Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Lâm Đồng vừa ghi dấu ấn quan trọng trong giới thầy thuốc trẻ cả nước...
Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Lâm Đồng vừa ghi dấu ấn quan trọng trong giới thầy thuốc trẻ cả nước với đề tài nghiên cứu được báo cáo trực tiếp tại Hội nghị Khoa học sáng tạo Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra vào ngày 6/1 tại Đà Lạt.
Bs Thành (bên phải) trong một ca mổ tại Bệnh viện II Lâm Đồng |
Công trình nghiên cứu của Bs Thành “Bước đầu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý mũi xoang tại Bệnh viện II Lâm Đồng” được tuyển chọn đăng trên Tạp chí Y học thực hành do Bộ Y tế xuất bản và là 1 trong số 13 đề tài được chọn trình bày tại Hội nghị này.
Đề tài thu hút sự quan tâm trong giới nghiên cứu trẻ, được đánh giá cao bởi sự táo bạo trong việc ứng dụng kỹ thuật mới tại bệnh viện tuyến tỉnh. Phẫu thuật nội soi mũi xoang là một kỹ thuật cao, nhưng trong mổ vẫn có thể xảy ra một số biến chứng nặng như: mù mắt, dò dịch não tuỷ, tắc lệ tị… và sau mổ tỉ lệ tái phát vẫn còn. Các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật này một cách có hệ thống chỉ tập trung ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… rất ít các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai kỹ thuật này.
Bs Thành cho biết: “Từ tháng 7/2008 Bệnh viện II Lâm Đồng trang bị một hệ thống nội soi và bộ dụng cụ tối thiểu mổ nội soi Tai Mũi Họng. Tuy nhiên, việc ứng dụng hệ thống này chủ yếu là khám chẩn đoán các bệnh lý Tai Mũi Họng, còn việc mổ nội soi mũi xoang vẫn còn lẻ tẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn tiến hành nghiên cứu đề tài “Bước đầu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý mũi xoang tại Bệnh viện II Lâm Đồng”, mong muốn trên cơ sở kết quả của đề tài để xây dựng các quy trình phẫu thuật nội soi điều trị cho từng loại bệnh lý mũi xoang cần phẫu thuật, rút kinh nghiệm, giảm thiểu tai biến. Từ đó, áp dụng rộng rãi cho các bệnh nhân bị bệnh lý mũi xoang cần phẫu thuật tại bệnh viện”.
Các bệnh lý mũi xoang chiếm tỉ lệ hàng đầu trong chuyên ngành Tai Mũi Họng và gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phần lớn các bệnh lý mũi xoang diễn tiến dai dẳng, điều trị nội khoa không đáp ứng, nên việc tìm biện pháp can thiệp ít xâm lấn, trả lại chức năng mũi xoang cho bệnh nhân là nhiệm vụ hết sức quan trọng của y học. Bs Thành đã nghiên cứu qua 2 năm triển khai kỹ thuật trên 78 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý mũi xoang, trong đó 46,2% là viêm mũi xoang mạn tính; 17,9% viêm mũi xoang kèm polype mũi. Triệu chứng chủ yếu 96,1% khạc đàm mũi sau, 96,2% nghẹt mũi; 89,7% chảy mũi; 80,8% đau đầu. Phẫu thuật chủ yếu được ứng dụng là phẫu thuật nội soi chức năng xoang tối thiểu và nội soi chức năng xoang. Kết quả phẫu thuật không có trường hợp nào bị biến chứng nặng như chảy máu dịch não, chảy máu hậu cầu, song thị hay mù mắt. Đa số bệnh nhân sau mổ đã cải thiện các triệu chứng cơ năng. Sau 3 tháng phẫu thuật có 90,2% lành bệnh; 5,9% viêm mũi xoang mạn tính và 3,9% mọc lại polype. Nghiên cứu kết luận phẫu thuật nội soi là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị các loại bệnh lý mũi xoang khác nhau.
Bs Thành nhớ như in những mốc son quan trọng: Năm 2008 lần đầu tiên mổ u tuyến mang tai thành công tại bệnh viện, năm 2009 lần đầu tiên mổ dò khe mang số 3 thông thành bên họng thành công, năm 2010 lần đầu tiên mổ sập khối mũi trán bằng kết hợp plast vis thành công tại Bảo Lộc. Tất cả các kỹ thuật này đều do Bs Thành là phẫu thuật viên chính.
Vừa áp dụng kiến thức thực hành, Bs Thành còn đam mê nghiên cứu khoa học với 6 đề tài nghiên cứu của anh được đăng trên các tạp chí Y học Tp.HCM và tạp chí Tai Mũi Họng Việt Nam. Trong đó, tính sáng tạo được đánh giá cao ở đề tài nghiên cứu về “Hiệu quả đầu hút tự tạo tại Bệnh viện II Lâm Đồng”. Dụng cụ đầu hút làm bằng i-nôc tại bệnh viện không có nhiều, cho nên phải hấp tiệt trùng để tái sử dụng lại. Tôi nghĩ ra cách thay thế đầu hút i-nôc bằng cách dùng bơm kim tiêm chế ra đầu hút bằng nhựa, sử dụng một lần, khi dùng xong vứt đi, đảm bảo vô trùng. Đầu hút tự tạo này đã được bệnh viện áp dụng từ năm 2006 đến nay và đề tài nghiên cứu đánh giá hiệu quả của nó rất tốt.
Qua trò chuyện với Bs Thành, tôi hiểu rằng để làm chủ công nghệ, trang thiết bị y tế hiện đại phải kể đến quá trình học tập nghiên cứu không ngừng của Bs Thành trong việc ứng dụng kỹ thuật cao chuyên ngành Tai Mũi Họng. Bs Thành công tác tại Bệnh viện II Lâm Đồng từ năm 1997 đến nay. Anh sinh năm 1969, quê ở Quảng Nam, tốt nghiệp Bác sĩ tại Trường Đại học Y khoa Huế và hoàn thành Thạc sĩ tại Trường Đại học Y Dược Tp.HCM. Từ khi học thạc sĩ trở về, anh đã đem về áp dụng tại bệnh viện 20 kỹ thuật mới, vì vậy anh luôn nhớ về những mốc son lần đầu áp dụng kỹ thuật mới thành công tại bệnh viện.
DIỆU HIỀN