Tuổi thơ yêu dấu

04:12, 14/12/2011

Hồi còn nhỏ, khi gia đình mới chuyển vào Đà Lạt, tôi được bố mẹ gửi đi nhà trẻ Anh Đào. Hồi đó nhà trẻ Anh Đào là nhà trẻ chất lượng cao, tiêu chuẩn của Pháp, sau này tôi nghe bố mẹ nói vậy, lúc mà tôi đã lớn và nhà trẻ dần dần cũ đi.

Hồi còn nhỏ, khi gia đình mới chuyển vào Đà Lạt, tôi được bố mẹ gửi đi nhà trẻ Anh Đào. Hồi đó nhà trẻ Anh Đào là nhà trẻ chất lượng cao, tiêu chuẩn của Pháp, sau này tôi nghe bố mẹ nói vậy, lúc mà tôi đã lớn và nhà trẻ dần dần cũ đi. Tôi vẫn còn nhớ những bộ quần áo của tôi ở nhà trẻ, từ quần, áo đến yếm đều màu xanh và được thêu hình ông mặt trời cười tươi rực rỡ, và tất cả được để vào một túi cũng thêu ông mặt trời treo ngay cửa ra vào, buổi sáng đến tôi thay bộ quần áo ông mặt trời vào, buổi chiều thì để ông lại vào túi cho các cô giặt. Cạnh túi quần áo của tôi có vô số túi của các bạn khác, mỗi bạn một hình thêu khác nhau, bông hoa, chú gà con, chú voi con…nhưng thật sự là bây giờ nghĩ lại tôi rất hài lòng vì mặt trời chỉ có một ông mà thôi. Tuy sung sướng như vậy nhưng thật ra ngày nào tôi cũng khóc hai lần, sáng và chiều như một thông lệ, buồi sáng tôi khóc khi đến lớp, thay quần áo đẹp xong thì mẹ tôi về, để lại tôi với các cô. Buổi chiều tôi khóc vì thấy các bạn hàng xóm có bố mẹ đến đón về trước. Lúc đó trong tôi dấy lên một nỗi lo sợ sẽ bị bỏ lại một mình. Đây là “bài hát” mà tôi đã “hát” suốt mấy năm ở nhà trẻ, mỗi khi thấy có bạn hàng xóm được đón về: “Bác ơi bác cho cháu về với bố cháu với mẹ cháu với cả chị Mai cháu nữa”. Lúc đó chưa có em Phong, nếu không chắc tôi sẽ thêm vào “với cả em Phong cháu nữa” Đến bây giờ gặp tôi, các bác vẫn cứ trêu. Đó là những hình ảnh đầu tiên được lưu lại trong ký ức của tôi.

Buổi tối, sau khi ăn cơm, cả nhà quây quần nghe đài, nếu là thứ 7 thì có mục Kể Chuyện Cảnh Giác, sau đó là Sân Khấu Truyền Thanh, tôi cũng mê lắm, chờ đợi cả tuần và thưởng thức trong cảm giác sung sướng vì ngày mai là ngày chủ nhật. Trong lúc mọi người lắng nghe thì tôi vừa nghe vừa lăn trên giường, từ góc này sang góc khác, tận hưởng cảm giác êm ái và ấm áp. Thường thì vào những lúc đó bố tôi cất tiếng: “Xuân dẫm lưng cho bố một tí”. Bố tôi rất thích có người đấm lưng cho, hồi đó bố tôi chưa đau lưng nhưng bố tôi rất nghiện món này. Mẹ tôi cũng thường hay đấm lưng cho bố, nhưng tôi thì độc quyền về dẫm lưng vì tôi nhẹ nhất nhà, tôi đi lại khoan thai, lơ đãng trên lưng bố tôi, chỉ vịn một tay vào tường, nhiều khi tôi cũng chẳng cần vịn nữa cơ. Có lẽ ngày xưa khi chị tôi còn nhỏ cũng vẫn thường dẫm lưng cho bố tôi nhưng đến khi chị lớn, nặng quá thì tôi vừa lớn, thay phiên cho chị tôi. Trong lúc tôi đi lại trên lưng bố tôi thì cả nhà nói chuyện và bố tôi khen tôi “con này dẫm giỏi thật, có nghề đấy”. Những lúc đó tôi thấy mình quan trọng vô cùng, vì không có tôi thì ai dẫm lưng cho bố tôi đây, mà tôi chắc bố tôi mê dẫm lưng hơn đấm lưng.

Khi tôi lớn hơn một chút, nhưng cũng vẫn còn rất nhỏ, tôi đã kiếm ra những đồng tiền đầu tiên. Đó là tiền mẹ tôi cho mỗi khi tôi nhổ tóc sâu và tóc bạc cho mẹ. Lúc này tôi đã nhiều bạn bè, không còn quấn chân bố mẹ như trước, cho nên mỗi ngày chủ nhật tôi ở nhà, mẹ muốn nhờ tôi nhổ tóc bạc thì thường bảo, “con nhổ cho mẹ 30 sợi thì mẹ cho mười đồng”. Nói ra thì bây giờ xấu hổ chứ lúc ấy tôi cắm đầu vào nhổ tóc cho mẹ là vì tiền, nhổ đủ số mẹ nói cho chẵn tiền thôi. Cứ nhổ được một sợi tôi lại đưa cho mẹ xem, mẹ gật đầu thì được tính thêm một sợi. Chẳng phải mẹ nghi ngờ tôi nhổ lung tung cho đủ mà là mẹ muốn xem sợi tóc ấy nó bạc như thế nào, mẹ cầm vuốt vuốt nhìn ngắm sợi tóc. Cứ như thế vài tiếng đồng hồ, tôi cố gắng kiếm tiền đi mua bánh ăn, thường thì mẹ cho tôi thêm một ít ngoài số tiền tôi kiếm được.

Khi bắt đầu ham chơi với các bạn, cũng là lúc tôi quá nặng để có thể dẫm lưng cho bố. Lúc này bố thường nhờ tôi đấm lưng. Tôi rất thích nghe bố nói chuyện nhưng hình như lần nào câu chuyện cũng đều kết thúc bằng: “Xuân đấm lưng cho bố một tí”. Thế là tôi bắt đầu lảng tránh những tình huống có nguy cơ. Thỉnh thoảng tôi lại còn lờ đi khi nghe bố gọi. Bố tôi hết sức tâm lý, mỗi lần nhờ tôi bố thường nhờ chỉ vài phút, sau đó bố nói “thôi được rồi, cám ơn con, để lần sau còn nhờ nữa, nhờ nhiều quá người ta sợ”. Lúc đó mặc dù trong lòng rất vui sướng, tôi vẫn đấm thêm vài cái nữa để bố thấy tôi rất nhiệt tình. Tuy bố tâm lý như thế nhưng tôi vẫn ham đi chơi hơn, tôi vẫn lảng tránh và giả vờ không nghe mỗi khi bố gọi. Thật sự thì không phải tôi không thương bố mẹ đâu, lúc nào tôi cũng thương bố mẹ, các cô các chú hỏi tôi thương ai nhất, tôi luôn nói ngay là tôi thương bố mẹ nhất và bằng nhau.

Thời gian cứ trôi đi, càng lớn tôi càng ít đấm lưng cho bố và ít nhổ tóc cho mẹ. Rồi một hôm tôi bỗng muốn nhổ tóc cho mẹ tôi khi hai mẹ con ngồi nói chuyện, nhưng khi tôi bảo “mẹ để con nhổ tóc bạc cho”, mẹ bảo “thôi, nhổ làm gì ?”. Tôi không biết tả thế nào cảm xúc của mình lúc đó, vuốt mái tóc của mẹ đã bạc nhiều lắm rồi tôi thấy buồn man mác. Cũng không hẳn là buồn, không hẳn là tiếc mà là chợt nhận ra tuổi thơ tôi đã qua đi rồi, cùng với tuổi trẻ của mẹ.

Đó là lý do vì sao tôi bỗng siêng năng đấm lưng cho bố hơn. Không biết bố tôi có nhận thấy không, lúc đó tôi học cấp ba, thỉnh thoảng nói chuyện với bố tôi lại hỏi, “bố có đấm lưng không ?”. Rồi em trai tôi nó cũng lười đấm lưng cho bố, bị tôi đốc thúc, tôi thường sai nó “Phong vào đấm lưng cho bố đi”. Dạo này em tôi chắc lớn lắm rồi, không biết có thường đấm lưng cho bố nữa không. Sau này, tôi vẫn thường nhờ chồng tôi đấm lưng cho bố, tôi rất vui khi thấy anh vừa đấm lưng vừa nói chuyện với bố, hai bố con rất gần gũi. Dù sao thì lỗi lầm ham chơi ngày bé cũng còn sửa chữa được, duy nhất chỉ có việc nhổ tóc cho mẹ tôi không sửa chữa được gì, và điều làm tôi hối hận nhất là đã lấy tiền của mẹ. Thực ra tôi còn một điều nữa để mà hối hận là trong suốt năm năm học cấp 1, buổi tối mẹ dạy tôi học, cho tôi bài tập, bắt tôi làm hết nhưng cứ đến gần cuối, còn vài bài là tôi giả vờ ngủ gục, thế là mẹ bế tôi vào giường.

Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm như vậy đó. Dù bố mẹ vất vả lo toan ngược xuôi tất tả nhưng chúng tôi vẫn tươi tắn, vui chơi vô tư hồn nhiên và trong chừng ấy năm tôi chưa một lần nói “con yêu bố mẹ”, khó quá chăng khi nói một câu vô cùng đơn giản. Tôi có thể bày tỏ tình cảm bằng cách này cách khác nhưng nói như vậy tôi lại sợ bố mẹ cười, có lẽ trước một tình thương quá lớn người ta thường không biết nói gì. Tôi viết tặng bố mẹ hôm nay để nói lời yêu thương, lời cám ơn về một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc mà tôi may mắn được trải qua.

CHU XUÂN