Nằm êm đềm bên dòng suối Tía, xứ đạo An Bình hôm nay thật bình yên và trù phú.
An Bình, giáo xứ có cái tên thật đẹp là một trong những điểm sáng của thành phố Đà Lạt về xây dựng mô hình “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”, nơi những người giáo dân luôn sống trong tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”. Nằm êm đềm bên dòng suối Tía, xứ đạo An Bình hôm nay thật bình yên và trù phú.
Thu hoạch hoa ở An Bình |
Được thành lập từ năm 1947 với cái tên xóm Saint-Jean, hôm nay xứ đạo An Bình nằm trọn vẹn trong khu phố 6, phường 3, thành phố Đà Lạt. Anh Nguyễn Công Trường, Khu phố trưởng đồng thời là một người con của xóm kể lại: “Khu phố 6 có xấp xỉ 80% gia đình công giáo với khoảng một ngàn giáo dân. Bà con ở đây trước nay có nghề trồng rau, giờ chuyển dần sang trồng hoa nên đời sống kinh tế khá lên nhiều. Nhân dân ở đây lương cũng như giáo đều đoàn kết, chăm chỉ lao động xây dựng khu phố văn hóa, là điểm sáng của thành phố Đà Lạt”.
An Bình hôm nay bình an đúng như tên gọi với những hoạt động của người dân khiến cuộc sống rất yên ổn. Đời sống kinh tế của An Bình chủ yếu nhờ vào rau và hoa. Từ những thửa vườn chuyên trồng rau, nay bà con chuyển dần sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như hoa hồng, lys…nên đời sống ổn định hơn hẳn. Được công tác khuyến nông cung cấp những kiến thức kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, bà con đã thay đổi phương thức canh tác cũ bằng những cách làm phù hợp hơn, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Những vườn rau, hoa chạy dọc con suối Tía tạo nên vẻ no ấm, trù phú cho vùng đất vốn khá cằn cỗi xưa nay do độ dốc lớn và ảnh hưởng của nắng mưa.
Bên cạnh đời sống kinh tế được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân An Bình luôn giữ được vẻ đẹp của vùng quê thuần hậu. Bên cạnh các sinh hoạt tín ngưỡng, bà con đều đồng lòng xây dựng một khu phố bình yên, văn hóa, xanh sạch đẹp. Anh Nguyễn Công Trường cho biết, nhiều năm nay An Bình không để xảy ra các tệ nạn xã hội, hàng đêm các đội thanh niên dân phòng vẫn kiểm tra, bảo đảm tình hình trật tự trị an. Trẻ em đến tuổi đều tới trường, không có tình trạng bỏ học do các gia đình đều rất quan tâm tới việc học tập của con cái. Đường làng, ngõ xóm, ngoài sự đầu tư của Nhà nước bà con cũng đóng góp công sức, tiền của để tôn tạo và giữ gìn như xây dựng hội trường khu phố, chốt dân phòng, đường xóm… để bộ mặt khu phố ngày thêm khang trang, sạch đẹp.
Đời sống văn hóa của khu phố ngày thêm khởi sắc chính bắt đầu từ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Anh Nguyễn Mạnh Du, một cư dân của xóm tâm sự: “Cha ông tôi đã tới đây lập ấp, tới tôi là đời thứ 3 gắn bó với An Bình. Chúng tôi luôn sống đoàn kết, yêu thương nhau, trồng rau trồng hoa để đời sống càng ngày càng thêm tốt đẹp”.
Góp phần vào sự phát triển của khu phố không thể không nhận ra sự đóng góp của những giáo dân, chức sắc trong giáo xứ. Cha quản xứ, linh mục Võ Trung Thành cho biết: “Tôi luôn tâm niệm trong lòng phải làm sao cho bà con lương giáo đoàn kết yêu thương nhau, cùng gắng phấn đấu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”.
Suốt gần một thế kỷ thành lập xứ đạo An Bình, hôm nay xứ đạo vẫn giữ được vẻ hồn hậu của một vùng đất quê. Nhưng bên cạnh đó, đời sống kinh tế đã phát triển mạnh, đời sống văn hóa được nâng cao, xứng đáng với điểm sáng về xây dựng “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa”. Và trên tất cả, xứ đạo An Bình thực sự đã trở thành một nơi tất cả mọi người được sống trong tinh thần đoàn kết, yêu thương lương giáo, một môi trường sống đẹp cho cư dân đúng như tên gọi bình an.
DIỆP QUỲNH