaguil, thị trấn Madaguil, Đạ Huoai

ĐẢM BẢO ĐỦ LƯỢNG VẬN ĐỘNG CHO HỌC SINH 
   
Theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh cơ bản đã có đủ biên chế về giáo viên thể dục. Cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) hầu như 100% các trường học đã có giáo viên thể dục chuyên trách; trong tiểu học hiện còn một số ít trường (khoảng 8%) vẫn còn thiếu.

Nguồn cung cấp giáo viên thể dục chủ yếu lâu nay cho GD Lâm Đồng là Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhưng gần đây đã có không ít sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng trong nước về công tác tại Lâm Đồng, trong đó có những trường chuyên ngành về TDTT. Để chuẩn hóa đội ngũ, từ năm 2002 đến nay, ngành GD đã cử hơn 95 giáo viên thể dục đi học các lớp tại chức trong và ngoài tỉnh. Sở GD-ĐT Lâm Đồng cũng giao cho Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt liên  kết với các trường đại học trong nước mở lớp tại chức cho tỉnh. Hằng năm ngành đã tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng chuyên đề nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên thể dục. Việc tiếp nhận và bố trí giáo viên thể dục giảng dạy khá nghiêm ngặt nên theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng đánh giá, đội ngũ này hiện nay tương đối ổn định, đáp ứng khá tốt nhiệm vụ.

Hằng năm, Sở GD-ĐT Lâm Đồng luôn tăng cường việc chỉ đạo các trường học trong tỉnh phải dạy đúng, dạy đủ nội dung và chương trình của môn thể dục. Các đợt thanh kiểm tra đột xuất và định kỳ được Sở tiến hành để đảm bảo các trường tuân thủ chỉ đạo này. Theo chương trình, học sinh mỗi tuần có 2 tiết thể dục chính thức cùng với các hoạt động ngoại khóa và theo yêu cầu của Sở, các trường học phải tách rời 2 tiết học này thành 2 giờ học riêng biệt, bố trí ở 2 buổi khác nhau. Việc tách tiết này, theo ông Ngô Văn Sơn, Phòng Trung học, Sở GD-ĐT Lâm Đồng, là để đảm bảo lượng vận động cho học sinh trong tuần: “TDTT phải có tác dụng lặp lại. Nếu nhập chung 2 tiết lại một lần, cường độ vận động của học sinh trong 90 phút tương đối nhiều, trong khi cả tuần chỉ vận động một lần là chưa đủ”.

Đến nay, theo Sở GD-ĐT, hầu hết các trường học đã mua sắm trang thiết bị dụng cụ TDTT cho giảng dạy. Để phục vụ việc học tập bộ môn, không ít trường đã huy động học sinh tham gia tu sửa mở rộng mặt bằng sân bãi tập luyện của trường. Từ 10m2 sân tập / một học sinh năm 2002, đến nay khối trường học trong tỉnh đã nâng lên khoảng 12-14m2 sân tập/học sinh. Hằng năm, với sự hỗ trợ của ngành TDTT, 85% trường học đã tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, hầu hết các trường đã tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Ở cấp tỉnh, nhiều giải thi đấu học sinh cũng được tổ chức trong năm học như bóng đá, điền kinh... Ngành GD phối hợp với Đoàn TNCS tổ chức giải cờ vua cho học sinh cấp tiểu học và THCS, tuyển chọn các đội tuyển thể thao tham dự cấp khu vực và toàn quốc.

THIẾU SÂN BÃI 

Với các hoạt động ngoại khóa, theo Sở GD ĐT Lâm Đồng, không ít trường hiện nay có hình thức tổ chức khá phong phú. “Chúng tôi khuyến khích các trường học thành lập Câu lạc bộ các bộ môn, tùy theo đặc thù của trường” - ông Sơn cho biết. Không chỉ đưa vào trường học các môn thể thao đại chúng như bóng đá, bóng bàn, cầu lông…, đến nay nhiều môn khác như võ thuật, bóng rổ, thể dục nhịp điệu, Aerobic… cũng đã dần được đưa vào sân trường. THPT Đức Trọng năm học này đã đưa môn Karatedo cho học sinh tập luyện; không ít trường dân tộc nội trú trong tỉnh chọn môn Vovinam, Taekwondo. Đức Trọng vừa qua cũng tổ chức hội thi Aerobic cấp huyện, được các trường học địa phương hưởng ứng khá tích cực.

Nhờ đẩy mạnh giáo dục thể chất cùng các hoạt động ngoại khóa trong trường học, ngành GD Lâm Đồng những năm gần đây là một trong những đơn vị mạnh về phong trào TDTT của tỉnh. Tại Đại hội TDTT của tỉnh năm 2010, ngành GD xếp hạng 3 toàn đoàn. Thông qua các giải phong trào trong trường học, cũng như giải tỉnh mà ngành GD tham gia, các năng khiếu thể thao được phát hiện, được bồi dưỡng từ nhỏ tại các đội năng khiếu tỉnh, hằng năm không ít VĐV mang huy chương quốc gia về cho Thể thao Lâm Đồng, điển hình nhất là môn cờ vua và bóng bàn.

Nhằm gắn kết với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở GD-ĐT Lâm Đồng hiện nay đang khuyến khích các trường học đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khóa và bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay do sức ép về thi cử nên thời gian dành cho hoạt động TDTT của học sinh nhiều trường học đang dần bị thu hẹp, nên theo đánh giá của Sở GD-ĐT “rất khó khăn để phong trào phát triển rộng và đạt yêu cầu về chất lượng thi đấu”. Cùng đó, trừ một số ít trường có cơ sở tương đối, hầu hết trường học trong tỉnh hiện nay đều thiếu sân bãi cho giáo dục thể chất. Hệ thống sân bãi theo Sở GD-ĐT “dù đã được nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn còn nhỏ hẹp, nhiều trường sân bãi không tập trung nên rất khó khăn trong hoạt động giảng dạy - tập luyện của học sinh và tổ chức thi đấu TDTT trong nhà trường”. Để đạt được mục tiêu đào tạo toàn diện cho học sinh về “đức - trí - thể - mỹ - hướng nghiệp” có lẽ chính quyền các cấp cần vào cuộc vì chuyện thiếu sân bãi không đơn giản chỉ là chuyện của ngành GD.

Gia Khánh