Cả gia đình, ai cũng mang trong mình những căn bệnh do di chứng da cam để lại. Nhưng, không vì thế mà họ chịu đầu hàng số phận.
Anh Phan Thành Trung với công việc sửa xe hàng ngày |
Đến thăm gia đình bà Vũ Thị Hồng Thân (thôn 2, xã Lộc Châu, Tp Bảo Lộc) mới thấy hết sự tột cùng của nỗi đau do di chứng da cam để lại. Chồng bà Thân, ông Phan Khoa, là nạn nhân da cam đã mất năm 1990 do nhiều chứng bệnh nặng nề. Một mình bà còm cõi vượt qua nỗi đau để làm niềm hy vọng sống cho 3 người con cũng bị ảnh hưởng của di chứng da cam. Bà Thân nghẹn ngào: “Lúc chết, ông nhà tôi mang trong mình 3 bệnh ung thư gan, phổi và bao tử. Hai vợ chồng có 3 đứa con thì đứa nào cũng ảnh hưởng bệnh tật, hai đứa con gái lập gia đình nhưng cứ bị sẩy thai suốt. Còn sinh được đứa con nào thì cũng không bình thường. Làm chế độ cho ba đứa thì mới chỉ thằng út được thôi, vì nó là bệnh nặng nhất. Bản thân tôi hiện vừa u gan, sỏi thận và viêm hang vị nhưng vẫn phải cố gắng làm việc để đỡ đần cho con, nỗ lực sống để làm chỗ dựa tinh thần cho chúng nó”.
Trong số ba người con, anh Phan Thành Trung, con trai út của bà Thân, là người bị ảnh hưởng di chứng da cam nặng nhất. Anh bị viêm đa khớp nặng, càng ngày càng ảnh hưởng đến khả năng vận động của tay, chân. Từ năm 2004, anh Trung được hưởng chế độ của nạn nhân bị di chứng da cam loại 2 với mức hỗ trợ hơn 400 ngàn/tháng. Tuy không nhiều nhưng đối với anh và gia đình, đó là sự hỗ trợ rất ý nghĩa, giúp anh và gia đình vượt qua những khó khăn luôn thường trực. Bản thân bệnh tật, nhưng Trung không đầu hàng số phận. Năm 2007, anh được Hội Nạn nhân da cam Tp Bảo Lộc cho vay 5 triệu đồng. Nguồn vốn này đến với anh vừa đúng lúc anh đang cần đầu tư cho tiệm sửa xe. Anh cho biết: “Gia đình rất khó khăn nên muốn có chút vốn làm ăn cũng khó. Đợt đó được vay 5 triệu đồng, tôi về đầu tư cho tiệm sửa xe và cố gắng làm đến giờ để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ngoài giúp mình có số vốn ban đầu để làm ăn, đây còn là động lực làm mình càng cố gắng hơn để vươn lên trong cuộc sống”. Mỗi ngày, từ tiệm sửa xe của mình, anh Trung kiếm được 50 – 70 ngàn đồng. Đó cũng là nguồn sống duy nhất để anh nuôi vợ và người mẹ sức khỏe cũng không còn là bao. Hai người chị lớn đã lập gia đình ra riêng, sau 4 lần sẩy thai, họ cũng đã sinh được những đứa con, tuy không như mong muốn, nhưng cũng là nguồn an ủi lớn cho những người mẹ kém may mắn. Cuộc sống tuy còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng nỗi đau da cam giờ đây đã phần nào không còn đè nặng lên tâm trí của họ nữa.
Cùng với gia đình bà Thân, ở xã Lộc Châu còn có rất nhiều gia đình là nạn nhân da cam được nguồn vốn của Hội hỗ trợ để thoát khó, vượt nghèo. Ông Trương Công Hội - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Lộc Châu, cho biết: “Hội đang hoạt động mang tính chất từ thiện là chính chứ không có kinh phí. Việc chăm sóc, giúp đỡ hội viên chủ yếu dựa vào số tiền anh em đóng góp và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Toàn bộ số tiền Hội vận động được hiện đang cho hội viên vay với lãi suất ưu đãi để anh em có điều kiện phát triển sản xuất”.
Hiện, toàn Tp Bảo Lộc có 327 gia đình nạn nhân da cam. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khó khăn riêng nhưng ở họ đều có chung ý chí vượt lên chính mình, không bao giờ chịu đầu hàng ốm đau, bệnh tật. Sự chung tay giúp sức của toàn xã hội đối với những mảnh đời bất hạnh do di chứng da cam để lại chính là động lực, là sức mạnh để họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.