Nếu có chính sách tốt và sự quyết tâm cao, hàng năm chỉ cần khiêm tốn ¼ số trí thức của tỉnh có 1 ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá thì Lâm Đồng có trên 10.000 ý tưởng sáng tạo. Đây sẽ là tài sản vô hình được chuyển hóa thành tiền, là tiền đề cho kinh tế tri thức, góp phần quan trọng phát triển KT – XH Lâm Đồng!
LTS: NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY, SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ NÓI CHUNG, CÔNG NGHỆ CAO NÓI RIÊNG TRÊN THẾ GIỚI CỰC KỲ NHANH CHÓNG, LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY KT-XH, LÀ “CHÌA KHÓA VÀNG” TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN TIẾN TỚI GIÀU MẠNH VÀ VĂN MINH. NỀN KINH TẾ TRI THỨC LÀ “ĐIỂM TỰA” CHO CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN KT-XH CỦA MỖI QUỐC GIA, MỖI KHU VỰC VÀ NHÂN LOẠI TRÊN TOÀN THẾ GIỚI. NGÀY 9 - 12 - 2011, TỈNH LÂM ĐỒNG TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC “XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC LÂM ĐỒNG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ TRI THỨC”, BÁO LÂM ĐỒNG ĐÃ CÓ CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI TS. PHẠM S - TUV, GIÁM ĐỐC SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ VỀ VẤN ĐỀ NÀY.
PV: - Thưa Tiến sĩ, ông có thể cho biết đôi nét về bước phát triển và vai trò của khoa học – công nghệ đang ảnh hưởng như thế nào trên thế giới?
TS. Phạm S |
TS. PHẠM S: Chúng ta đều dễ nhận thấy thế giới hiện nay là thế giới mở; trong đó cuộc cách mạng KHKT tiến nhanh như vũ bão, đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực thúc đẩy KT - XH phát triển. Khoảng cách không gian và thời gian của thế giới thu hẹp lại nhiều lần so với cách đây hàng chục năm về trước nhờ công nghệ thông tin đã trở thành kỳ tích, là thành tựu khoa học của nhân loại. Các công nghệ mới từ sức sáng tạo của con người ngày càng đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp; điều đó được thể hiện thông qua các tiêu chí với công nghệ cao, tốc độ cao và tính đột phá cao.
Ví dụ như sản xuất điện thoại ngày nay tính bằng giây, sản xuất ô tô tính bằng phút, sản xuất máy bay tính bằng giờ, các thế hệ robot cảm ứng tiếng nói chủ nhà không còn xa lạ với công nghệ tự động hóa, việc nhân bản vô tính ở động vật trở thành công nghệ chứ không còn nằm trong các phòng thí nghiệm. Công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ sinh học từng bước đóng vai trò tích cực trong hoạt động đời sống, KT – XH. Công nghệ quản lý cũng không ngừng phát triển với quy mô rộng lớn và chính xác, cho phép một chủ tịch Hội đồng quản trị ngồi một chỗ có thể điều hành 50 chi nhánh ở 50 quốc gia trên thế giới.
Một chủ trang trại quản lý hàng ngàn ha đất trồng trọt và chăn nuôi, thông qua hoạt động kinh tế tri thức đã tác động tích cực một số quốc gia khó khăn về tài nguyên bằng cách đột phá tiên phong phát triển nền kinh tế bền vững trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao và tri thức. Thông qua hoạt động sáng tạo của con người, nền kinh tế tri thức đưa quốc gia của mình trở thành những nền kinh tế mạnh như Singapore, Hàn Quốc, Nhận Bản, Lucxambua, Thụy Điển, Đan Mạch, Iserael…
PV: - Ông vừa đề cập tới khái niệm “nền kinh tế tri thức”, vậy chúng ta hiểu khái niệm này như thế nào?
TS. PHẠM S: Lịch sử xã hội loài người đã trải qua nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế công nghiệp và đang bước vào nền kinh tế tri thức. Về khái niệm này có khá nhiều định nghĩa khác nhau nhưng tựu chung có cùng điểm chung là phát triển kinh tế dựa vào tri thức. Tôi có thể dẫn giải một số khái niệm: Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển KT - XH, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng trí thức, thông tin.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) quan niệm: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó việc tạo ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, của quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Theo GS.VS Đặng Hữu: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống…
TS. Phạm S rất lạc quan cho rằng: Lâm Đồng hiện có 41.130 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (chiếm 3% tổng dân số, tỷ lệ này ở TP. HCM là 5%; riêng thạc sĩ và tiến sĩ có 1.061 người. Nếu có chính sách tốt và sự quyết tâm cao, hàng năm chỉ cần khiêm tốn ¼ số trí thức có 1 ý tưởng sáng tạo mang tính đột phá thì Lâm Đồng có trên 10.000 ý tưởng sáng tạo. Đây sẽ là tài sản vô hình được chuyển hóa thành tiền, là tiền đề cho kinh tế tri thức, góp phần quan trọng phát triển KT – XH Lâm Đồng! |
Qua hàng loạt khái niệm nêu trên cho thấy, nền kinh tế tri thức cũng được hiểu là nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở tri thức, khoa học; dựa trên việc tạo ra và sử dụng tri thức, phản ánh sự phát triển của lực lượng sản xuất ở trình độ cao. Hoặc cũng được hiểu là một môi trường kinh tế - kỹ thuật, văn hóa - xã hội mới, có những đặc tính phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới, sáng tạo. Trong môi trường đó, tri thức sẽ tất yếu trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất đóng góp vào phát triển KT - XH.
Để nhận biết được nền kinh tế tri thức, người ta dựa vào 4 tiêu chí :
Trên 70% GDP là do các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang lại.
Trên 70% cơ cấu giá trị gia tăng là kết quả của lao động trí óc.
Trên 70% lực lượng lao động xã hội là lao động trí thức.
Trên 70% vốn sản xuất là vốn về con người.
PV: Cách đây hơn 3 năm, BCHTW Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27 - NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là một văn kiện hết sức kịp thời nhằm định hướng cho công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong những năm tới. Vậy thưa ông, tình hình thực hiện Nghị quyết 27 - NQ/TW ở Lâm Đồng được cụ thể hóa thế nào?
TS. PHẠM S: Sau khi đánh giá thực trạng đội ngũ trí thức của Đảng và Nhà nước từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới đến nay, Nghị quyết số 27 - NQ/TW đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Đó là:
Hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trí thức.
Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.
Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức.
Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội trí thức.
Nâng cao chất lượng của công tác lãnh đạo Đảng đối với đội ngũ trí thức.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết 27 – NQ/TW, mặt khác tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những năm qua và bám vào định hướng của Nghị quyết Đại hội IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) của Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ nhiệm vụ phát triển khoa học – công nghệ, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, coi đó là khâu có tính đột phá để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Lâm Đồng đã và đang nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp và chính sách cụ thể mang tính đột phá, tạo tiền đề, mở ra con đường “rút ngắn” để phát triển KT – XH một cách nhanh và bền vững với yêu cầu phát triển chung của cả nước cũng như khu vực.
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nguồn lực chất xám của các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học và cao đẳng của Trung ương đóng trên địa bàn, Tỉnh ủy Lâm Đồng có chỉ thị 48 – CT/TU ngày 7 – 9 – 2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KHKT Lâm Đồng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuổi trẻ Lâm Đồng trên đường tri thức. Ảnh NGỌC MINH |
PV: Vậy thưa ông, sắp tới Liên hiệp các Hội KHKT Lâm Đồng cần chú tâm, dốc sức vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
TS.PHẠM S: Theo tôi trong năm 2012 và những năm tới, nhiệm vụ hàng đầu của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Lâm Đồng phải tập trung nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho tỉnh những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển địa phương vốn có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Tiếp đó là chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong qua trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà, các chương trình, dự án, đề án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cuối cùng là phải đi đầu trong truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ, phát hiện và tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ Phạm S!
NGUYỄN THANH (thực hiện)